Ngày 28/8, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

{keywords}
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 65 điểm cầu các tỉnh, thành và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: Thế Đại

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nêu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vắc xin cho học sinh, trước mắt là học sinh trung học phổ thông.

Cùng đó kiến nghị, Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành Giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học; trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kĩ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học.

Bên cạnh đó, xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.

Ông Vũ Đại Thắng - Bí thư tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng dịch Covid-19 còn rất phức tạp, trong 3 ngày qua đã xuất hiện nhiều ca dương tính. Do đó, ông Thắng đề nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn để các địa phương linh hoạt hơn trong việc tổ chức chương trình và kiến nghị có chương trình vắc xin trong trường học.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin.

“Bộ Y tế căn cứ vào khoa học, quy định của độ tuổi tiêm các loại vắc xin để tính toán phân đủ, có kế hoạch tiêm phù hợp. Ví dụ loại vắc xin nào được nhiều nước sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên thì trong thời gian tới, khi nhập khẩu vắc xin về thì sẽ dành loại đó để tiêm cho trẻ em", Thủ tướng nói.

Các cháu được tiêm đủ 2 mũi có thể học bình thường kèm biện pháp 5K như nhiều nước trên thế giới đang triển khai.

Đối với các địa phương không có dịch, chủ động phương án quay lại trường học cho các cháu nhưng có biện pháp kiểm tra sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt, học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Các lãnh đạo địa phương lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập.

Thanh Hùng

Thủ tướng: Rà soát việc thiếu giáo viên có chính xác hay không?

Thủ tướng: Rà soát việc thiếu giáo viên có chính xác hay không?

Trước thống kê về thiếu giáo viên, Thủ tướng cho biết cần rà soát việc thiếu có chính xác không. "Nguồn lực của chúng ta có hạn nên phải nghiên cứu sao cho phù hợp. Chúng ta cũng không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng”.