Sáng 25/9, tại Hà Nội diễn ra giao lưu và tọa đàm với tên gọi Xứ – Thơ Trần Lê Khánh, do Khoa Viết văn, Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức để giới thiệu một gương mặt thơ ca mới mẻ, khác biệt.

“Xứ” cũng là tên gọi tập thơ mà nhà thơ Trần Lê Khánh sẽ xuất bản tại Mỹ vào năm 2020 cùng với tập thơ nữa mang tên “Sự bắt đầu của nước”. 

{keywords}
Nhiều nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Quang Thiều, Văn Giá, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa,...đã đến buổi toạ đàm để giới thiệu 'ca lạ', một giọng thơ mới mẻ và một tinh thần thơ ca khác. 


Hành trình làm thơ, hành trình hạnh phúc

- Là người đến với thơ ca rất muộn so với bao nhiêu bạn thơ của anh có mặt trong buổi toạ đàm này như nhà thơ Quang Thiều, Lê Thiếu Nhơn, Văn Giá, Trần Đăng Khoa… Vậy khi làm thơ, anh có bị ảnh hưởng bởi những cây đa cây đề trong làng thơ?

Hồi sinh viên, tôi cũng không đọc thơ nhiều, chỉ sau khi làm thơ rồi mới thấy thơ mở cho mình rất nhiều cánh cửa, từ đó tôi bắt đầu biết cách đọc thơ.

Tôi làm Lục bát múa trước khi tôi đọc nhiều thơ nên nhiều khi tôi có cảm giác rằng đâu đó nó có những ý tưởng nhận ra những người trước làm rồi. Tôi thì tự làm thơ của tôi thôi chứ không ảnh hưởng của bất kỳ ai cả. Sau tập Lục bát múa tôi mới đọc thơ của người khác để tìm hiểu thêm. 

Từ đó tôi đọc nhiều tác giả, nhờ khả năng làm thơ tôi nhận ra những điều hay trong các bài thơ. Cụ thể tôi thích thơ của bác Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Nguyễn Du, Huy Cận, Phạm Tuấn Hải… Từ đó tôi cũng chắt lọc được nhiều thứ. 

Đó là trải nghiệm trong cuộc sống, hành trình tôi học hỏi làm việc. Tôi luôn tích lũy hết lớp này đến lớp khác, kiến thức, cảm xúc, kinh nghiệm, chồng lên. Quá trình làm thơ là tôi bóc những lớp đó ra để tìm con người thật sự của mình, trong hành trình bóc ra đó là hành trình thơ và đó là hành trình hạnh phúc.

{keywords}
Trần Lê Khánh từ một người làm kinh tế tài chính chuyển sang viết thơ. 


- Nghề nghiệp chính của anh là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế, vậy làm thơ có ảnh hưởng nhiều tới công việc chính này? 

Hiện giờ, công việc chính của tôi là làm thơ, việc khác thành phụ nhưng chắc là không ảnh hưởng. Từ khi làm thơ tôi cảm nhận mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

Nếu làm thơ mà tìm căn cước thì chúng ta càng đánh mất mình

- Khi làm thơ ngắn có người nói là hay nhưng có người cho là hụt hẫng, chưa đủ, quan điểm của anh như thế nào?

Tôi nghĩ miễn sao nó là một bài thơ, thật sự tôi không làm thơ để tìm độc giả, tôi làm thơ để tìm tri kỷ, có rất nhiều tri kỷ đã chia sẻ của họ về cảm xúc khi đọc những bài thơ ngắn tôi làm, tôi nghĩ tôi có nhiều người bạn đi cùng, khuyến khích tôi đi con đường tôi đang đi, và tiếp tục đi trên con đường đó.

Thơ của tôi có nhiều người theo truyền thống khó chấp nhận nhưng tôi nghĩ có một con đường riêng của mình.

- Anh tự nhận thấy mình đã tìm được căn cước của mình chưa?

Căn cước là sự tự nhiên. Hoa cúc vốn là hoa cúc, hoa hồng vốn là hoa hồng… khi mình tự nhiên nhất, đó chính là căn cước của mình, chứ chúng ta không thể xác định căn cước. Với tôi, thơ là như vậy, nghề nghiệp thì khác. Nếu làm thơ mà tìm căn cước thì chúng ta càng đánh mất mình.

Anh thích nhất bài thơ nào trong số các bài thơ mình đã làm?

Tôi quan niệm, một bài thơ thì tựa chiếm 50% quyết định cái hay hay dở bài thơ, loại hình thơ mà tôi vừa làm. Mỗi lần làm thơ xong tôi có quy luật 90-10, tức là 90% bài thơ tôi có thể chỉ làm trong vài phút khi ý tưởng xuất hiện, nhưng 10% có thể mất 1 tháng để đặt tựa bài thơ, nhìn lại câu chữ, cân nhắc chỉnh sửa lại.

Có nhiều người nghe thơ tôi hay nói khó hiểu, đánh đố... thành ra nhiều người nói hành trình tôi đi tìm tri kỷ chứ không phải tìm độc giả. Tôi thấy cũng đúng.

Bài thơ có lẽ tôi yêu thích nhất trong tập thơ của tôi có cái tựa là Nhớ chưa. Tôi thích ngọn lửa khi làm thơ, tôi có cảm xúc từ câu chuyện tôn giáo: Đức Phật giải thích ý nghĩa của niết bàn, có nghĩa ngọn lửa đi về đâu mới tắt, nó tượng trưng cho sự huyền diệu, sự hiện hữu và ra đi của nó trong chớp mắt. 

Tôi cảm thức từ cái đẹp đó để làm bài thơ. Tôi có cảm giác cuộc đời chúng ta men theo ngọn lửa, que diêm để tìm cái gì đó, tìm cái bóng của mình, tìm cái tôi, tôi đặt câu hỏi đó, chưa có câu trả lời.

{keywords}
Nếu làm thơ mà tìm căn cước thì chúng ta càng đánh mất mình.


- Thơ thiền của Trần Lê Khánh có giống thơ thiền trước kia và anh nhận mình ở đâu trong dòng chảy của thơ thiền hiện đại?

Làm được “thơ” đã là khó rồi, tôi không có ý định thêm chữ “thiền” vào. Mà tôi nghĩ bất kỳ bài thơ nào đúng nghĩa là “thơ” thì đều có chất “thiền” trong đó. Nói về dòng chảy của thơ thiền Việt Nam, theo tên gọi thì tôi nghĩ là như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có lần nhận định, chúng ta có một “ID”, một nhận dạng riêng biệt của nền thơ thiền Việt Nam. Và chúng ta biết ơn các thiền sư, các thi sĩ Việt nam trong dòng chảy lịch sử đã tạo ra một dấu ấn riêng biệt cho nền thơ thiền của Việt Nam 

Thơ thiền Việt Nam theo tôi, đa phần nói về giáo lý nhà Phật và thông qua đó các thiền sư gửi gắm những khoảnh khắc xuất thần của mình. Và tôi chẳng dám tự nhận mình đang trôi cùng dòng chảy, tôi chỉ làm thơ một cách tự nhiên nhất của tôi, thật nhất của tôi để bóc ra, mở ra và tìm ra những khoảnh khắc yên lặng. Nhiều khi với tôi, hành trình làm thơ là hành trình đi tìm sự yên lặng này.

{keywords}
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Trần Lê Khánh là một điều mới mẻ, một tinh thần khác trong thơ ca". 

 - Nhân vật “em” trong thơ Trần Lê Khánh có phải là một cô gái không bởi khi đọc, tôi không có cảm giác đó là thơ tình?

Nhân vật “em” trong thơ là “nữ”, là “nữ tính”, nên tôi dùng hình ảnh cô gái. Tính nam là thể hiện sức mạnh, ý chí, chinh phục; tính nữ thể hiện cho sự dung hoà, thuận tự nhiên, hồn nhiên, chấp nhận, dung nạp. Và là cái đẹp tự nhiên nhất. Những bức tượng Phật luôn được thể hiện qua những nét tròn, mềm mại

Vậy nên, tôi chọn dòng thơ của mình với tính thuận tự nhiên này.

Em, còn là các nhân vật, có thể là chiếc lá, gợn mây, viên sỏi, mặt hồ, và cũng có khi một phận người. 

Xuất thân từ ngành kinh tế học rồi gắn vào sự nghiệp thơ ca, với mong muốn tìm đồng cảm và tri kỷ, Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát. Tập thơ Lục Bát Múa (2016) là tác phẩm đầu tay, với 756 cặp thơ lục bát, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Trần Lê Khánh cũng làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản. Các tập thơ của anh đã xuất bản còn có “Dòng sông không vội” (2017), “Ngày như chiếc lá” (2018), “Lục Bát Múa trọn bộ” (2018), “Giọt nắng tràn ly” (2019).

Các nhận xét của nhà thơ trong toạ đàm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trần Lê Khánh là một điều mới mẻ, một tinh thần khác

“Suy nghĩ từ lâu nhưng tới lần này chúng tôi tính tìm cách trả lại những vẻ đẹp, sự thiêng liêng của thi ca - giống như một nghi lễ quan trọng, lịch sử của dân tộc Việt Nam. Là người Việt yêu thơ, chúng tôi muốn mời nhà thơ ở mọi miền đất nước để giới thiệu. Nhà thơ Trần Lê Khánh hôm nay xuất hiện có thể là một file trắng trong đầu tất cả những người ngồi đây, vì trước đó có thể rất ít người biết anh. Chúng tôi giới thiệu anh bởi những khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật thi ca.

Tôi nằm trong ban tổ chức nhưng không hình dung được hội trường bên trong, bên ngoài như hôm nay, tôi thực sự xúc động. Tôi cảm thấy điều gì đó đang trở lại trong chúng ta trong cuộc mưu sinh điên rồ, đôi khi là rối loạn thì những vẻ đẹp nghệ thuật, nhân tính, vẻ đẹp của tâm hồn đang từng bước quay trở lại.

Tại sao tôi chọn Trần Lê Khánh – một người mà tính nguy hiểm nếu là trong showbiz thì sẽ thất bại nhưng chúng tôi muốn hé lộ một vẻ đẹp mới như một mầm cây, một nụ hoa hé mở. Các bạn đến chứng tỏ sự trọng thị dành cho một nhà thơ khiến tôi nghĩ rằng chỉ đến để nhìn nhau cũng đủ rồi.

Trần Lê Khánh có cách nhìn khác biệt chúng tôi nhưng chúng tôi tôn trọng cách nhìn đó, cách nhìn của tương lai thì thuộc về tương lai. Mỗi thế hệ nhà thơ sẽ mang ngôn ngữ, tư cách, thái độ, nỗi dày vò, cơn mơ... của thế hệ đó, vì thế chúng tôi giới thiệu Trần Lê Khánh. Thơ Trần Lê Khánh, theo tôi là tối giản, cô đọng, thơ ngắn, nhưng nó như hạt cây đợi gieo xuống một mảnh đất là bạn đọc – tâm hồn tươi tốt thì cây sẽ mọc lên tươi tốt. 

Nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn

Với tôi và những người bạn ở Sài Gòn, Trần Lê Khánh là gương mặt xuất sắc trong thế hệ chúng tôi – thế hệ 7X tại Sài Gòn. 

Là chuyên gia số 1 về mua bán và sát nhập, việc anh chuyển qua thơ đối với tôi lúc đầu là bất ngờ, nhưng sau thì không vì chơi với Khánh tôi biết anh rất lãng mạn, anh không làm thơ mới là lạ. Điều tôi không ngờ là anh làm thơ hay.

Phía Nam có nhiều người làm thơ lục bát được xem là có chất riêng, lối sống miền Nam đã thay đổi thi sĩ gốc Thanh Hóa, chẳng hạn như Nguyễn Duy. Trần Lê Khánh tiếp nối dòng thơ lục bát phương Nam, cộng vào đó chất trí tuệ, suy tưởng nên thơ lục bát của anh Khánh vẫn khác với người đi trước.

 Tình Lê

Hành trình tìm kiếm hạnh phúc khởi đầu từ những cuốn sách

Hành trình tìm kiếm hạnh phúc khởi đầu từ những cuốn sách

Cuốn sách "Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm" của tác giả Nguyễn Quốc Vương là những trải nghiệm, suy tư, trăn trở của tác giả về thực trạng giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam.