*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Những ngày qua, mọi người đang tranh cãi việc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bán độc quyền một số bài hit cho ca sĩ Nathan Lee liệu có trái đạo đức, không đúng quy định pháp luật hay không?
Với tư cách là một luật sư, tôi có vài nhận xét như sau:
Xét dưới góc độ pháp luật, khi nhạc sĩ tạo ra bất kỳ tác phẩm sẽ có 2 quyền được bảo vệ gồm: quyền nhân thân và quyền tài sản. Do đó, tác giả có quyền chuyển nhượng quyền tác giả (mua đứt bán đoạn) hoặc chuyển quyền sử dụng (độc quyền có thời hạn hoặc sử dụng từng lần).
Cũng cần nói rõ thêm, cho dù có chuyển nhượng hay chuyển quyền sử dụng thì tác giả sẽ không bao giờ mất đi quyền nhân thân, điều mà rất nhiều người, thậm chí là nhạc sĩ nổi tiếng hiện nay vẫn hay nhầm lẫn. Chẳng hạn như nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận nhận định trên trang cá nhân: "Hai năm rồi, mình không còn nhu cầu bán nhạc cho bất cứ ai để kiếm tiền nữa, nhất là bán độc quyền mà mất đi quyền tác giả và quyền kiểm soát ca khúc" là chưa chính xác.
Trong trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, theo thông tin tiếp nhận được, anh này đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng một số ca khúc cho ca sĩ Cao Thái Sơn dưới hình thức độc quyền 2 năm, nghĩa là trong vòng 2 năm đó, ca sĩ có toàn quyền sử dụng, khai thác đầu tư để tạo ra lợi ích tối ưu nhất cho mình, bằng chứng là ca sĩ này đã rất thành công và có nhiều lợi ích trong 2 năm này.
Nathan Lee vừa mua lại độc quyền các ca khúc Nguyễn Văn Chung sáng tác từng được Cao Thái Sơn hát. |
Cho nên, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho rằng: “Bạn là cha đẻ của tác phẩm bạn có quyền bán, không sai về lý. Nhưng bạn cũng đang tự khẳng định với tất cả khách hàng của mình là chỉ cần trả tiền cho tôi là tôi sẵn sàng bán hết. Ai mua trước hay đã đầu tư bao nhiêu tôi cũng kệ”. Tôi hoàn toàn không đồng tình, bởi lẽ khi bạn mua độc quyền một tác phẩm bất kỳ, bạn đã khai thác tối đa ca khúc và nhận về khoản lợi ích cao hơn nhiều lần so với trả mức phí độc quyền thấp. Vậy hết hạn hợp đồng, bạn với lý do gì mà muốn sử dụng tác phẩm trả mức phí sử dụng bình thường để hưởng được quyền như đang độc quyền tác phẩm? Điều này thật sự không công bằng với nhạc sĩ chút nào.
Hơn nữa, bản chất các ca khúc là tài sản của nhạc sĩ sử dụng sức lao động của mình để tạo ra nhằm đưa vào thị trường để trở thành đối tượng của các giao dịch dân sự để mang lại lợi ích vật chất. Cho nên, nếu ca sĩ Cao Thái Sơn muốn tiếp tục sở hữu các ca khúc hit để chiếm ưu thế và loại bỏ sự cạnh tranh thì anh này hoàn toàn có quyền tiếp tục gia hạn thời hạn độc quyền và trả phí cho nhạc sĩ mới mức tương xứng với quyền lợi đã nhận.
Do đó, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho rằng nhạc sĩ triệt đường biểu diễn của ca sĩ Cao Thái Sơn vừa không đúng quy định pháp luật vừa không hợp tình.
Luật sư Hồ Thị Diễm Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi vào địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamNet.
Nhạc sĩ bán độc quyền bài hit cũ là tham tiền, thiếu tình?
Vụ việc Nguyễn Văn Chung bán hit cũ của Cao Thái Sơn cho Nathan Lee dấy lên tranh cãi. Nguyễn Hồng Thuận cho rằng quan hệ công việc hay tình cảm thì hết tình vẫn còn nghĩa, làm nghề cần chữ Tín.