Chọn phương thức xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ hay xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,...?

Mỗi phương thức lại khác nhau từ tổ hợp môn thi, hình thức xét tuyển, tiêu chí phụ cho đến chỉ tiêu... và nếu không đọc kỹ, thí sinh rất dễ loạn thông tin, hiểu sai, thậm chí mất cơ hội vào đại học.

Ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại cho hay, qua từng năm, phương án tuyển sinh của các trường đại học ngày càng đa đạng để bắt kịp với nhu cầu thực tế, phù hợp nhiều đối tượng thí sinh. Tuy nhiên, khi càng nhiều trường có nhiều phương án tuyển sinh, nếu không biết cách phân tích và lọc dữ liệu, thí sinh sẽ dễ bị rối.

Tuy nhiên, theo ông Thái, thực tế các trường chỉ sử dụng hai nhóm phương thức xét tuyển chính là xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển theo các phương thức khác (gồm tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT hoặc của trường; học bạ; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ; đánh giá năng lực; đánh giá tư duy).

Với mỗi phương thức này, thí sinh cần tìm kiếm phần cơ cấu chỉ tiêu tương ứng để đo cơ hội.

“Ngoài ra, thí sinh khi đọc cũng cần hiểu rằng tiêu chí đủ điều kiện xét tuyển khác với việc trúng tuyển. Có thể thông tin trường đưa yêu cầu đầu vào là 5.5 IELTS nhưng không có nghĩa thí sinh đạt mức điểm đó là trúng tuyển mà các trường sẽ căn cứ vào chỉ tiêu rồi lấy từ trên xuống dưới và thực tế có thể phải 6.5 mới trúng tuyển,...”, ông Thái chia sẻ.

Ngoài ra, thí sinh cần đọc kỹ, lưu ý các tiêu chí phụ xét tuyển đại học, điều kiện liên quan đến học bạ, tránh trường hợp đủ điểm trúng tuyển nhưng sau đó bị đánh trượt khi các trường hậu kiểm và phát hiện không đạt điều kiện.

“Như phương án xét tuyển học bạ, nhiều thí sinh sau khi nhập học mới biết không được công nhận trúng tuyển dù đạt mức điểm chuẩn theo ngành nhưng không đạt điểm trung bình các môn ở THPT theo yêu cầu của trường”, ông Thái dẫn chứng.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, phụ huynh và thí sinh cũng không nên quá lo lắng mà cần nhìn ở khía cạnh tích cực là càng nhiều phương án xét tuyển thì thí sinh sẽ có cơ hội tìm được cách thức mình có lợi thế nhất để trúng tuyển.

Tuy nhiên, để tránh “loạn” trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển đại học, theo ông Chương, thí sinh cần tìm hiểu có chọn lọc thay vì ngồi đọc lần lượt phương thức của tất cả các trường.

Để làm như vậy, trước khi bắt đầu tìm kiếm thông tin, thí sinh cần xác định rõ ngành mà mình muốn theo học.

“Đầu tiên thí sinh cần khoanh vùng các trường có ngành học theo nguyện vọng. Sau đó, dựa vào các dữ liệu năm trước, xếp danh sách trường/ngành theo thứ tự cao đến thấp về điểm chuẩn, để dễ đối chiếu với năng lực bản thân, từ đó lọc ra một số trường phù hợp.

Sau khi thu hẹp phạm vi ngành, trường quan tâm, các em nên vào website của trường để xem chi tiết về phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển, chỉ tiêu, tiêu chí phụ...”.

Ông Chương khuyến nghị thay vì đọc mọi phương án và rơi vào rối loạn, thí sinh chỉ nên quan tâm tới các cách thức xét tuyển mà mình có đủ điều kiện, phù hợp nhất với mình. Đến đây thi việc so sánh ưu thế giữa các phương thức cũng như tìm hiểu các điều kiện cụ thể sẽ dễ dàng hơn.

Còn để nắm được đầy đủ nhất cách thức xét tuyển của các đại học, thí sinh nên vào website của những trường mình quan tâm để theo dõi và cập nhật.

“Bởi đây là kênh đầy đủ, chính thống nhất. Theo quy định, các trường đều phải công bố công khai đề án tuyển sinh trên website nên thí sinh có thể tra cứu và không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm", ông Chương nói.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay, Bộ cũng khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh thì cần đảm bảo sự ổn định, tránh việc gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.

“Khi có những thay đổi lớn thì các trường cần thông báo trước, dự trù thời gian để thí sinh có thời gian chuẩn bị cho việc ôn luyện. Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh, việc xét tuyển thực hiện trên cùng thang đo, trên một mặt bằng chung nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, tăng cường cả chất lượng đào tạo, để xây dựng và khẳng định uy tín của nhà trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo, các vùng miền, khu vực”, bà Thủy nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng khuyến cáo. thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 cũng sẽ không thay đổi quá nhiều, phương án tuyển sinh về cơ bản sẽ giữ ổn định tương đối so với năm 2020, 2021. Thay vào đó, cần tập trung vào việc học tập, ôn luyện, tránh hoang mang bởi những thông tin không chính thống.

Thanh Hùng

'Xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn là chủ đạo'

'Xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn là chủ đạo'

Trước thông tin một số trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh không khỏi lo lắng. 

Lo bất bình đẳng vì xét tuyển đại học bằng IELTS: Bộ GD-ĐT lên tiếng

Lo bất bình đẳng vì xét tuyển đại học bằng IELTS: Bộ GD-ĐT lên tiếng

Sau khi một số trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2022, nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng liệu cơ hội vào đại học có sụt giảm khi những phương án xét tuyển sử dụng chứng chỉ này ngày càng gia tăng. 

Hơn 10 phương thức xét tuyển đại học năm 2022

Hơn 10 phương thức xét tuyển đại học năm 2022

Các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Có khoảng 10 phương thức xét tuyển đã được các trường công bố trong mùa tuyển sinh năm nay.