Từ năm 2015 đến nay tôi là người duy nhất đại diện cho Việt Nam dự hầu như tất cả các phiên họp của Hiệp hội xuất bản ASEAN, bởi là uỷ viên Trung ương hội lo mảng hợp tác quốc tế và bản quyền. Cũng trong suốt gần 10 năm nay có lẽ tôi là người Việt Nam trong số ít làm diễn giả và tham dự hầu hết các hội sách lớn nhất thế giới như Frankfurt, Bắc Kinh, London, Bologna, Istanbul, La Habana, Singapore, Tokyo, Jakarta, Chiang Mai, Kuala Lupmpur, Doha,… Và cũng là người chịu khó viết cho các tạp chí, trang website, mạng xã hội quốc tế về xuất bản. Tôi thấy cơ hội để xuất bản Việt Nam thành ngành công nghiệp đang càng ngày càng lớn dần. Để có được cái này tôi có vài suy nghĩ cá nhân.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà. |
Thứ nhất, hình ảnh Việt Nam nói chung và xuất bản Việt Nam nói riêng cần xuất hiện trên thế giới nhiều hơn. Chỉ vài năm nay, khi TP.Hà Nội đầu tư cho gian trưng bày sách Việt Nam tại Frankfurt, sân chơi lớn nhất thế giới, bộ mặt Việt Nam được “mở mày mở mặt”. Trước đó khu của Việt Nam bé như chuồng chim và luôn được “giao khoán” cho một chị đứng đầu một đơn vị xuất bản tư nhân ngồi “canh chòi” và èo uột chẳng khách nào vào...
Nhưng năm xưa ấy, tôi buồn điếng lòng. Rất tiếc Covid-19 xuất hiện nên năm ngoái chúng ta chỉ có thể tham gia hội sách online và năm nay có lẽ cũng vậy. Hội sách lớn các nước đều có một đoàn đi rất đoàn kết và hoành tráng. Tôi lấy ví dụ Malaysia và Indonesia, nhà nước bỏ tiền ra thuê gian hàng, mua vé máy bay, lo khách sạn,... các đơn vị xuất bản chỉ việc mang não, mang sách của mình đi mà quảng bá, giới thiệu mà hút khách. Chỉ đến hội sách La Habana ở Cuba tôi mới thấy nhà nước đầu tư mạnh, chị Trương Thị Mai dẫn đầu đoàn, anh Nguyễn Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản lặn lội, vất vả ngày đêm để tổ chức khối các đơn vị xuất bản và kết quả là hình ảnh Việt Nam rất hoành tráng, gây ngạc nhiên với thế giới. Tôi tin nếu Việt Nam có nhiều những đoàn đi mạnh như đi Cuba năm 2020 thì xuất bản Việt Nam nhất định bay cao.
Các hội sách quốc tế online cũng cần các đơn vị xuất bản Việt Nam tham gia tích cực. Công ty sách Thái Hà chúng tôi tham gia trưng bày tại hầu hết các hội sách online lớn nhất thế giới nhưng lẻ loi vô cùng. Làm sao bây giờ để các đơn vị khác tham gia cùng. Làm diễn giả và nhận quyền lợi chung từ các hội nghị, diễn đàn xuất bản thế giới cũng cần các đơn vị xuất bản Việt Nam quan tâm. Tôi và các đồng nghiệp được mời, được bao cả vé máy bay, khách sạn, ăn ở để đến diễn thuyết tại Đức, Nhật, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Doha, Indonesia, Singapore, Bắc Kinh,… nhưng đi đâu cũng thấy lẻ loi đơn chiếc. Nếu như có nhiều đơn vị xuất bản nộp hồ sơ đăng ký, sẽ tốt hơn nhiều.
Thứ hai, là vai trò của Cục Xuất bản. Vài năm trở lại đây, Cục thể hiện vai trò bước đầu “LÀM BÀ ĐỠ”, “LÀM CẦU NỐI”. Cục, Hội xuất bản và cả Bộ rồi các cơ quan nhà nước cần tạo ra sân chơi cho giới xuất bản, cho các tác giả dịch giả,… Tôi nhìn thấy rất rõ nếu Cục và các cơ quan nhà nước chú tâm vào việc kết nối, tạo ra sân chơi thân thiện, bổ ích, hiệu quả, hấp dẫn thì sẽ ra đời nhiều tác phẩm hay, có giá trị. Cá nhân tôi và các đơn vị xuất bản tư nhân không cần các cuộc họp rườm rà, hình thức mà cần nhưng gì mang lại kết quả ngắn gọn, hiệu quả kinh tế cao.
