Nhạc sĩ Vĩnh Cát bày tỏ: “Tôi có mời một số ca sĩ hát trong chương trình của mình đến dự họp báo nhưng không ai có mặt có thể họ bận thật hoặc cũng có thể không. Với riêng Tùng Dương, tôi nghĩ cậu ấy đắt show nhất trong số các ca sĩ nên thật lòng chẳng dám mời. Việc Tùng Dương có mặt cũng là cái duyên của bác cháu chúng tôi, tôi rất cảm ơn về tình cảm này của một ca sĩ trẻ”.
Về phía ca sĩ Tùng Dương cũng chia sẻ rằng luôn coi nhạc sĩ Nguyễn Cường như bậc cha chú vô cùng yêu mến nên khi biết nhạc sĩ Vĩnh Cát từng là thầy của nhạc sĩ Nguyễn Cường anh rất kính trọng. “Khi được mời tham gia hát trong chương trình của nhạc sĩ Vĩnh Cát, Tùng Dương vô cùng hào hứng thậm chí còn nói không nhận cát xê nhưng nhạc sĩ Vĩnh Cát không đồng ý vẫn đòi trả. Tùng Dương không biết nay là họp báo nhưng khi một chị nhà báo nhắn buổi gặp mặt đang diễn ra thì lập tức đến ngay”.
Ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ Vĩnh Cát. |
Cũng theo Tùng Dương, năm 2003, khi còn đang là sinh viên của trường Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), anh tham gia cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội” và giành giải cao nhất khi thể hiện 2 ca khúc “Ôi quê tôi” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn và “Sapa thành phố trong sương” của nhạc sĩ Vĩnh Cát. Sáng tác này của nhạc sĩ Vĩnh Cát cũng là một nhạc phẩm mà anh rất yêu thích và tới giờ vẫn hát mỗi khi có dịp.
‘’Với các nhạc sĩ bậc tiền bối như nhạc sĩ Vĩnh Cát, Tùng Dương luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi những đóng góp cho âm nhạc và lĩnh vực nghệ thuật nước nhà. Tùng Dương sẽ tập các tác phẩm của nhạc sĩ Vĩnh Cát cẩn thận và hứa không bịa lời để hai phần trình diễn của mình “Sapa thành phố trong sương” và ‘’Sông Đà nhịp điệu mùa xuân” trong đêm nhạc được thăng hoa” - Tùng Dương chia sẻ.
Với liveconcert “Nhạc sĩ Vĩnh Cát - Ngôi sao Hà Nội” diễn ra ngày 6/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đạo diễn Phạm Hoàng Giang bày tỏ niềm hãnh diện pha một chút áp lực khi chương trình có sự góp mặt của nhiều tài năng như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng với việc hòa âm phối khí, nhạc sĩ Trọng Đài biên tập âm nhạc, nhạc trưởng Doãn Nguyên chỉ huy dàn nhạc… Phạm Hoàng Giang cho biết, chọn hình ảnh xuyên suốt chủ đạo là các song cửa sổ của các ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc thời Pháp cổ.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát và đạo diễn Phạm Hoàng Giang. |
Nhạc sĩ Vĩnh Cát được đánh giá là một trong số ít nhạc sĩ viết hay cả ca khúc và nhạc thính phòng giao hưởng, ông cũng là một trong số nhà soạn nhạc giao hưởng hàng đầu ở Việt Nam. Hoàn thành chương trình tu nghiệp sau đại học tại Liên Xô (cũ) và trở về Việt Nam, nhạc sĩ Vĩnh Cát làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, ( Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện nay), sau đó là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã được nhà nước phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.
Trong cuộc đời hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Vĩnh Cát đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng được công chúng yêu mến như Nhớ bác Hồ, Việt Bắc, Gửi bạn Thủ đô, Tiếng võng ru, Sa Pa thành phố trong sương, Vườn nhãn quê hương, Ngôi sao Hà Nội. Đặc biệt, Hái hoa dâng Bác là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cùng Trường Múa Việt Nam biểu diễn mừng sinh nhật Bác lần thứ 70 (19/5/1960)...
85 tuổi, ở tuổi xưa nay hiếm nhưng nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn rất minh mẫn, nhất là khi nói về âm nhạc, ông vẫn như một chàng trai của những năm tháng say đắm với những nốt nhạc đầy hứng khởi thanh xuân. Ông cho biết gia đình động viên, hỗ trợ và ông tự bỏ tiền để lo kinh phí tổ chức. Đêm nhạc sẽ giới thiệu tới khán giả gần 20 ca khúc với sự thể hiện của các nghệ sĩ: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh, Tùng Dương, Phạm Phương Thảo, Phúc Tiệp, Đinh Trang...
Anh Phương
Khánh Ly cùng Tùng Dương ngợi ca nhạc Trịnh
- Ca sĩ Quang Thành - quản lý danh ca Khánh Ly cho biết sức khoẻ và tinh thần "nữ hoàng chân đất" hiện tại rất tốt và hào hứng với đêm nhạc Trịnh tại Hà Nội.