Cứ quẩn quanh không dứt được với cây đàn, dù đã dứt ra kinh doanh và 3 lần vỡ nợ trong 6 năm liền nhưng cuối cùng nghệ sĩ Vũ Đức Hiển vẫn quay lại với ghi-ta.
Sắp tới, nghệ sĩ ghi-ta Vũ Đức Hiển cùng nhà hát Tuổi trẻ sẽ tổ chức "Liên hoan ghi-ta Quốc tế tại Hà Nội". Đây là liên hoan đầu tiên về ghi-ta mang tầm cỡ Quốc tế – loại nhạc cụ mà cách đây 10 năm vô cùng phát triển tại Việt Nam. VietNamNet có buổi trò chuyện với nghệ sĩ yêu cây đàn ghi-ta giống như sinh mệnh cha mẹ ban cho mình vậy.
Trong khi các bầu show chỉ nhắm vào những loại hình âm nhạc đang hút khán giả như Bolero chẳng hạn còn anh lại mang festival ghi-ta về Việt Nam, anh có tính đến yếu tố kinh tế không?
- Thật tình lúc đầu tôi có nghĩ đến. Tôi nghĩ theo kiểu làm chương trình này sẽ không bị lỗ đâu, kiểu gì chẳng xin được tài trợ, bán được vé. Thực tế lại không như mơ, đi xin tài trợ ở đâu thì tôi cũng gặp cái lắc đầu từ chối. Vé thì không bán được, ít người mua lắm. Thậm chí giảm mấy chục phần trăm mà cũng không bán được, thường là phải tặng. Nói chung vất vả thật. Mai sau này, thấy sự vất vả của tôi quá, anh Hee Hongkin, nghệ nhân ghi-ta của Hàn Quốc và anh Nutavut, nghệ sĩ quốc tế - nhạc sĩ nổi tiếng của Thái Lan đã đồng ý tài trợ cho tôi phần giải thưởng cho những người tham gia với trị giá hơn 10 nghìn USD (hơn 200 triệu đồng). Những chi phí còn lại, từ ăn ở cho các nghệ sĩ nước ngoài đến đây biểu diễn tôi tự lo hết.
Biết lỗ, sao anh không dừng lại, có ai bắt anh đâu?
- Cách đây khoảng 10 năm, ghi-ta của Việt Nam phát triển khá mạnh so với các nước Đông Nam Á. Nhưng 4 năm trở lại đây, Thái Lan họ đã vượt lên rất mạnh, hơn cả Việt Nam rồi dù Nhạc viện Thái Lan chỉ mới thành lập thôi. Nghệ sĩ Nutavut có nói với tôi rằng, cách đây chừng 10 năm thì nghệ sĩ chơi ghi-ta bên họ nhìn sự phát triển của ghi-ta Việt Nam như là một ngọn núi nhưng bây giờ Việt Nam phải học ngược lại họ.
Hầu như những người đi thi ghi-ta ở Thái Lan được đạt giải rất danh giá và họ quay trở lại nước để giảng dạy. Việt Nam có một vài người giỏi thì không về nước... Chính vì thế, tôi muốn khuấy động lại phong trào ghi-ta của Việt Nam. Cơ quan chức năng thì rất ủng hộ, chỉ là nguồn kinh phí khó nên nhiều lần tôi muốn tổ chức mà đành ngậm ngùi thôi. Lần này tôi ‘liều mình’.
Đức Hiển quá nặng lòng với ghi-ta |
Có vẻ, anh quá nặng lòng với ghi-ta?
- Đúng vậy, tôi mê đàn ghi-ta từ bé, hồi 5-6 tuổi tôi đã nhìn thấy chị gái mình học đàn, rồi cứ lân la xem chị đánh đàn. Hồi bé, tôi còn ước mình là một nghệ sĩ đàn ghi-ta nổi tiếng, biểu diễn trước hàng nghìn khán giả. Lớn hơn chút, bố mẹ tôi muốn tôi vào trường đại học Mỏ - Địa chất nhưng tôi không thích và nhất quyết học đàn.
Năm 21 tuổi, tôi ra trường và đã từng lên miền núi Sơn La dạy học cùng con trai nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là Thiều Quang. Sau đó, gặp khó khăn nên tôi trở về Hà Nội làm giáo viên dạy nhạc cấp trung học cơ sở, sau chuyển qua kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và bị vỡ nợ đến 3 lần trong 6 năm. Thất bại, chán nản, tôi quay lại Sơn La làm giáo viên dạy khiêu vũ thể thao.
Sau 1 năm tĩnh tâm, niềm đam mê với ghi-ta đã kéo tôi quay trở lại Hà Nội, tiếp tục niềm đam mê chơi đàn ghi-ta. Tôi cũng lập một trang web riêng và lớp học đàn ghi-ta để chia sẻ về những hiểu biết của bản thân về đàn để dành cho những ai thích loại đàn này.
Âm nhạc cũng sâu sắc và kỳ diệu như những bài thơ, truyện ngắn của M. Gorky hay J.London. Nhạc cổ điển phong phú về giai điệu và hòa thanh, gợi những cảm xúc trong sáng của hiện tại, hướng con người ta nhìn vào tương lai để đi lên. Nói chung, cái gì mình thích mà nhìn nó ngày càng đi xuống, tôi cảm thấy không vui và muốn khuấy động lại phong trào ghi-ta.
Có thể công chúng ít biết tới anh, nhưng thực sự người trong giới chơi ghi-ta thì ngưỡng mộ anh lắm. Ai là người ảnh hưởng tới phong cách âm nhạc của anh?
- Thực ra giới ghi-ta cũng phức tạp lắm. Nhưng tôi được sự ủng hộ của rất nhiều người trong giới như nhóm Thất cầm ghi-ta, nghệ sĩ Văn Vượng – nghệ sĩ khiếm thị nhưng chơi ghi-ta 'đỉnh của đỉnh'. Tiếc rằng giờ ông bị tai biến, không thể gẩy phím đàn được. Tôi cũng được sự ủng hộ của nhạc sĩ Phú Quang. Cách đây 2 tháng, trong đêm nhạc “Vũ khúc Phương Đông” tôi đã chơi bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” của Phú Quang trên sân khấu. Nhạc sĩ Phú Quang đã khóc, ôm tôi và nói nhiều người chơi tác phẩm của ông rồi nhưng tôi chơi nó không có độ buồn hay ảm đạm mà lại có vẻ tươi sáng riêng, bình lặng.
Hiện tại đã có 26 thí sinh đến từ Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam tham gia. Liên hoan ghi-ta Quốc tế tại Hà Nội có sự góp mặt nhiều nghệ sĩ ghi-ta nổi tiếng như nghệ nhân Hee Hongkim (Hàn Quốc), nghệ sĩ Enrique Munoz Teruel (Tây Ban Nha), Nutavut (Thái Lan), Ekaterina Pushkarenko (Irkutsk), Lê Thu (Bahrain). Về phía Việt Nam, có nghệ sĩ Ngô Đăng Quang, Châu Đăng Khoa và Vũ Đức Hiền. Liên hoan sẽ diễn ra trong 3 ngày 27-29/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Tổng giải thưởng lên tới hơn 10 nghìn USD. |
Tình Lê