- Thể loại tiểu thuyết fantasy vốn ngày càng được ưa chuộng trên thế giới từ sau cơn sốt không tưởng của bộ truyện nổi tiếng Harry Potter. Đại diện của Việt Nam đã xuất hiện? Liệu có thể hy vọng với chuyến hành trình cùng "Thiên Mã"?

Sắp phát hành 5 cuốn sách về Elizabeth Taylor
Kate Winslet viết sách về các ngôi sao Hollywood
Sao cứ phải đưa sex vào sách?
Sách "đủ vị" dành cho phái đẹp
Không sốc, không sex... vẫn thành bestseller

Hà Thuỷ Nguyên xuất hiện trên văn đàn cách đây dăm năm, khi cô cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Điệu nhạc trần gian. Với tôi, cái tên đó được biết muộn hơn, khi trong một lần về nhà, bật TV lên, bắt gặp bộ phim nhiều tập: Vòng nguyệt quế. Xem phim thấy hay, quan tâm đến tác giả kịch bản, lên mạng hỏi google, tìm hiểu thêm về tác giả thấy đầy rẫy những ý kiến đa chiều.

Bẵng đi một thời gian, cuộc mưu sinh với bao biến động lớn lao của đời sống kinh tế thời khủng hoảng khiến văn chương thành một trò chơi xa xỉ. Hàng ngày phải đối mặt với những giông bão của đời sống thị trường không còn cơ hội để ngẩng mặt lên mộng mơ với “điệu nhạc trần gian” hay “vòng nguyệt quế”. Rồi dường như có sự sắp đặt sẵn, vào một ngày đầu đông se lạnh, Hà Thuỷ Nguyên đến gõ cửa văn phòng tôi.

Hành trang mà cô mang theo không phải là một cuốn tiểu thuyết giã sử, kiếm hiệp, cũng không phải là một tập kịch bản phim truyện dài tập như sở trường vốn có ở nhà văn trẻ này, mà là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng mang màu sắc huyền thoại: Thiên Mã.


Tôi đã đọc tập bản thảo không vì nhu cầu với tiểu thuyết mà chính là sự tò mò với cái tên tác giả trẻ đầy ấn tượng mình biết cách đây vài năm. Thật lạ kì, khác với những dự tính ban đầu, sách có sức lôi cuốn từ đầu đến cuối, ngay cả với tôi, kẻ sống qua nửa đời người, thờ ơ với đời sống văn chương chữ nghĩa.

Sách kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật xưng “tôi” với con ngựa có cánh. Đó là hình tượng trong nhiều câu chuyện của thần thoại Hy Lạp. Hình tượng này, được tác giả hiện thực hoá bằng câu chuyện mang tính công nghệ sinh học, thật thà như các phép tính cộng trừ. Theo đó, nhân vật tên “Thần Đồng” đã giải mã bản đồ gen của loài thiên nga, lấy các nhiễm sắc thể, cấy vào phôi con ngựa, rồi cho ra đời sản phẩm lưỡng tính: Thiên Mã, vừa có khả năng bay như Thiên Nga vừa có thể phi nước đại trên sa mạc như ngựa.

Nhờ Thiên Mã, nhân vật chính của tiểu thuyết đã cùng Thần Đồng thực hiện cuộc phiêu lưu tới những địa danh nổi tiếng và huyền bí: Khám phá những bí ẩn ở Kim tự tháp Ai cập với vùng sa mạc Sahara nổi tiếng, bay lên dãy Hymalaya hùng vĩ, nơi được coi là “nóc nhà thế giới”, rồi vào tâm của trái đất với những câu chuyện khoa học li kì. Trong hành trình ấy, họ “kết nạp” thêm một bạn đồng hành mới là chàng Ma Cà Rồng tuổi teen đã hơn ba thiên niên kỷ để trở thành bộ ba chỉ có thể có trong thần thoại. Cuốn tiểu thuyết không chỉ là khoa học viễn tưởng mà có thể coi như một dạng thần thoại thế kỷ 21, với một hệ thống các hình tượng kì ảo như nhân sư, thiên mã, ma cà rồng, người tuyết, đạo sĩ…

Điều kì lạ là, tiểu thuyết được viết với giọng văn trong trẻo, hồn nhiên như những cô cậu học trò vẫn kể cho nhau nghe những điều vừa khám phá được sau mỗi giờ tan trường. Thế nhưng, sâu thẳm hơn là hàm lượng khoa học trong mỗi câu chuyện đó. Người đọc bắt gặp những điều kì bí trong các câu chuyện thần thoại Hy Lạp được giải mã bằng các công trình nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học hiện đại. Một số thành tựu về không gian, về vũ trụ, về sinh học cũng được trí tưởng tượng của nhà văn đẩy cao thêm một bước, đưa nó về đời thực của cuộc sống khiến người đọc tin rằng đó là đời sống, chứ không phải trí tưởng tượng.

Sự hồn nhiên sinh động của những câu chuyện đã hấp dẫn những người khó tính nhất, kể cả với những ai tự cho mình là kẻ hiểu đời vẫn phải ngỡ ngàng. Với các bạn trẻ, đó chính là những đặc sản của đời sống tinh thần. Sách không chỉ làm thoả trí tò mò mà còn là sự suy ngẫm về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và cả đời sống xã hội.


Tác giả Hà Thủy Nguyên, sinh năm1986  tại Hà Nội

Viết về đề tài khoa học viễn tưởng, nhưng Thiên Mã có rất nhiều những câu văn đẹp, làm rung động cả những con tim phong trần. Độc giả có thể nhận thấy điều ấy trong những đoạn văn về những bầu trời đầy sao trong đêm sa mạc với những bản nhạc du dương của Moza được phát ra bởi tiếng vĩ cầm của Thần đồng, hay tiếng piano phóng khoáng như những cơn gió biển của Ma Cà Rồng vang lên giữa một động băng trên dãy Hymalaya…

Một câu nói của nhà văn trẻ Hà Thuỷ Nguyên khiến tôi nhớ mãi: “Tôi vẫn là một đứa trẻ con đang mò mẫm khám phá cuộc đời và chính bản thân mình. Đến bây giờ, tôi vẫn là một đứa trẻ đang tìm hiểu và khám phá.” Phải chăng, Thiên Mã chính là kết quả của một trong những cuộc khám phá đó.

Phan Thế Hải