Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài (1920-2020), ngày 25/9 NXB Kim Đồng tổ chức buổi tọa đàm Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi để tưởng nhớ tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký. Nhiều người nổi tiếng trong giới văn chương, hội họa, điện ảnh đã tề tựu trong buổi tọa đàm để chia sẻ, bàn cách phát triển di sản mà cây đại thụ văn chương Tô Hoài đã để lại. 

Giới văn chương 'ngốt' khi nhìn tác phẩm Tô Hoài để lại

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa cho biết: "Với 94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, với một số lượng tác phẩm đồ sộ, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài, có thể nói Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau. Nhà văn Tô Hoài cũng chính là người tiên phong khai đường mở lối và xác lập một vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông cũng là một trong những thành viên tham gia sáng lập NXB Kim Đồng, người lấy tên của vị anh hùng thiếu niên Kim Đồng đặt cho Nhà xuất bản thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam.

{keywords}
Nhà văn Tô Hoài đã để lại gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài.

TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học cho rằng chính việc viết nhiều, viết không ngừng nghỉ đã làm nên tầm vóc của Tô Hoài. Khi nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài, nhiều người trong giới văn chương sẽ không tránh khỏi cảm giác "ngốt" trước sức làm việc của ông.

"Tôi nghĩ, Tô Hoài mang phẩm chất của một cây bút chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở chỗ ngày nào ông cũng viết kỹ chứ không sản xuất công nghiệp. Cách làm việc của ông làm ta nhớ đến lời Stendhal: "Viết mỗi ngày một ít, thiên tài hay không cũng vậy", TS Nguyễn Đăng Điệp nói.

Theo TS Nguyễn Đăng Điệp, Tô Hoài viết nhiều nhưng trước sau nhà văn vẫn trở đi trở lại với hai vùng đất: con người, phong thổ ngoại ô Hà Nội và vùng đất Tây Bắc. "Có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của người thường, chuyện thường của đời thường", TS Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh.

Người giữ di sản trong những trang văn

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng ghi chép về Hà Nội của Tô Hoài chọn góc nhìn vào những câu chuyện nhỏ đôi khi là vặt vãnh của phố xá mà cho đến thế kỷ 20 người ta mới nhận thấy chúng là di sản của phố và đầy nuối tiếc nhìn chúng đang dần biến mất. Di sản ở đây bao gồm cả những di sản kiến trúc lẫn các phong tục sinh hoạt, văn bản, trước tác gắn liền với chúng. Cùng với nhiều tác giả khác Tô Hoài chính là một người đã làm công việc giữ một đô thị di sản trong những trang văn. 

{keywords}
Dế Mèn phiêu lưu ký phiên bản đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài. Ảnh: NXB Kim Đồng.

"Có thể nói Tô Hoài đem lại cho văn chương viết về Hà Nội một chân dung thú vị như thể một người đã chụp một bộ ảnh Hà Nội từ đen trắng sang ảnh màu, tạo ra một dữ liệu thuyết phục cho bất cứ ai muốn nhận diện đô thị này. Bộ ảnh đó có tấm cảm động, có tấm hài hước, có tấm buồn bã. Nhưng điều thú vị nhất chính là người ta sẽ thấy bóng dáng Tô Hoài luôn ở một góc những khung hình đó, thong rong vừa đủ cho sự hiện diện lão luyện hơn người", nhà văn Nguyễn Trương Quý nhấn mạnh.

Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh - Chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con - nói Tô Hoài có biệt tài khi miêu tả loài vật, cỏ cây. Truyện thiếu nhi của ông không dạy dỗ, hay đưa ra những bài học luân lý cứng nhắc.

"Chúng tôi tự hào vì trong 15 năm qua đã thực hiện khai thác tốt gia tài mà ông trao gửi. Dế Mèn phiêu lưu ký được phát huy theo nhiều hình thức phong phú. Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc. Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó chú Dế Mèn có thể được chuyển thể lên màn ảnh rộng đến với khán giả nhỏ Việt Nam. Đó cũng là cách phát triển di sản mà nhà văn Tô Hoài để lại”, Giám đốc NXB Kim Đồng bày tỏ.

{keywords}
Chân dung Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản 21 ấn phẩm của Nhà văn Tô Hoài trong đó có tác phẩm ra mắt lần đầu và tái bản theo hình thức mới. Loạt sách kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà văn Tô Hoài của NXB Kim Đồng mang đến cho độc giả một góc nhìn toàn diện và mới mẻ về tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nhà văn Tô Hoài.

Trong không gian tọa đàm, NXB Kim Đồng cũng trưng bày 20 bức chân dung nhà văn Tô Hoài do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán ghi lại và thưởng lãm những tác phẩm minh họa "Dế mèn phiêu lưu ký" của các họa sĩ trong và ngoài nước.

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920, tại làng Nghĩa Đô, Hoài Đức, Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Những sáng tác đầu tay của nhà văn Tô Hoài đã được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị thế của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: Con dế mèn (sau này viết bổ sung và đổi tên thành Dế Mèn phiêu lưu ký), Quê người, O chuột, Trăng thề, Nhà nghèo… Từ những tác phẩm này, người đọc nhận thấy sức sáng tạo dồi dào của cây bút với hai chủ đề chính là chuyện về loài vật.

Qua những tác phẩm tiêu biểu như: Dế Mèn phiêu lưu ký, Gã chuột bạch, Tuổi trẻ, Đôi ri đá, Một cuộc bể dâu… thế giới loài vật của Tô Hoài thật độc đáo, gợi lên sự liên tưởng về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Có lẽ, từ trước đến nay, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như Tô Hoài.

 

 Tình Lê

Ra mắt tác phẩm về huyền thoại dân ca ví, giặm Nguyễn Trung Phong

Ra mắt tác phẩm về huyền thoại dân ca ví, giặm Nguyễn Trung Phong

Ngày 24/9, tại Hà Nội, NXB Văn học đã ra mắt cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm".