Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, giáo dục sẽ tan rã chứ không chỉ đi xuống. Tuy nhiên, việc xem xét, nghiên cứu, tổ chức lại chất lượng, cấu trúc của kỳ thi là cần thiết.

LTS: Xung quanh vấn đề có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả những nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group.

Một cột mốc không thể hủy bỏ

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH) là kỳ thi bắt buộc phải có đối với bất kỳ nền giáo dục nào, mà bỏ nó nền giáo dục sẽ tan rã, chứ không chỉ đi xuống. Trên thế giới này, với những cách thức, mức độ khác nhau, ở hầu hết các quốc gia việc tốt nghiệp PTTH đều được đánh dấu với một tấm bằng, một kỳ thi.

Hiện trạng của kỳ thi của VN hiện nay là kết quả của việc tổ chức tồi, chứ không phải do chức năng tồi của một kỳ thi. Chúng ta không thể nhầm lẫn giữa nghĩa vụ của một kỳ thi với chất lượng của một kỳ thi, không thể thay thế một cuộc thi chưa nghiêm túc bằng việc không thi.

Nói rộng ra, cần phải phân biệt mặt tiêu cực của một nền giáo dục với một nền giáo dục tiêu cực. Thi không nghiêm túc là mặt tiêu cực của nền giáo dục, còn bỏ thi là biểu hiện của nền giáo dục tiêu cực.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Văn Chung

Giáo dục phổ thông có vai trò vô cùng quan trọng trong cả quá trình giáo dục. Đó là giáo dục nền tảng, là giáo dục con người và là bước đầu tiên trong việc tiến đến giáo dục các nhà chuyên môn.

Nếu bây giờ một người đi học từ lớp 1 không chờ đợi, lo sợ có một kỳ thi ở điểm kết thúc của quá trình học tập, thì chất lượng học tập lập tức tan rã ngay từ lớp 1. Như vậy là "tháo cũi xổ lồng" cả đầu vào lẫn đầu ra, sẽ không còn kỷ cương giáo dục và đào tạo nữa. 

Mặt khác, không nên nhầm lẫn rằng một kỳ thi có 97-98% đỗ là một kỳ thi tồi. Bởi vì kỳ thi này cần chuẩn bị cho xã hội nhiều thứ, nhiều mức độ, yêu cầu, đòi hỏi. Mức tỷ lệ tốt nghiệp cao đó cũng là một hiện thực phổ biến trên thế giới.

Nên nhớ rằng xã hội có những cấp độ nhu cầu khác nhau đối với tấm bằng phổ thông. Chúng ta đòi hỏi thống nhất mục tiêu của cả xã hội nên mới rơi vào “bi kịch”. Chúng ta phải cho ra lò, cung cấp cho xã hội một chứng chỉ. Còn xã hội phải đủ thông thái để sử dụng chứng chỉ đó cho những mục tiêu tiếp theo, ví dụ như tuyển đầu vào đại học.

Tại nhiều quốc gia mà giáo dục phổ thông được coi trọng, kỳ thi tốt nghiệp còn trở thành tư liệu cơ bản, thành điều kiện “cần”, đôi khi cả điều kiện “đủ” để vào các trường Đại học. Chẳng hạn ở Anh, tốt nghiệp PTTH (Alevel) là một mức học vấn, một danh hiệu xã hội hẳn hoi. Số môn phải thi TN tối thiểu là 4, nhưng người thi có thể đăng ký thi nhiều môn hơn để hồ sơ của họ hấp dẫn với các trường đại học.

Tú tài hay A level là một mức học vấn phổ quát trên toàn thế giới. Thi tốt nghiệp không phải sự ngẫu hứng của các nhà giáo dục về chuyện nó cần hay không cần. Chúng ta không thể hủy bỏ một cột mốc đánh dấu một giai đoạn học vấn mang tính nền tảng, cơ sở của toàn bộ quá trình giáo dục của một quốc gia.

Các nhà nước muốn thống nhất phải thống nhất từ giáo dục, ngôn ngữ, chữ viết. Không có tiêu chuẩn của quốc gia về giáo dục phổ thông, làm sao thống nhất được về ngôn ngữ, chữ viết. Không có những sự thống nhất đó, làm sao có quốc gia thống nhất?

Tổ chức lại cấu trúc kỳ thi

Tuy nhiên, việc xem xét, nghiên cứu, tổ chức lại chất lượng, cơ cấu của một kỳ thi như vậy là cần thiết: tổ chức thi như thế nào, quan niệm về kỳ thi ra sao... Kỳ thi tốt nghiệp PTTH cần được tổ chức lại, giản tiện bớt để đạt được những tiêu chí gọn nhất, nhẹ nhất và rõ ràng nhất, đáp ứng cho các kỳ vọng, mục tiêu của các nhóm xã hội.

Cấu trúc thi cần thể hiện sự khác biệt, sự đòi hỏi khác nhau của các nhóm xã hội đối với kỳ thi này. Nhóm hàn lâm cao nhất cần điều gì ở kỳ thi, nhóm các chuyên gia thực hành cần gì, nhóm những người cần một tấm bằng để "yên dạ" xã hội cần gì, v.v…

Sự tế vi trong các mục tiêu khác nhau của các nhóm, tầng nhu cầu trong xã hội là đối tượng mà ngành giáo dục và đào tạo buộc phải nghiên cứu, chứ không thể tiếp tục lảng tránh. Ngành giáo dục và đào tạo phải cung cấp các đề thi, mức thi, cách thi cho những nhóm nhu cầu đa dạng trong xã hội.

Bởi vậy, cái chúng ta cần là làm thế nào cấu trúc cuộc thi ấy tự nó tạo ra sự phân loại, có lợi cho toàn bộ quá trình phát triển của giáo dục VN. Chẳng hạn, tạo ra sự phân loại học sinh tốt nghiệp ở các trình độ dành cho trường đại học với các cấp độ chất lượng, danh tiếng khác nhau.

Kỳ thi tốt nghiệp cần trở thành tư liệu “cần”, chính xác để xác định đầu vào của các trường đại học. Sau đó, bản thân mỗi trường đại học sẽ có những "vũ khí", sự sắc sảo chuyên nghiệp để tuyển chọn tiếp, đó chính là điều kiện "đủ" của mỗi trường. Nhiều trường đại học trên thế giới thậm chí xem kỳ thi tốt nghiệp là điều kiện “cần” và “đủ”, kể cả những trường danh tiếng.

Quá trình để đi đến mục tiêu đó, từ khi thí nghiệm cho đến lúc thành công có thể phải mất hàng chục năm. Nhưng chúng ta đừng sốt ruột đối với giáo dục, đào tạo. Trong khi chúng ta có một bộ máy mà năng lực sử dụng con người còn thấp, thì tại sao chúng ta lại tỏ ra quá sốt ruột về chất lượng đầu vào, đầu ra của giáo dục?

  • Mỹ Hòa (Ghi)