- "Đọc bài báo hiệu trưởng Trường ĐH FPT với đề xuất nên rút ngắn thời gian học xuống còn 9 năm...- tôi đã hoài nghi và lo lắng". Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (GĐ Viện Quản lý Việt Nam, Sáng lập) bày tỏ quan điểm. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của anh.
Ảnh minh họa |
"Đọc bài báo hiệu trưởng Trường ĐH FPT với đề xuất nên rút ngắn thời gian học xuống còn 9 năm...- tôi đã hoài nghi và lo lắng". Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (GĐ Viện Quản lý Việt Nam, Sáng lập) bày tỏ quan điểm. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của anh.
Tôi hoàn toàn thống nhất với ý kiến của GS Hoàng Xuân Sính. Việc triển khai và thực hiện ý tưởng như thế nào là chưa cần thiết tại thời điểm hiện tại khi giáo dục Việt Nam chưa có được một triết lý giáo dục. Khi chưa xác định được mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam thì tất cả những việc triển khai đều không có căn cứ khoa học và luận chứng chặt chẽ.
Những tâm tư nguyện vọng đó rất đáng quý và là dấu hiệu của sự trưởng thành về dân trí. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến và nhận xét gây ra những hoài nghi và lo lắng cho cộng đồng. Phát biểu trên báo chí cần rất cẩn trọng và phát biểu về giáo dục càng phải cẩn trọng và khoa học hơn. Một phát biểu về giáo dục có thể ảnh hưởng tới hàng chục triệu học sinh và phụ huynh.
Mục tiêu của giáo dục Việt Nam có thể nhằm giải quyết hai điểm quan trọng. Một là (01), giáo dục cần phải đào tạo và rèn luyện các công dân Việt Nam đạt chuẩn về tri thức, văn hóa, sức khỏe và nhân cách. Hai là (02), giáo dục cần phải đào tạo ra được một nghề cho cá nhân để cá nhân đó có thể tự tồn tại độc lập trong xã hội thông qua tạo giá trị cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Thế nào là chuẩn công dân Việt?
Ở mức độ 01 chính là thể hiện phổ cập văn hóa nhằm đào tạo con người Việt Nam đạt chuẩn tối thiểu trong xã hội văn minh hòa nhập với thế giới. Vào năm 1945, Bác Hồ và Đảng có đưa ra xóa nạn mù chữ. Lúc đó, biết đọc và biết viết được xác nhận là chuẩn của công dân Việt Nam.
Hiện nay, như thế nào được gọi là chuẩn của công dân Việt Nam về giáo dục. Chắc chắn biết đọc và biết viết không được gọi là chuẩn nữa. Có thể chúng ta sẽ phải đưa vào yêu cầu biết sử dụng ít nhất một ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung , Tây Ban Nha ở mức độ căn bản. Các yêu cầu về các tri thức khác như thế nào như nhạc, họa....
Giáo dục cần phải tạo ra các công dân Việt Nam khỏe mạnh và cường tráng theo đúng nghĩa.
Tất cả những cái đó là đầu đề cho giáo dục Việt Nam chúng ta. Chỉ khi nào xác định rõ ràng các mức chúng ta mong muốn về tri thức, văn hóa, sức khỏe và nhân cách, chúng ta mới có thể nói được là 9-10 hay 12 năm.
Hiện tại khi giải bài toán mà chưa có hàm mục tiêu thì phương pháp giải sẽ không chính xác.
Trong mức độ 01 có một ý rất quan trọng cho giáo dục Việt Nam đó là không chỉ cung cấp những đầu vào dạng cứng (hard) bao gồm những thông tin cơ bản mà còn phải cung cấp những năng lực (competencies) nhằm giúp cho mỗi cá nhân có được khả năng tự phát triển và nâng cao bản thân mình thông qua quá trình tự học trong cả cuộc đời. Đứng trên quan điểm này, những ý kiến đòi giảm các môn học như Toán, Vật lí hoặc Văn học là không chính xác. Một học sinh khi học Toán không chỉ là biết về toán mà đó là năng lực tính toán, tư duy hệ thống sẽ đi theo suốt cả cuộc đời của cá nhân này.
Cũng tương tự như vậy, khi một học sinh học Văn không phải để trở thành nhà văn mà cá nhân đang rèn luyện năng lực sử dụng ngôn ngữ. Tại mức độ phổ cập, các môn học nhằm tạo một hệ thống năng lực đầy đủ cho người học phát triển sau này.
Sau khi mức độ 01 đạt được, các cá nhân có thể chuyển sang mức độ 02 hoặc có thể thực hiện các nghề giản đơn trong xã hội. Phần lớn các cá nhân sau khi hết mức độ 01 sẽ chuyển sang học nghề tại giai đoạn 02.
Điểm khác biệt nhất của giai đoạn 02 đó chính là giúp các cá nhân Hiểu- Làm Được – Thành Thạo một nghề nào đó trong xã hội. Mục tiêu cuối cùng là cá nhân phải làm được nghề tạo đủ giá trị nuôi sống mình, gia đình và tạo của cải trong xã hội.
Tại Việt Nam các quan điểm học để có bằng, học ĐH là cấp 4 đã đi ngược lại mục tiêu của mức độ 02 là dậy cá nhân một nghề. Bản thân các cá nhân khi đi học ĐH, CĐ và các trường ĐH, CĐ cần nhìn nhận nghiêm túc các sinh viên khi tốt nghiệp có thể có việc làm và tự sống bằng những kiến thức, kỹ năng và thái độ nhà trường đào tạo các em trong 1, 2 hay 4 năm hay chưa.
Về lâu dài, một đơn vị đào tạo và giáo dục tại cấp độ 02 này không thể chuyển đầu vào – các học sinh tại cấp độ 01 thành những cá nhân có nghề đủ tạo giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội chắc chắn sẽ bị đào thải khỏi hệ thống giáo dục.
Xem lại vấn đề nhập khẩu bài giảng
Một vấn đề quan trọng nữa của giáo dục đó là cần phải đặt vào bối cảnh kinh tế xã hội của một quốc gia nhất định. Những phát biểu nhập bài giảng từ nước ngoài là những phát biểu chưa chuẩn xác và gây ra những xáo động trong xã hội không đáng có.
Một giáo trình tại nước Anh hay Mỹ được xây dựng để dạy trong môi trường văn hóa, điều kiện cơ sở vật chất, trình độ và mức đãi ngộ cho giáo viên, trình độ giáo viên và rất nhiều các yếu tố khác. Một giáo trình tại Anh dạy trong một lớp có 25 học sinh và điều kiện tại các thành phố lớn rõ ràng sẽ không phù hợp với điều kiện vật chất và trang thiết bị một lớp tại tỉnh miền núi Việt Nam khi cô giáo dạy hơn 40 học sinh trong điều kiện vật chất thiếu thốn.
Kết quả của một nền giáo dục hiệu quả đó chính là tạo ra những cá nhân có một nghề đủ nuôi sống mình, gia đình và tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Cũng chính vì lý do đó, giáo dục luôn luôn được coi là hạ tầng phát triển của một Quốc gia. Xác định nền móng sâu bao nhiêu và rộng bao nhiêu để có thể là bệ phóng vững chắc cho kinh tế Việt Nam phát triển cần phải là mục tiêu hàng đầu thay vì xem xét là xây dựng bằng phương tiện gì, máy móc gì là những bước cụ thể tiếp theo.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh