Tuổi thơ cơ cực
Đào Ngọc Cường sinh ra trong gia đình cơ bản ở vùng quê nghèo Thanh Hoá có bố là trưởng công an xã, mẹ là giáo viên mầm non. Cuộc sống êm đềm trôi qua cho tới khi bố mẹ anh quyết định Nam tiến để xây dựng cuộc sống mới nhưng người thân ngăn cản. Cuối cùng, gia đình Đào Ngọc Cường quyết định di cư lên miền núi Thanh Hoa, gần nhà ông bà ngoại để bắt đầu cuộc sống mới.
Diễn giả Đào Ngọc Cường. |
Lên vùng đất mới, gia đình anh vô cùng khó khăn, mọi thứ phải bắt đầu từ con số không. Gia đình nghèo khó, 6 tuổi, lẽ ra Đào Ngọc Cường phải được tới trường như bạn bè trang lứa lại phải lẽo đẽo theo sau 20 con bò. Lúc đó anh phải đi chăn bò thuê cho người cậu để gia đình bớt gánh nặng.
Hơn 7 tuổi, Đào Ngọc Cường mừng rớt nước mắt khi mẹ đón về nhà. Hơn một năm xa bố mẹ, anh đã nhớ nhà, nhớ các chị biết nhường nào. Anh mường tượng trong đầu sẽ có những ngày tháng tươi đẹp bên bố mẹ và các chị, sẽ được tới trường, sẽ biết đọc biết viết... Nhưng niềm vui nhen nhóm trong cậu bé hơn 7 tuổi chưa được bao lâu thì biến cố ập tới. Mẹ Đào Ngọc Cường bất ngờ có biểu hiện khác thường. Bà thường xuyên la hét, chửi mắng, cầm cả dao để đuổi đánh các con đẻ của mình.
Bố anh, từ một người hiền lành, chăm chỉ làm ăn sinh ra bất mãn. Ông gửi những nỗi buồn vào chén rượu vơi đầy. Ông đánh anh em của Cường bất cứ lúc nào nếu không đi mua rượu, đổi bất cứ thứ gì nhà có để mang những chai rượu về giải sầu cho mình.
Nhà nghèo nhưng khát khao tới trường của anh chưa bao giờ nguôi ngoai. Cuối cùng bố Đào Ngọc Cường cũng xin cho anh đi học nhưng mỗi ngày tới trường của Đào Ngọc Cường không phải là một ngày vui – như anh đã từng ao ước. Anh luôn bị các bạn trêu đùa, đánh bầm dập chỉ vì có ‘mẹ là một bà điên’.
“Tôi thu mình lại và các bạn cứ đánh, tôi chẳng dám mách cô. Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày nghèo khổ, ăn không đủ no, áo không đủ ấm, nơi gắn bó mỗi đêm là chiếc ghế băng dài hơn 1m và rộng 20cm. Nhỏ còn có thể duỗi chân, chứ lớn hơn chút tôi phải nằm nghiêng và co chân lại mới vừa. Lên lớp 11 tôi khá hơn, được hẳn chiếc chõng tre ở xó bếp, nửa để nấu nướng, nửa để tôi ngủ và học mỗi tối. Điện không có, tối tối phải mang sách vở chờ trời sáng trăng để học”, Đào Ngọc Cường chia sẻ.
Những biến cố cuộc đời
Khi học lớp 5, người chị thứ 2 của anh sốt co giật, nhà không có tiền đi bệnh viện. Người chị mà Đào Ngọc Cường yêu quý đã mãi mãi ra đi. Cú sốc đó khiến anh càng thu mình lại, dù học rất giỏi nhưng Đào Ngọc Cường chán nản nghĩ tới việc bỏ học. Nhưng nhờ cô giáo động viên và những nỗ lực không mệt mỏi, anh làm nhiều việc từ đi phụ hồ, đi mót lúa, ngô, khoai ở những ruộng người ta đã thu hoạch để có thể tiếp tục tới trường.
Học hết lớp 9, Đào Ngọc Cường quyết định bỏ học để chia sẻ gánh nặng với bố mẹ (mẹ anh lúc đó đã trở lại cuộc sống bình thường, bố vì thế mà bớt uống rượu hơn). Đào Ngọc Cường làm thuê ở lò vôi nhưng thấy các bạn đi học qua, mắt anh lại ánh lên một niềm ao ước - giá trong những bạn kia có mình ở đó.
“Nhưng lúc đó, tôi bị một người làm cùng sỉ nhục: Mày làm đi cứ nhìn cái gì. Học giỏi nhất trường cũng đi làm thuê giống tao. Đã nghèo còn mơ mộng. Anh ta còn chửi tôi rằng có bố say xỉn, mẹ bệnh tật còn không biết mình là ai. Tôi đã cầm chiếc xẻng lao vào anh ta nhưng khichiếc xẻng đó chỉ còn cách mặt anh ta 10cm, tôi dừng lại và nói rằng: 10 năm nữa, anh sẽ biết tôi là ai”, Đào Ngọc Cường chia sẻ.
Quyết tâm đi học bổ túc văn hoá, vừa học vừa làm để có thể theo đuổi ước mơ làm bác sĩ, chữa bệnh cho mẹ và ước mơ đó đã thành hiện thực. Trong suốt hơn 11 năm mặc áo blouse trắng Đào Ngọc Cường không bao giờ nghĩ cuộc đời mình lại tiếp tục bị thử thách và thay đổi về hướng hoàn toàn khác.
Năm 2012, trong một cú ngã bình thường, Đào Ngọc Cường đã được bác sĩ thông báo bị thoát vị đĩa đệm, chèn ép rễ thần kinh và xâm lấn chiếm ¾ tuỷ, nguy cơ liệt toàn thân. Từ một người khoẻ mạnh, giờ nằm một chỗ với những cơn đau xé từng thớ thịt, Đào Ngọc Cường đã nghĩ tới cái chết. Vợ đi học xa, anh gửi con cho ông bà và uống an thần với số lượng lớn để kết thúc chuỗi ngày đau khổ.
Đào Ngọc Cường đã ngủ như thế 3 ngày liền cho tới khi vợ về, phát hiện ra đống thuốc trên bàn cũng là lúc anh lờ mờ tỉnh. Có thể lượng thuốc chưa đủ để anh rời cõi này rồi anh đã nhận ra, cuộc sống thật đáng quý vô cùng. Đào Ngọc Cường như được tiếp thêm nguồn sinh khí mới, mạnh mẽ tới lạ thường.
Đầu năm 2020, Đào Ngọc Cường được Trung ương hội kỷ lục và tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục "Diễn giả được các trường mời diễn thuyết về chủ đề Giáo dục nhân cách sống với nhiều chương trình nhất và trong thời gian ngắn nhất". |
Rời xa công việc là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, Đào Ngọc Cường trở thành diễn giả truyền cảm hứng và anh đã thành công, nổi tiếng diễn thuyết về chủ đề Giáo dục nhân cách sống cho các trường. Miệt mài trên con đường thực hiện sứ mệnh cho đi là hạnh phúc, Đào Ngọc Cường đã trở thành diễn giả của tình yêu thương. Là thần tượng trong trái tim của các bạn trẻ trên khắp mọi miền tổ quốc.
Với lối diễn thuyết gần gũi, giản dị, chân thành, một trái tim luôn nồng ấm và một nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi, những người yêu quý anh thường gọi anh là "diễn giả chân đất". Với anh, mỗi ngày qua đi là những phút giây tuyệt diệu, là hạnh phúc và sự thăng hoa cảm xúc khi được sống với niềm đam mê và sứ mệnh của mình.
Sách đồng hành trong hành trình vượt qua nghịch cảnh
Để có được như ngày hôm nay, Đào Ngọc Cường chia sẻ, anh có sách là bạn đồng hành. Đào Ngọc Cường đã đọc không biết bao nhiêu cuốn sách. Anh đọc nhiều tới độ, bạn bè cùng bệnh viện nói rằng anh mắc bệnh tự kỷ với sách. Cứ hết bệnh nhân, Đào Ngọc Cường lại lôi sách ra đọc, phòng anh nhiều sách đến khi nghỉ làm, anh phải dùng ô tô để chở sách về.
Cuốn sách mà Đào Ngọc Cường giữ như báu vật, đọc đi đọc lại và ghi từng ngày giờ mình đọc vào là cuốn Nghĩ lớn để thành công. Đó là cuốn sách truyền cảm hứng cho anh vượt qua bao nghịch cảnh của cuộc đời.
Chính vì thế, khi trở thành diễn giả truyền cảm hứng, Đào Ngọc Cường luôn khao khát viết lại những câu chuyện nghịch cảnh đời mình để nếu ai đó đọc được, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc có thêm niềm tin vào cuộc sống. Cuốn sách mới ra mắt của Đào Ngọc Cường, Sống ước mơ và khát vọng, cũng không nằm ngoài khao khát đó.
Cuốn sách đầu tiên của diễn giả Đào Ngọc Cường. |
“Tôi biết, nhiều bạn trẻ hiện nay đang sống trong vùng an toàn nên ngại thay đổi. Để đọc một cuốn sách, tham gia một khoá học phát triển bản thân... với nhiều người cũng là điều khó thực hiện. Tôi đã trải qua những năm tháng rơi vào tận cùng của thất bại nhưng chưa bao giờ tôi nhụt chí. Tôi luôn sẵn sàng đón nhận mọi thách thức và những trải nghiệm để tìm ra những bài học vượt qua chính mình. Hành trình đó tôi biết ơn và dành sự trân trọng tới thầy cô, người thân trong gia đình và những cuốn sách tôi đọc được”, diễn giả Đào Ngọc Cường chia sẻ.
Điều mà Đào Ngọc Cường gửi gửi gắm tới các bạn trẻ đó là, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có được may mắn. Không cha mẹ nào mong muốn con mình sống phải thiếu thốn. Tuy nhiên, con người đôi khi không đủ khả năng để chống lại những tai ương của số phận. Nhưng có một điều chắn chắn là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô điều kiện. Cách tốt nhất để báo đáp cha mẹ là nỗ lực để thành công.
Tình Lê
Những cuốn sách yêu thích của Hoa hậu Ngô Mỹ Uyên
"TV hay Internet có thể nhanh, tiện lợi nhưng giá trị của chúng không sống mãi như giá trị nguyên thủy của sách", Ngô Mỹ Uyên khẳng định.