- Góp ý với đề án quan trọng "đổi mới giáo dục", ông Nguyễn Văn Nhã, hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, nguyên trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng không thể bỏ kỳ thi, mà phải thay đổi cơ chế quản lý. Ông cũng cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá năng lực toàn diện, vì vậy không thể chỉ thi 2 môn toán, văn.

Theo ông Nhã: Thi tốt nghiệp THPT là một khâu trong quá trình đào tạo học sinh phổ thông, không thể bỏ.

Người nào nói có thể bỏ kỳ thi là chưa hiểu hết quá trình đào tạo, bao gồm cả thi vào và thi ra. Ngay cả một khóa học chỉ cấp chứng chỉ cũng cần đảm bảo yếu tố này. Nếu không thì ngay một chứng chỉ được “cấp không” cũng không có giá trị, đừng nói tới cả một tấm bằng.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Nhã: "Không thể thi tốt nghiệp chỉ với hai môn Toán, Văn"

Tất nhiên, nếu thi mà đỗ 100% thì không để làm gì.

Nhưng nếu thi mà 5 đỗ - 5 trượt, trong 5 người đỗ lại có 1, 2 người bằng giỏi, thì khi đó kỳ thi mới có giá trị.

Chính vì vậy, không thể bỏ kỳ thi, mà phải thay đổi cơ chế quản lý.

Ông nghĩ thế nào về việc thay đổi đến mức chỉ thi tốt nghiệp với 2 môn Toán, Văn như dự kiến mới đây của Bộ GD-ĐT?

- Người Việt Nam có thói quen học gì thi đó, thi gì học đó. Bây giờ nếu chỉ thi 2 môn Toán, Văn, chắc các môn sử, địa sẽ bị “vứt toẹt” đi hết.

Thứ hai, tính tự giác ở người Việt không cao. Ở nước ngoài, ngay vào đêm Noel, trời mưa lạnh, đường vắng tanh, nhưng vẫn thấy các xe kiên nhẫn chờ hết đèn đỏ mới đi tiếp. Chuyện này chắc chắn không có ở Việt Nam.

Một việc khác không bao giờ thấy ở Việt Nam, đó là thi vấn đáp như ở các nước tiên tiến: Sinh viên khi thấy bạn thi xong sẽ không xúm vào hỏi thầy ra đề gì. Và chỉ có 1 thầy hỏi thi vấn đáp, với duy nhất một câu hỏi. Như vậy mới đánh giá công bằng được.

Một việc mà các kỳ thi lớn nhỏ ở Việt Nam vẫn làm, là rọc phách bài thi. Ngay cả việc này nếu không tự giác thì rồi cũng vẫn gian lận được.

Điều này liên quan đến kỷ luật nhà trường. Việc không thực sự tin tưởng vào các thầy cô là có thật. Lỗi này bắt nguồn từ nhà trường phổ thông.

Cái dở của Việt Nam là mọi người sống và làm theo thói quen. Nếu có người muốn đột phá hay đổi mới sẽ rất khó khăn, một bộ phận lãnh đạo sẽ ngần ngừ, không dám quyết.

Vì vậy, cần phải nghiên cứu kỹ những thay đổi. Đặc biệt, nếu người thầy không giỏi, không được tập huấn kỹ càng, thì sau đổi mới sẽ rơi vào sự khủng hoảng khác.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển từng nói sẽ thay đổi kỳ thi theo hướng gọn nhẹ, khoa học hơn.

Nhưng gọn nhẹ không có nghĩa là giản đơn. Và hãy học các nước xung quanh mình để không bị lạc hậu, lạc lõng.

{keywords}
"Phao" tại kỳ thi tốt nghiệp năm học 2013 - 2014. Ảnh: Văn Chung

Dự thảo đề án cũng đưa ra khảo sát đối với việc thi cử của một loạt nước đấy thôi, thưa ông?

- Đã học ai là phải có triết lý, học đến nơi đến chốn. Hoặc không theo ai thì bản thân ta phải có sự đặc thù.

Nhưng theo lời một chuyên gia giáo dục đã từng nói về giáo dục Việt Nam: Có hai cách đi. Thứ nhất là Việt Nam mời các nước đến xây dựng chương trình cho mình, rồi đi tiên phong, đồng thời cũng phải “rủ” được một số nước khác cùng đồng hành, để tránh tình trạng đi một mình một kiểu. Nhưng điều này chắc chắn Việt Nam khó thực hiện được.

Còn cách thứ hai khả thi, đó là hãy học theo các nước tiên tiến.

Bộ GD-ĐT khảo sát rồi, phân tích rồi, thì phải chốt là theo nước nào chứ?

Triết lý là gì? Chúng ta học tập gì sau khi khảo sát?

Giáo dục tránh nhất là chuyện mỗi thứ học một tí, để rồi sản phẩm thành ra quái thai.

Theo ông, kết quả của kỳ thi này có thể sử dụng để tuyển sinh ĐH, CĐ không?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đánh giá năng lực toàn diện, vì vậy không thể chỉ thi 2 môn Toán, Văn.

Phải có một môn thi tổng hợp, ra đề bài sao cho học sinh thích, không đánh đố kiến thức. Đổi mới phải là thi kỹ năng, không nên đánh đố, theo hướng trí tuệ, năng lực.

Nhưng kỳ thi tốt nghiệp không thay thế kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được. Đây là hai kỳ thi có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Giám đốc Học viện Oxford từng cho biết: Tôi quan tâm đến hai kỳ thi. Một kỳ thi để trả lời câu hỏi bạn có xứng đáng vào trường tôi hay không? Và kỳ thi tốt nghiệp trả lời câu hỏi bạn có xứng đáng cầm tấm bằng tốt nghiệp mang thương hiệu trường chúng tôi vào đời hay không?

Luật Giáo dục Đại học đã cho phép các trường đại học được tự chủ tuyển sinh. Tôi nghĩ, tuyển sinh cũng giống như xây một ngôi nhà cho mình, phải là mình tự làm, nếu giao quyền cho người khác làm hộ thì thì sản phẩm nhận về chắc chắn không thể tinh khiết như mình mong muốn.

Trường ĐH Nguyễn Trãi xin làm “ngọn cờ tiên phong” để việc tuyển sinh đạt chuẩn quốc tế – hiện đại, khoa học, chọn được người tâm huyết, trả lời đúng câu hỏi “bạn có xứng đáng hay không?”.

-Cảm ơn ông!

  • Hạnh Ngân (thực hiện)