Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là cuốn sách của Xuân Tùng với bút danh Trung Sỹ về Hà Nội thời bao cấp do Sống và NXB Lao động vừa xuất bản.
Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu đậm chất hồi ký, chất tư liệu và như chuyện người Hà Nội kể về Hà Nội. Có câu chuyện của những cơn thèm bún thang. Có chuyện về những nhớ nhung các món ngon từ quá khứ nhưng sau khi chiến tranh xảy ra và bao cấp đến thì không còn nữa. Có cả những nhân vật là người hiến tất cả tài sản, nhà cửa, tiền bạc cho kháng chiến.
Nhà văn Trung Sỹ (thứ hai từ trái sang) trong buổi buổi tọa đàm ra mắt sách "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu". |
Trên từng trang viết, Hà Nội của Trung Sỹ hiện ra không lấp lánh hoa lệ hay lãng mạn tình tứ. Có một Hà Nội khác thật hơn bởi những khó khăn, lầm than cơ cực ngày ấy. Ở đó, Hà Nội là những ngày sau giải phóng Thủ đô, mọi người trở về từ nơi sơ tán với niềm hân hoan cùng nỗi lo toan xây dựng lại cuộc sống cũ. Nhưng chẳng lâu sau, lại dắt díu nhau đi sơ tán khỏi các trận địch tái bắn phá. Đám trẻ ngồi dưới gầm cầu thang ôm đầu sợ hãi, đợi tiếng máy bay địch đã khuất xa.
Tuổi thơ của Trung Sỹ trong Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu gắn với tem phiếu, với phiếu gạo phiếu dầu mẹ phải đong đếm từng chút một. Với mũ rơm tránh đạn khi về quê sơ tán, cũng là chiếc mũ rơm hôm qua vẫn thấy bạn cùng bàn mình đội, mà hôm nay đã nghe tin nó dẫm phải mìn sẽ không về nữa.
Tuổi thơ của Trung Sỹ trong cuốn hồi ký được kể lại bằng một giọng bình tĩnh nhưng ẩn chứa bên trong là nỗi đau buồn tiếc nuối cho những năm tháng và phận người ấy. Không những vậy, tuổi thơ của Trung Sỹ cũng chính là những niềm băn khoăn của một đứa trẻ trong gia đình tư sản dân tộc cũ về thời thế, xã hội khi ấy.
"Tất cả những thành phố không riêng gì Hà Nội đều có một tiến trình thay đổi, có những ngày sẽ trôi qua và có những ngày sẽ đến, chúng ta sẽ nhìn thấy sự thay đổi theo thời gian ấy một cách rất bình thường. Những lớp người đi trước như chúng tôi đều không mong muốn lớp trẻ sẽ phải sống lại trong thời thiếu thốn như vậy nữa", tác giả chia sẻ.
Đọc “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” để biết một thời của Hà Nội như thế. |
Là một trong những người đọc cuốn sách này đầu tiên, nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ: "Tôi đọc cuốn sách trong một cảm xúc rất mãnh liệt. Bởi vì dù sao tôi và nhà văn Trung Sỹ cùng thế hệ. Lượng nhà văn Hà Nội hiện nay viết về Hà Nội rất nhiều nhưng tôi nghĩ rất ít người viết về Hà Nội một cách chân thực và lôi cuốn nhất. Nhà văn Trung Sỹ viết nên cuốn này đạt được như thế. Ông đã rất ý thức viết những câu chuyện cũ không phải của riêng bản thân mình mà là của cuộc đời mình, gia đình mình, dòng họ nhà mình".
Tình Lê
Tư duy ngắn thì không thể làm sách
Kiếm tiền chủ yếu từ xuất bản sách giáo khoa, bà Sonia A. Santiago, Thư ký Ủy ban Sách Quốc Gia, Hiệp hội Nhà xuất bản giáo dục Philippines cho rằng, tư duy ngắn thì không thể làm sách.