Tháng 10/2019, khi sức khỏe có dấu hiệu đi xuống, Phú Quang tổ chức liveshow với tên gọi “Trong ánh chớp số phận”. Với dự cảm của người nghệ sĩ, ông tuyên bố đây là liveshow cuối cùng của đời mình. Còn nhớ, trên tấm pano giới thiệu, Phú Quang chọn in tấm ảnh ông cầm ly rượu và dòng chữ: “Đắng mới là đời”, như một sự chiêm nghiệm có phần khắc nghiệt về những năm tháng đã đi qua.

Có thể trong một cơn mê của số phận, Phú Quang đã nghĩ cuộc đời ngắn lắm, nhưng ít nhất trong cái “quán thời gian” hữu hạn ấy ông vẫn có thể mỉm cười, bởi những gì ông còn để lại trong âm nhạc. Và có thể giờ đây khi trong hình tướng một đám mây, biết đâu ông đang nhắn nhủ chúng ta rằng, mọi vật chất đều hư vô, kể cả xác thân, nhưng tình yêu luôn và niềm đam mê bất tận với cuộc đời, với cái đẹp luôn là điều có thật.

Người bán nhạc mình giỏi nhất

{keywords}

Phú Quang xứng đáng với danh hiệu: ''Người bán nhạc mình giỏi nhất Việt Nam'' hoặc chí ít cũng là: ''Người bán nhạc mình giỏi nhất trong các nhạc sĩ cùng thế hệ''. Nếu như nhiều nhạc sĩ thế hệ ông thường chỉ viết tác phẩm rồi để cho đời sống tự định đoạt số phận “đứa con tinh thần” đó, không quan tâm hay can dự nhiều vào những khâu tiếp theo thì Phú Quang lại khác, ông luôn chủ động mang âm nhạc của mình đến với công chúng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Vì Phú Quang hiểu rằng trong âm nhạc, việc sáng tác ra một bài hát chỉ là công đoạn đầu tiên. Để trở thành một tác phẩm đến được với người nghe, bài hát đó còn phải đi một đoạn đường dài, với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Là người tiên phong tự làm show bán vé, Phú Quang thực sự đã góp phần tạo ra một thói quen cho công chúng của ông hàng năm bằng những đêm nhạc, thường được tổ chức vào cuối thu đầu đông.

Phú Quang chủ động “kiểm soát” tác phẩm của mình, như một người cha luôn để mắt đến con cái và đảm bảo rằng nó mang đúng tinh thần của ông. Làm “chủ soái” trong các chương trình ca nhạc của mình, kể cả liveshow hay đĩa nhạc, Phú Quang luôn là người xây dựng ý tưởng, thiết kế, tính toán mời người tham gia, thậm chí quyết định luôn việc trả cát-xê cho ca sĩ. Dĩ nhiên, ông là người biết ứng xử hài hòa trên lý và tình, vừa sòng phẳng rạch ròi lại vừa ân cần tinh tế. Ông cũng không ngại va chạm. Ở góc độ nhà tổ chức, ông là người thực sự có đầu óc. Nhờ vậy, trong khi nhiều nhạc sĩ tài năng còn chật vật với đời sống cơm áo gạo tiền, Phú Quang đã vượt lên phong lưu trong tài chính. Sống ung dung bằng âm nhạc như Phú Quang, thật khó có mấy người.

Câu hỏi trong các cuộc họp báo trước show diễn hàng năm Phú quang thường gặp phải, là việc ông sử dụng lặp đi lặp lại các ca khúc cũ trong show diễn mới. Dù có một gia tài lớn khoảng chừng 600 ca khúc, nhưng số lượng ca khúc có ảnh hưởng sâu rộng, có tính lan tỏa trong đời sống của ông khoảng trên dưới con số 100. Đây là con số không hề xoàng, niềm mơ ước của nhiều nhạc sĩ nhưng với tốc độ làm show nhiều như Phú Quang việc trùng lặp các ca khúc trong các chương trình không thể tránh khỏi.

{keywords}

Ông thường thiết kế 2/3 số bài hát trong một đêm diễn là những ca khúc nổi tiếng còn lại ca khúc mới hoặc ca khúc có ít người nghe hơn. Phú Quang chẳng ngại chuyện người ta hỏi về những bài hát cũ, rất thẳng thắn: ''Tôi bán cái cũ mà khán giả vẫn đông thì đừng đặt vấn đề cũ - mới. Trong nghệ thuật làm gì có cũ - mới, chỉ có hay- dở. Là tôi đang bán cái hay đó. Vì nếu không hay, người ta bỏ tiền chỉ mua vé một lần thôi”. Ngẫm ra, triết lý đó của ông cũng thật có lý.

Số lượng liveshow và album nhạc Phú Quang không thể đếm hết trên đầu ngón tay mà gần như các đêm diễn của ông đều chật kín hàng ghế khán giả. Mà vé xem nhạc của Phú Quang chưa khi nào được xem là rẻ. Nhìn lại câu chuyện mang âm nhạc phố biến vào thị trường của Phú Quang, nhiều nghệ sĩ trẻ sau ông chắc chắn sẽ ít nhiều học được những kinh nghiệm quý giá. Xét đến cùng, nghệ thuật nói chung, người làm nghề hạnh phúc và tự do nhất khi họ tự nuôi sống được mình một cách chính đáng bằng tác phẩm.

Nghĩ về tính đại chúng trong nhạc Phú Quang

Thời trẻ Phú Quang học kèn cor, rồi sau đó ông học Nhạc viện ngành Chỉ huy biểu diễn, rồi mới chuyển hướng sáng tác. Người nghe phần nhiều biết đến Phú Quang trong các bản tình ca và ca khúc viết về Hà Nội, nhưng thực sự Phú Quang đa tài hơn thế. Ông có những tác phẩm khí nhạc hay vào hàng kinh điển, như bản Tình yêu của biển với tiếng sáo flute của nghệ sĩ Hồng Nhung (vợ cũ của ông) được chọn làm nhạc hiệu, nhạc phim trên truyền hình, phát thanh suốt mấy thập kỷ đã qua.

Clip ''Tình yêu của biển'' độc tấu flute Hồng Nhung cùng dàn nhạc giao hưởng do Phú Quang chỉ huy: 

Phú Quang còn là nhạc sĩ đắt khách trong viết nhạc cho phim, cho sân khấu, thậm chí cho vở diễn ba-lê. Tuy nhiên độ nổi tiếng của Phú Quang trong ca khúc đã phần nào làm mờ đi những thành công của ông ở các loại hình âm nhạc này.

Vì sao ca khúc của Phú Quang có thể làm lung lạc trái tim người hâm một nhiều thế hệ như vậy? Ở tuổi nào người ta cũng có thể nghe nhạc Phú Quang, và nghe trong nhiều không gian khác nhau. Có lẽ bởi âm nhạc của Phú Quang không phức tạp cầu kỳ mà dễ nghe, dễ hát, dễ cảm. Một thứ nhạc êm dịu, gần gũi với những tâm trạng phổ quát của con người trong tình yêu, trong hoài niệm, trong những nỗi niềm chung của cuộc đời mà ai cũng có, ai cũng từng đi qua. Là thứ nhạc không quá ồn ào, gai góc, dễ dàng đụng chạm vào những ngóc ngách nhỏ bé, sâu kín của tâm hồn, đưa người ta về với những giấc mơ vượt lên trên hiện thực cuộc đời.

Cảm xúc trong nhạc Phú Quang rất thuần thiết, nó biểu hiện luôn trên bề mặt thanh âm và ca từ, khiến cho người ta cảm thấy mình có thể chạm vào và từ đó được an ủi, sẻ chia. Phần lời trong ca khúc Phú Quang rất dễ khiến cho cho tâm hồn người nghe cuốn theo, lúc vui buồn, lúc hân hoan, lúc nức nở, vì nhạc sĩ có cặp mắt xanh nhìn ra những bài thơ hay để thổi âm nhạc vào đó. Phú Quang có thể nhặt lấy chỉ dăm câu thơ trong một trường ca dài để “phù phép” thành một nhạc phẩm nức lòng người nghe, như trường hợp ca khúc Em ơi Hà Nội phố.

Phú Quang còn đặc biệt ở chỗ, ông phổ nhạc thành công nhiều bài thơ của nhà thơ nữ, hóa thân vào câu chuyện và nỗi buồn, niềm cay đắng của họ. Nhiều tình khúc của ông có nhân vật trữ tình là “Em”, đầy khắc khoải nữ tính. Dường như luôn có một tuyên ngôn ngầm bảo vệ, chia sẻ những mất mát trong tình yêu của người đàn bà trong tình khúc Phú Quang. Dễ hiểu vì sao ông lại có nhiều khán giả trung thành là nữ đến vậy.

Có một vài nhận xét khắt khe cho rằng Phú Quang hơi dễ trong âm nhạc. Ca khúc của ông có vẻ không muốn thách đố người làm công tác phê bình vì sự dễ cảm của nó. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, chính sự dễ cảm của nhạc Phú Quang đã mang đến cho ông một bầu trời khán giả, điều mà ai làm nghệ thuật cũng mơ ước.

Nhìn từ phía công chúng, phần đông trong chúng ta tìm đến âm nhạc là để tìm an ủi, vỗ về, để quên đi những bộn bề cuộc sống vốn vô cùng phức tạp, khó lường ngoài kia. Đôi khi chúng ta ngại ngần đứng trước một ca chỉ vì sự làm quá, sự rắc rối của nó. Chúng ta đơn giản muốn thả mình trôi trên dòng nước tinh khiết của âm nhạc, để tâm hồn trở nên thư thái.

