"Tôi phải nói thật rằng, nhiều nhà văn trẻ bây giờ không có thực tế, tôi được đọc nhiều bản thảo của em nhưng khi miêu tả về thiên nhiên, động  vật thì các em gắn cho các con vật những đặc tính như người... Các em còn không phân biệt được sự khác nhau giữa trâu và bò thì miêu tả làm sao viết sách để cho thiếu nhi đọc", nhà phê bình văn học thiếu nhi Nguyễn Thị Vân Thanh bày tỏ.


Thiên nhiên vắng bóng trong mảng sách thiếu nhi

Nhân dịp ra mắt 12 tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng, NXB Kim Đồng tổ chức buổi tọa đàm “Thiên nhiên bí ẩn và kì thú trong tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng”. Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học tên tuổi trong nước, các độc giả nhiều lứa tuổi yêu mến nhà văn Vũ Hùng.

Tại buổi tọa đàm, độc giả nhiều thế hệ trao đổi, chia sẻ về những tác phẩm của một nhà văn chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với đề tài rừng – thiên nhiên – muông thú, cũng là dịp các nhà văn nhà thơ tọa đàm, đi tìm nguyên nhân và đưa ra những nhận định của mình về việc tại sao các tác phẩm dành cho thiếu nhi về đề tài thiên nhiên lại thiếu đến vậy trong giai đoạn hiện nay.

{keywords}
Loạt tác phẩm về thiên nhiên của nhà văn Vũ Hùng

Nhà văn Vũ Hùng chia sẻ, những cuộc hành quân dài, vất vả trong đời lính đã mang lại cho ông nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước, về phong tục tập quán của các dân tộc Việt - Lào anh em bao đời từng chung sống trên một dải Trường Sơn. Những cánh rừng chưa hề in dấu chân người, những ngọn núi tím biếc với những hồ nước trong vắt trên đỉnh, những đồi lau và đồi tranh vàng rực dưới nắng thu, những bầy thú mà ta dễ dàng gặp trên đường: những con tê giác cuối cùng, những bầy hươu nai, bầy voi, những con bò tót hùng tráng, lũ báo gấm uyển chuyển, và câu chuyện của những người đi rừng lão luyện là những tư liệu quý giá để ông viết các tác phẩm dành cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm các nhà văn phải thừa nhận rằng những tác phẩm dành cho thiếu nhi với đề tài về thiên nhiên tuyệt hay như nhà văn Vũ Hùng càng ngày càng hiếm và gần như không có trong mảng sách dành cho thiếu nhi.

Cả NXB không biết chuồn chuồn có mấy chân

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn cho biết không phải chỉ ở Việt Nam mà với nhiều nước, truyện viết về thiên nhiên loài vật không được chú ý đúng mức và thường có sự phát triển thiên lệch. "Theo nhận xét của Ernst Thompson Setor (1860-1946), một nhà văn người Canada gốc Anh, từ trước tới nay, người ta mới biết những câu chuyện ngụ ngôn, những truyện cổ tích về các con vật, những câu chuyện mà loài vật nói với nhau, xử sự với nhau chẳng khác gì những con người”...

Nguyên giám đốc NXB Kim Đồng, bà Lê Thị Dắt cho rằng, thiên nhiên bị phá hủy, môi trường bị tàn phá, muông thú bị săn bắn cũng là một nguyên nhân dẫn đến các nhà văn không còn cảm xúc cũng để viết về mảng đề tài này. Thêm vào đó, vốn sống của các nhà văn còn hạn chế, cứ ngồi tưởng tượng mà viết thì làm sao viết hay được. Thế nên, theo bà Giắt, nó như cái vòng luẩn quẩn khiến mảng sách về đề tài này ngày càng eo hẹp.

Trong khi đó, nhà phê bình văn học thiếu nhi Nguyễn Thị Vân Thanh lại cho rằng, nhiều người, nhất là các nhà văn có nêu cái khó là môi trường hiện nay bị hủy hoại khiến mạch viết về đề tài thiên nhiên cho các em thiếu nhi càng khan hiếm thì đúng là nên thông cảm với các nhà văn trẻ.

{keywords}
Buổi tọa đàm thu hút được nhiều nhà văn nhà thơ

“Tôi phải nói thật thế này, các em từ lúc sinh ra đã ở thành phố, nhiều em còn chưa được nhìn thấy con trâu và bò khác nhau như thế nào. Đó là sự thiếu hụt đời sống”, bà Vân Thanh chia sẻ.

“Đặc biệt là các bạn trẻ bắt đầu viết văn, bản thân tôi được đọc nhiều bản thảo của các bạn trẻ, bản thảo các bạn đó gắn cho động vật một thứ tính như con người hoạt với động nói năng… nó không phù hợp. Con thỏ thì phải thích ăn cà rốt chứ không phải ăn ốc… Một lần nhà văn Tô Hoài có đố ban biên tập của một NXB con chuồn chuồn có mấy chân mà cả ban biên tập không nói được”,

Theo bà Vân Thanh, trước hết chúng ta phải tạo điều kiện cho các em nhỏ được sống gần gũi với thiên nhiên, vun đắp tình yêu thiên nhiên và các loài vật. Cuộc sống với màn hình smartphone thì hình như con người càng ngày càng bị xa cách với thiên nhiên. Đối với văn học, những cuộc hội thảo như thế này muốn thu hút động viên vun đắp tình yêu thiên nhiên ở các bạn trẻ đang viết hiện nay và sau đó là lan tỏa tình yêu thiên nhiên đó với trẻ em và người đọc.

Thêm vào đó nguyên nhân nữa cũng dẫn đến hiện trạng này theo bà Vân Thanh cũng bởi  những người làm sách đối với đề tài thiên nhiên chưa được thôi thúc tới các cây bút trẻ. Lẽ ra môi trường càng bị hủy hoại, càng phải viết, phải vượt qua hoàn cảnh. "Nếu chúng ta thực sự yêu thiên nhiên thì hãy viết để lên án những hành động phá hoại môi trường, muông thú.

T.Lê