Mỗi cuốn sách đều mang trong mình một giá trị nhất định, mỗi một câu chuyện đều truyền tải một thông điệp nhân văn cao đẹp. Cuốn sách Binh trạm 13 – Đường 7 – Cánh đồng Chum còn mang trong mình một sứ mệnh cao cả, gửi gắm những ký ức tươi đẹp, hào hùng và thấm đẫm yêu thương của những người lính vận tải trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng.

Binh trạm 13 – Đường 7 – Cánh đồng Chum có một cái tên dài và khá đặc biệt. Tác phẩm không được đặt tên theo cách của nhiều cuốn sách trên thị trường hiện nay vẫn làm là “kêu, hấp dẫn, giật gân, gây sốc” mà đơn giản, gần gũi. Đó là giới thiệu về tên một binh trạm, hoạt động trên đường 7 để phục vụ vũ khí, đạn dược cho chiến trường ác liệt ở Cánh đồng Chum.

Cách giới thiệu tưởng như không có gì mới mẻ ấy không ngờ lại nhanh chóng chạm vào trái tim của tất cả bạn đọc khi cầm cuốn sách trên tay. Bởi tên của Binh trạm, tên của tuyến đường và chiến trường ấy đã trở thành hồi ức, kỷ niệm của hàng nghìn, hàng vạn những người lính sống, chiến đấu và hy sinh cho đất nước trong giai đoạn lịch sử kéo dài nhiều năm.

Những tác giả đặc biệt

40 câu chuyện được viết trong cuốn sách dày 400 trang chất chứa những ký ức nóng bỏng, có ngọt ngào, cay đắng, day dứt của những cây bút đặc biệt. Từ những cây bút chuyên nghiệp trưởng thành từ chiến sĩ như: Phạm Trung Nhân, Ngô Quốc Lập, Châu La Việt… đến những người lần đầu tiên cầm bút; từ thiếu tướng quân đội đến chiến sĩ lái xe; từ người lính công binh đến anh lính bộ binh hay cả những chàng trai cao xa; từ những nhà văn đã thành danh trên văn đàn như Nguyễn Minh Châu hay nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Mai Nam Thắng….

{keywords}
Sách 'Binh trạm 13 - Đường 7 - Cánh đồng chum'.

Ngay từ câu chuyện mở đầu cuốn sách của tác giả - Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn – một tên tuổi nổi bật của tình nguyện quân Việt Nam năm xưa – người đọc đã thực sự ngỡ ngàng bởi phong cách viết đầy phóng khoáng, giản dị mà vô cùng mới mẻ của một vị Tướng tưởng chỉ quen với quân lệnh và những chiến dịch trong chiến đấu.

Những khó khăn mà các đơn vị công binh, pháo binh và cả những đơn vị vận tải gặp phải trong những năm 1963, 1965 hay 1969, trong những ngày mưa rừng, hay những năm thiếu thốn lương thực được kể lại bằng giọng kể như bình thản mà ngấm đầy sự xúc động, nghẹn ngào.

Thượng tá Phạm Trung Nhân lại đem đến một câu chuyện thú vị: Tờ báo của những người lính Binh trạm 13 giữa mặt trận. Công đoạn làm ra một tờ báo – món ăn tinh thần quan trọng, không thể thiếu của những người lính ở Binh trạm 13 đọc giữa những chặng nghỉ của hai trận pháo được tái hiện đầy duyên dáng và hóm hỉnh.

Xen kẽ những câu chuyện, những tác phẩm bút ký là những bài thơ của các tác giả khoác áo lính như Lê Hoài Nguyên, Phạm Trung Nhân cũng khiến bạn đọc bồi hồi, xúc động về một vùng đất có cái nắng gió Lào hun lửa, những cung đường chót vót tới lưng trời, những hố bom lấp đầy cát bụi… mà nỗi nhớ luôn khắc khoải, luôn cháy âm ỉ trong trái tim những người lính vận tải một thời.

Những câu chuyện được kể lại

Đọc cuốn sách Binh trạm 13 – Đường 7 – Cánh đồng Chum, người đọc như được sống lại những tháng năm tuổi trẻ sôi nổi cùng những người lính binh củng hợp thành trên chiến trường Lào. Mỗi bài bút ký như một thước phim quay chậm tái hiện lại những tháng ngày chiến đấu gian khổ, vất vả, thiếu thốn vũ khí, đạn dược, đến lương thực của những người lính trên Cánh đồng Chum (trong tác phẩm Cánh đồng Chum năm 1971; Mùa mưa Xiêng Khoảng, Lưới lửa phòng không trên tuyến đường 7, Lửa sáng phía chân trời). Những câu chuyện được kể lại trong cuốn sách có độ chân thực và sắc nét cao nhất, bởi lời kể từ chính những người lính trong cuộc. Người đọc có cảm giác như đang nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ bên tai, ngửi thấy mùi khói thuốc nồng nặc, mắt cay xè vì bụi đường và cả những cơn chấn động rung người bởi tiếng pháo cối xé toang những chiếc trực thăng của địch.

Đan xen giữa những tháng ngày khói lửa ngút trời, người lính của Binh trạm 13, của Đường 7 và Cánh đồng Chum luôn có những thời khắc thư giãn: để làm báo và đọc báo (Tờ báo của những người lính Binh trạm 13 giữa mặt trận); làm thơ (Có một con đường của thơ ca); đón chào những đoàn văn công đến với chiến trường (Nhớ những nghệ sĩ Hà Nội ngày ấy; Một cái tết giữa rừng cây săng lẻ trên chiến trường Lào của các nghệ sĩ Hà Nội); hay đơn giản hút một điếu thuốc lào cho vơi bớt nỗi nhớ quê hương (Rít thuốc lào giữa cánh đồng Chum)

Niềm hạnh phúc đơn sơ, giản dị của những người lính Trường Sơn thuở ấy khiến những người đọc của ngày hôm nay cảm thấy cay cay nơi khóe mắt. Chao ôi! Những chàng trai của lứa tuổi đôi mươi ngày ấy đã xông pha trận mạc, vào nơi tuyến lửa ác liệt nhất với một niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng sẽ đến không xa, lại có những niềm vui thật giản dị, đơn sơ và trong trẻo đến thế.

Một phần vô cùng hấp dẫn trong cuốn sách Binh trạm 13, đường 7, cánh đồng Chum chính là những câu chuyện tình yêu vừa dí dỏm, hóm hỉnh mà không kém phần ngọt ngào và cay đắng của những người lính trẻ trong cuộc chiến. Bài ký May nhờ đọc thơ tán gái của nhà thơ Mai Nam Thắng đã kể lại một kỷ niệm khó quên và hài hước của đại tá Nguyễn Phú Nho khi phát hiện ra tài làm thơ để tán gái của nhà thơ – cựu chiến binh Lê Khánh Hoài. Một tình yêu người lính lại kể về một chuyện tình nảy nở giữa một Trung đội trưởng nữ nổi tiếng hách xì dầu với một chàng lính trẻ có tài thổi sáo trúc. Họ đã phải trải qua bao gập ghềnh, trắc trở và thử thách trong cuộc chiến rồi cuối cùng mới thuôc về nhau.

Nhưng ấn tượng và ám ảnh nhất với người đọc có lẽ không phải một chuyện tình mà là một kỷ niệm bất ngờ, kỳ lạ như tên truyện Huyền ảo trăng của nhà văn Châu La Việt. Tác phẩm đề cập đến tiếng lòng của những người lính trẻ thời chống Mỹ, nói thay họ cả những khát khao thầm kín nhất, những mộng ước tươi đẹp của những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Tác giả 'Quân khu Nam Đồng' nhận giải Dế Mèn 2021

Tác giả 'Quân khu Nam Đồng' nhận giải Dế Mèn 2021

Nhà văn Bình Ca, tác giả 'Quân khu Nam Đồng' nhận giải Khát vọng Dế Mèn trong Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2.