Phú Quang, với trái tim đầy ắp sẻ chia, nhiệt thành đã chọn cách như vậy để gặp công chúng của ông. Dường như ông không so bì cao thấp, không màng chuyện xếp chiếu, xếp mâm trong nghệ thuật. Đơn giản là ông viết ra những điều ông trăn trở, suy tư. Và dù người ta có tranh cãi điều gì về âm nhạc của ông đi nữa thì việc ông có đông đảo khán giả hâm mộ, âm nhạc của ông chảy tràn trong đời sống nhiều thập niên qua là sự thật không ai có thể chối bỏ.

“Anh bỗng thấy thân phận mình bé nhỏ”

{keywords}
Phú Quang: Người bán nhạc mình giỏi nhất Việt Nam. Ảnh: Hải Bá.

Lần nào đó, trong quán cà phê quen, Phú Quang trầm ngâm thổ lộ: “Khi tác phẩm vang lên cũng là lúc tôi ngộ ra một điều: Âm nhạc là cứu cánh duy nhất của tôi. Từ đó những giọt nước mắt đã được lau khô để mà sống như một câu thơ của nhà thơ Việt Phương: “Xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin. Nay càng thân tin mà không cần tô gì nữa cả. Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ. Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn…”.

Phú Quang có nhiều người mến mộ, nhưng đáy sâu trong tâm hồn ông là một sự cô đơn. Cô đơn có gì lạ, nó chính là cái ách mà người làm nghệ thuật thường phải mang theo trên đường đời. Cô đơn là để quán chiếu đời sống này, với những phù du hư vinh bọt bèo, với những có không chợp mắt đã qua một đời. Dù nổi tiếng là người khôn ngoan, sắc sảo trong kinh doanh, nhưng quay về nhìn vào bên trong, con người Phú Quang thuần chất nghệ sĩ. Ông dễ bộc bạch, dễ chia sẻ, dễ bức xúc, có khi cực đoan nhưng cũng dễ bỏ qua, tha thứ. Có lúc ông tỏ ra quyết liệt hơn thua, nhưng rồi ngay sau đó lại dịu dàng cư xử như chưa từng có chuyện. Các ca sĩ khi làm việc hiểu tính ông thì rất dễ.

Phú Quang thường hay kể về những khó khăn ông trải qua thời trẻ. Những đòn đau ông phải gánh chịu từ thói đố kỵ của người đời. Cuộc sống dạy ông phải mạnh mẽ “chiến đấu” và phải đi một mình để tìm lấy con đường. Đó là lý do bên cạnh sáng tác, ông luôn đặt mục tiêu kiếm tiền từ âm nhạc, sống đàng hoàng bằng âm nhạc. Nhưng rồi đứng trước ngưỡng cửa tuổi 70, ông tâm sự: “Đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy rằng làm việc là một nhu cầu, không còn là để kiếm tiền hay kiếm danh, bởi mọi thứ chỉ là bọt biển, sẽ tan đi. Quan trọng là khi làm việc, bạn thấy mình đang thực sự sống”.

Trong đời riêng Phú Quang nhiều đổ vỡ. Nhưng ông không oán trách số phận. Ông vẫn nuôi một niềm tin lớn lao vào sự có thật của tình yêu và hạnh phúc. Trong một lần trả lời phỏng vấn ông nói: “Tôi đã đủ trải nghiệm để hiểu rằng không có gì tuyệt vời hơn tình yêu. Nhưng tôi lại nghĩ tình yêu và hạnh phúc giống như con chim, đến đậu trên vai ta một vài lần trong đời đã là may mắn lắm. Chúng ta đừng hy vọng có thể cầm nắm hay sở hữu tình yêu. Một khi anh sở hữu được nó rồi, nó có thể chết”. 

Giờ thì Phú Quang đã phiêu du. Chẳng biết ông có còn cần đến những tràng pháo tay của khán giả trong những đêm nhạc chật kín người, để mang theo hay là “gửi lại trần gian”. Nhưng chắc chắn một điều rằng trần gian vẫn còn tiếp tục mơ mộng, hoài nhớ trong không gian âm nhạc của ông, chừng nào còn lứa đôi yêu nhau, còn khát khao kiếm tìm hạnh phúc.

Bình Nguyên Trang

Trinh Hương kể những ngày cuối đời của nhạc sĩ Phú Quang

Trinh Hương kể những ngày cuối đời của nhạc sĩ Phú Quang

'Từ cuối năm 2020, bố tôi đã không nói được nhưng nhận thức vẫn hoàn toàn bình thường. Ông chỉ giao tiếp bằng ánh mắt. Có lúc ông khóc khi nghe vợ con kể chuyện", nghệ sĩ Trinh Hương - con gái nhạc sĩ Phú Quang kể.