Võ Minh Lâm (sinh năm 1989, quê Cần Thơ) bắt đầu đi hát từ năm 11 tuổi, tham gia CLB Đờn ca tài tử và thi một số giải địa phương. 14 tuổi, anh học Trường Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Võ Minh Lâm là thí sinh nhỏ tuổi nhất và cũng là người đầu tiên đoạt giải Chuông vàng Ngôi sao vọng cổ truyền hình năm 2006. Từ khi đoạt giải, anh đầu quân về Đoàn Thắp sáng niềm tin của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang rồi hoạt động đến nay.

Áp lực của “Chuông vàng” 17 tuổi

- Con đường sự nghiệp của Võ Minh Lâm từ lúc vào nghề đến khi trở thành một sao trẻ tiêu biểu khá trơn tru thuận lợi?

Đam mê của tôi bắt nguồn từ ba mẹ. Trước đây, ba tôi là kép chính, hoạt động nhiều nơi, trong đó có đoàn của ông bà ngoại. Ba mẹ tôi đã gặp nhau và nên duyên như thế. Mang bầu phải ngưng diễn nhưng vì nhớ ba nên mẹ quyết định đi xe ra tận Huế để thăm ông. Suốt mấy ngày đường ngồi xe nên ra đến nơi mẹ trở dạ. Tôi chào đời trong niềm vui sướng của đông đủ các cô chú trong đoàn. Và mọi người chúc mừng ba mẹ tôi sẽ sớm có người nối nghiệp.

Tuổi thơ của tôi là những ký ức đẹp khó quên với những chuyến lưu diễn gần xa cùng ba mẹ. Đến năm lên 6 tuổi, tôi về sống với bà nội và cô chú. Vì thấy nghề hát không có tương lai lại có quá nhiều định kiến nên cả nhà muốn tôi chuyên tâm việc học, chỉ cần nghe tôi hát một câu sẽ đánh một roi. Nhưng không ai biết là dòng máu nghề đã chảy và thấm trong tôi tự bao giờ.

17 tuổi trở thành “Ngôi sao vọng cổ”, thoạt nhìn ai cũng tưởng thuận lợi nhưng sự thật tôi từng rất tổn thương vì những công kích. Nhiều trang báo nói thẳng tôi không xứng đáng, có khi đã “đãi vàng ra cát”, “ngựa non háu đá”. Có khi mọi người đã quá khắt khe mà không cho tôi thời gian và cơ hội để phát triển, rèn luyện bản thân mình. Tôi đã biết tổn thương…

Từ Cần Thơ lên Sài Gòn thu ca cổ, tôi được trả cát-xê 100 - 200 ngàn trong khi tiền đi lại, ăn ở tốn hơn triệu bạc. Chưa kể vì đi đường mệt, tôi ca cũng không tốt. Trong gần 2 năm như vậy, ba kêu tôi ngưng hát một thời gian vì nhà đã hết tiền. Tôi thương ba lắm!

Tôi biết rõ khi đó mình không đủ kinh nghiệm để làm tốt vai diễn vốn đã ghi dấu ấn của các cô chú gạo cội nhưng vẫn nhận vai. Tôi chấp nhận tất cả khen chê, so sánh của khán giả để được học nghề, được làm nghề. Vì nếu tôi không dám dấn thân cũng sẽ không có ai thay mình mở ra cánh cửa thành công phía trước.

- Thật lạ vì người Việt mang tâm lý thường trực chuộng thần đồng, nhiều ca sĩ, quán quân được lăng-xê từ năm 16 – 17 tuổi đấy. Nếu anh không được ủng hộ, hẳn có nguyên do nào đó?

Do 17 tuổi đã cao 1m76m nên không ai nghĩ tôi còn trẻ con nữa chăng? Đêm chung kết xếp hạng Chuông vàng vọng cổ, tôi đóng vai cha của một bạn kém mình chỉ 3 tuổi trong trích đoạn Hồn tiết phụ, mọi người đã nhìn tôi với tư cách một chàng thanh niên rồi. Trong hậu trường, tôi cứ bị NSƯT Hữu Quốc trêu hoài vì khi xuống sân khấu là cứ hồn nhiên nhảy chân sáo. Nhớ lại những hình ảnh đó tôi cứ tự nói: “Sao mà dễ thương ghê!”.

Bước vào nghề tuổi thiếu niên với nhiều mơ mộng. Tôi từng tự hỏi vì sao mình làm nghề bằng tất cả nhiệt huyết và lòng đam mê mà vẫn không được đông đảo khán giả ủng hộ. Thế mới thấy rằng, để trở thành một nghệ sĩ cải lương là không hề đơn giản. Để thành công, tôi phải bỏ nhiều show diễn bên ngoài, dành thời gian cho việc tập ca, tập diễn, học vũ đạo, học hoá trang, đầu tư phục trang nhân vật... ngày ngày miệt mài trên sàn tập cùng những vai diễn khó.

Trước đây, nhiều người cứ thắc mắc tại sao một người trẻ như tôi lại chọn hát cải lương mà không phải là ngành nghề khác dễ có tiền, có tiếng? Tôi cười và nói rằng: “Nếu ai cũng chạy theo đồng tiền đâu còn những người như tôi được gọi là nghệ sĩ”. Lại có người nói tôi “đu bám cải lương vì tham danh tiếng, tiền bạc”. Nhiều lần, tôi muốn đáp trả rằng nếu cần những thứ đó dại gì mà tôi phải dấn thân vào hành trình gian khổ này.

Ba mẹ tôi cũng từng vì áp lực cơm áo gạo tiền mà không thể tiếp tục đi hát. Tôi nối nghiệp gia đình để chắp nối giấc mơ còn dang dở của ba mẹ bằng cả niềm tự hào, ngay cả khi cải lương không còn được thịnh như xưa nữa.

Tình cảm của khán giả quan trọng hơn tiện nghi vật chất

- Ba mẹ anh từng là đào kép, hẳn họ phải sớm nhìn ra con trai mình là thần đồng để vun vén chứ sao lại cấm cản?

Hơn ai hết, ba mẹ tôi hiểu con đường tôi theo chông gai thế nào. Ba mẹ dành cả tuổi thanh xuân để làm đẹp cho đời nhưng vẫn bị mang tiếng là “xướng ca vô loài”. Tôi, người hậu bối hôm nay, sẽ tiếp tục cùng các bậc tiền bối tự hào tiếp nối nghệ thuật truyền thống của nước nhà với nghệ thuật cải lương mang đến cái nhìn đúng đắn về cái đẹp chân thiện mỹ.

Sau đêm thắng giải Chuông vàng vọng cổ, tôi thức dậy và nhìn mình trong gương, tự hỏi đã thay đổi gì chưa. Tôi ca thử vẫn dở ẹc, không hay hơn chút nào! Bởi lẽ, giải thưởng chỉ là hình thức bên ngoài, tôi phải trau dồi và học hỏi mỗi ngày ngày đến khi nào thật sự xứng đáng với tình cảm của người mộ điệu. Chưa kể, giải Chuông vàng vọng cổ năm đó là mùa đầu tiên, nếu tôi không trưởng thành trong nghề sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cuộc thi. 

Dù vậy, nói công tâm tôi tự thấy vẫn chưa hoàn toàn xứng đáng với danh tiếng, những giải thưởng mà mình đang có. Nhiều nghệ sĩ đi trước như má Hồng Nga, má Ngọc Đáng,... đóng góp gần suốt cuộc đời vẫn chưa có danh hiệu giải thưởng với tôi chỉ là động lực để cố gắng nhiều hơn để phấn đấu trong suốt quá trình làm nghề.

- Anh đâu thiếu lời mời show sao vẫn nhận đi hát cúng đình, vất vả mà cát-xê chẳng là bao?

Là nghệ sĩ, tôi phải gần gũi người dân nên không thể bỏ qua dịp hát cúng đình - một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân. Đi hát cúng đình cực lắm, chúng tôi mang theo mấy bao tải đồ diễn chất đầy xe hơi. Mỗi đêm diễn có khi bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 4 – 5 giờ sáng hôm sau, người phờ phạc, lem luốc mệt nhoài, không dám tắm.

Hát cúng đình dù mệt nhưng rất vui. Hơn ai hết, tôi là người ham thích tận hưởng không khí lễ hội Vía Bà, Kỳ Yên; mang niềm vui và lời ca, câu chúc đến bà con là việc làm ý nghĩa, cũng như tranh thủ thắp hương cầu nguyện cho bản thân và gia đình được bình an, khoẻ mạnh.

Đi diễn ở tỉnh xa điều kiện thiếu thốn nhưng tôi trân quý tình cảm của bà con dành cho nghệ sĩ. Họ thương chúng tôi như người thân trong nhà, có con gà, nắm xôi, trái mít, nải chuối… những gì ngon nhất đều mang đến gửi tặng. Điều này thật sự khiến tôi xúc động và nhớ mãi. Là người con của vùng đất Nam Bộ, tôi có lạ gì đâu khi tắm nước giếng, uống nước mưa. Dù là vùng sâu vùng xa mà bà con thương quý mình xa mấy tôi cũng đi.

- Trở lại "Chuông vàng vọng cổ” với tư cách giám khảo, anh có bị xì xầm như lúc thi?

Đây là năm thứ 3 tôi tham gia Chuông vàng vọng cổ với tư cách là giám khảo. Nghệ sĩ đâu khác gì “làm dâu trăm họ” nên dù bạn có làm tốt vai trò của mình cũng không thiếu những ý kiến trái chiều. Nhưng với kinh nghiệm tôi đã đúc kết được sau hơn 15 năm đi hát và bằng cái tâm luôn mong mỏi tìm ra những nhân tố kế thừa cho nghệ thuật cải lương, tôi tin là mình đã và đang làm tốt trách nhiệm của một vị giám khảo của một cuộc thi.

Trường lớp không giải quyết bài toán nghệ sĩ kế thừa

- Nhưng đâu phải ai cũng có nhiều show hoặc đủ dũng khí để lựa chọn như anh? Cơm áo gạo tiền là vấn đề thiết thân, nhiều bạn trẻ thi xong không biết làm nghề ở đâu sống thế nào?

Đã không ít lần tôi phải đứng giữa hai lựa chọn nhưng vẫn chọn biểu diễn tuồng ở rạp để phục vụ khán giả. Tôi tự an ủi mình, bỏ đi show diễn vài chục triệu đồng nhưng rồi cũng sẽ có show khác. Nhưng bỏ đi cơ hội được làm nghề chính là quay lưng lại với tình cảm của khán giả, những người đã luôn yêu thương và ủng hộ mình. Tôi tin là mình đã có lựa chọn đúng đắn!

Bên cạnh việc tìm kiếm và đào tạo lớp nghệ sĩ kế thừa, rất cần tạo ra nguồn khán giả kế thừa. Nếu chỉ những chương trình phân tuyến rạch ròi “nghệ sĩ hát – khán giả xem” là chưa đủ, chúng ta cần sân chơi mà khán giả cũng phải là người được trải nghiệm như hát cải lương ra sao… Bởi một khi đã biết và được trải nghiệm, việc yêu thích cải lương cũng là chuyện hiển nhiên.

- Anh đẹp trai lại hát hay, hẳn là đào hoa lắm? 

Có “chút” thôi nhưng chắc không so được với các ca sĩ, diễn viên đẹp trai, 6 múi đâu. Với tôi, ăn uống là sở trường dài hạn, hiện gần 80 kg, sẽ cố trong 3 tháng giảm 10 kg để đóng vai Hai Đời trong vở Đời Như Ý. Thời gian này nếu có vở nào phù hợp với cân nặng, tôi sẽ tranh thủ tham gia.

Mọi người hay hỏi tôi yêu ai? Nhưng thú thật từ xưa đến nay, tôi chỉ biết tập trung làm nghề, không biết yêu là gì! Tình yêu là chuyện của ông Tơ bà Nguyệt. Họ không se duyên, chúng ta có tìm đỏ mắt cũng không thấy. Nghệ sĩ không có kinh nghiệm yêu đương vẫn có thể diễn được chứ. Hãy xem bạn diễn là tô phở hay chiếc bánh pizza, ánh nhìn của bạn với bạn diễn tự nhiên sẽ lóe lên và yêu ngay thôi. (cười lớn)

Võ Minh Lâm nêu quan điểm về thực trạng nghề cải lương:

Võ Minh Lâm hài hước, gần gũi nhưng thường bị cho là khó gần:  

Bài: Gia Bảo

Ảnh, clip: Bảo Hòa

Bình Tinh: Tôi sống với cải lương thì sẽ chết với cải lương!

Bình Tinh: Tôi sống với cải lương thì sẽ chết với cải lương!

Ba và anh mất, lăn lộn kiếm sống những ngày tủi nhục,... đời nghệ sĩ cải lương Bình Tinh bước sang trang mới sau các biến cố.