Thứ ba, là giải thưởng sách. Chúng ta mới có hai mùa có giải thưởng sách quốc gia. Thật sự ấn tượng bước đầu, thu hút bạn đọc và báo chí. Nhưng tôi đặt ra câu hỏi: Những cuốn sách được giải đó có thuộc sách bán chạy hay không hay lại là sách “cúng cụ”? Tức là chủ yếu xuất bản ra để bày cho đẹp cho vui chứ không ai mua nhiều. Cần có nghiên cứu về hiệu ứng của các cuốn sách được giải thưởng sách quốc gia. Và có lẽ cần thêm các giải thưởng sách nữa, giá trị cao, chất lượng, kể cả do tư nhân đứng ra lập.
Thứ 4, là chúng ta cần sớm có quỹ dịch thuật và quỹ khuyến đọc. Muốn bán được sách không thể không khuyến đọc. Muốn sách Việt Nam được quảng bá ra nước ngoài không thể vắng quỹ dịch thuật. Cần làm càng sớm càng tốt.
Thứ 5, hiện nay các đơn vị xuất bản tư nhân đang tham gia mạnh và chủ động vào chuyển đổi số, kinh tế số nhưng vẫn là số ít. Các nhà xuất bản nhà nước hình như vẫn thờ ơ, ít quan tâm đến ebook, sách nói, podcast, print ondemand, self publishing. Nếu chúng ta làm một chiến dịch lớn sẽ hiệu quả.
Thứ 6, hiện nay ở Việt Nam ta rất lạ và có lẽ duy nhất trên thế giới khi ngành công nghiệp xuất bản được ít nhất 3 bộ quản lý: Xuất bản do Bộ TTTT, Bản quyền và Thư viện do Bộ VHTTDL còn các trường học lại do Bộ GD-ĐT quản lý. Nhiều nước xuất bản thuộc Bộ Giáo dục vì phần lớn người đọc là học sinh sinh viên. Họ là bạn đọc cả hiện tại lẫn tương lai.
Thứ 7, là nạn sách lậu sách giả hoành hành công khai. Thiệt hại quá lớn cho các đơn vị xuất bản, cho các tác giả, cho các đối tác mà chúng ta bị mất đi hình ảnh nữa. Nhưng vẫn chưa có cách giải quyết căn bản, dứt điểm. Nếu sách lậu, sách giả phát hiện ra mà đến khi bắt được thì quá tốn kém và vất vả hơn nữa cũng chẳng xử, chẳng bỏ tù hay răn đe được kẻ nào. Lậu đang hoành hành công khai nhiều khi những người làm sách chân chính nản. Phải có cơ chế chấm dứt hay ít nhất là giảm đi.
Thứ 8, là sớm hay muộn chúng ta cũng nên có thành phố sách - nơi quy tụ về cả vật lý lẫn tinh thần các đơn vị xuất bản, không kể tư nhân hay nhà nước. Hàn Quốc rồi Malaysia làm rất tốt để quảng bá, thúc đẩy, liên kết. Cái này còn liên quan đến đất sống cho các đơn vị xuất bản. Chúng tôi đã từng làm đơn đi thuê hay mua đất làm trụ sở mà càng làm càng rối, đến mức bỏ cuộc. Nếu chúng ta làm bài bản sẽ khích lệ ngành xuất bản rất mạnh.
Thứ 9, là các chương trình quảng bá giới thiệu sách, các câu lạc bộ yêu sách. Tôi cứ mơ có lại chương trình "Mỗi ngày một cuốn sách" quá tuyệt vời của ngày xưa. Hiện nay hầu như chưa có một sân chơi nào xứng tầm cho bạn đọc và các nhà xuất bản. Tôi đang nghĩ đến VTV, VOV và VietNamNet. Nếu có 3 sân chơi này chắc chắn ngành xuất bản sẽ mạnh hơn đáng kể. Các CLB như Không gian đọc, điểm đọc, CLB yêu sách Thái Hà, Go-Books,… cần được nhà nước động viên khen thưởng.
Thứ 10, là chính sự gương mẫu của các lãnh đạo. Mỗi lãnh đạo cần làm gương trong việc đọc. Mỗi lãnh đạo cần thành một KOL, người định hướng xã hội trong lĩnh vực văn hoá đọc. Đây là ý cũng rất quan trọng. Ý nữa là sách đặc biệt và sách quà tặng.
Cuối cùng, chúng ta đều biết năm 2022 và 2023 Việt Nam sẽ là Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản ASEAN. Chúng ta cũng tự động nắm chức Tổng thư ký. Cuối năm nay sẽ diễn ra lễ bàn giao mà bây giờ đã giữa năm rồi, nếu không chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ lỡ thêm một cơ hội để quảng bá ngành xuất bản của Việt Nam ra ít nhất là khối ASEAN, lỡ mất nhịp thay mặt cả khối mang hình ảnh ASEAN ra với thế gới.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà
Đưa xu thế thời đại vào ngành sách
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng với ngành xuất bản, về chiến lược phát triển trong 5 năm tới.