Đây là trường đại học số 1 ở Hàn Quốc và xếp thứ 36 trên thế giới theo bảng xếp hạng QS.

{keywords}
Phạm Quỳnh Nhi từng giành giải Nhất môn Văn của Nghệ An và giải Ba quốc gia môn Văn năm lớp 11. Ảnh: NVCC

Từ nhỏ, Quỳnh Nhi đã sớm bộc lộ năng khiếu với môn Ngữ văn và từng giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm lớp 9. Trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2016, Nhi xuất sắc trở thành thủ khoa lớp chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Năm học lớp 11, Nhi giành giải Nhất của Nghệ An và giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn.

Mặc dù vậy, sang năm lớp 12, Nhi quyết định rút khỏi đội tuyển để tập trung học tiếng Anh và tiếng Hàn, tham gia các hoạt động ngoại khóa và làm tình nguyện viên dạy học cho các em nhỏ khó khăn.

“Trong thời gian học cấp 3, em đã có cơ hội tìm hiểu về văn hoá truyền thống, phong tục của Hàn Quốc. Và em luôn ấp ủ mong muốn được học tập, nghiên cứu ở môi trường quốc tế. Cũng từ đó em mơ được đi du học tại ngôi trường nổi tiếng nhất Hàn Quốc, ĐH Quốc gia Seoul. Nhưng em khá khó khăn khi tiếp cận thông tin chuẩn bị hồ sơ, chủ yếu hỏi dò các anh chị đi trước”, Nhi chia sẻ.

Được tuyển thẳng vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Nhi khiến gia đình và bạn bè bất ngờ khi quyết định bảo lưu để tìm đường du học.

Cho rằng con gái dừng học để gap year là lựa chọn mạo hiểm, bố mẹ Nhi ra sức phản đối.

‘Bố mẹ em không đồng ý vì lo em là con gái, sau này tốt nghiệp sẽ muộn hơn các bạn đồng lứa 2 năm, quá rủi ro và phải đánh đổi lớn. Hơn nữa, việc apply hồ sơ vào các trường top trên thế giới sẽ rất rủi ro, “hên xui” nên bố em rất lo lắng. Sau khi cố gắng giải thích về kế hoạch 2 năm của em, thì bố mẹ đã thông cảm và đồng ý cho em theo đuổi con đường “đánh đổi” này.

Được sự đồng thuận của bố mẹ, Nhi gấp rút ôn luyện, hoàn thành các chứng chỉ học thuật với kết quả IELTS 7.5, TOPIK 3 và đạt KLAT 3 (bài kiểm tra trình độ dành cho những người nói tiếng Hàn không phải là bản ngữ được cung cấp bởi Hiệp hội Ngôn ngữ Hàn Quốc).

“Tháng 5/2020 em gửi bộ hồ sơ đầu tiên sang trường ĐH Quốc gia Seoul nhưng đã bị đánh trượt. Đó là cú sốc với em”, Nhi nói.

Vượt qua nỗi thất vọng, Nhi tự nhận thấy hồ sơ em chưa đủ mạnh, không để lại dấu ấn cho ban tuyển sinh. Do đó, Nhi quyết định tiếp tục chăm chút cho hồ sơ, tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển toàn diện các kỹ năng.

“Đừng từ bỏ, vì đó là giấc mơ của mình”

{keywords}
10X kiên trì tìm đường đến đại học số 1 Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Nhi cho biết mình lớn lên trong gia đình làm kinh doanh, ba mẹ luôn mong và đòi hỏi con cái phải tự lập. 

Được bố mẹ hỗ trợ chi phí sinh hoạt ở Hà Nội, Nhi khá tự tin. Nhưng chi phí thực tế để làm hồ sơ xin du học không như Nhi hình dung ban đầu.

“Ban đầu em tưởng là ít nhưng đến lúc dấn thân vào con đường apply, em cần phải chi trả rất nhiều khoản: tiền học, thi chứng chỉ, tiền nộp đơn cho các trường, tiền đặt cọc giữ chỗ (40 - 50 triệu/trường), tiền xin visa,... Em nghĩ, mình phải tự chịu trách nhiệm cho ước mơ của mình nên em tìm cách tự chủ tài chính” – Nhi nói.

Khi bạn bè vào giảng đường đại học, Nhi lò dò xin đến các trung tâm xin làm gia sư môn Văn và tiếng Anh. Mặc dù vậy, Nhi cảm thấy cách này không hiệu quả. Tình cờ khi tham gia các nhóm học ngoại ngữ trên mạng, Nhi thấy đa số bạn trẻ có nhu cầu học tiếng Anh rất mong tìm được giáo viên nhiệt tình, có thể hỗ trợ tối đa cho học viên. Từ đó, Nhi nghĩ đến việc tham gia hoặc mở một lớp học để vừa có thêm thu nhập, vừa hỗ trợ, giúp đỡ cho những người có nhu cầu học tiếng Anh.

Sau khi cân nhắc, tháng 8/2020 Nhi quyết định mở lớp. Từ 4 – 5 học sinh ban đầu, đến nay các lớp học của Nhi đã có hơn 100 người tham gia. Ngoài ra, Nhi vẫn duy trì dạy thêm ở trung tâm. Những buổi dạy 4 tiếng đồng hồ, đi lại vài chục cây số hay trở về nơi ở lúc 11 – 12h đêm dần trở nên bình thường.

Theo Nhi, với công việc này, thời gian đầu cũng không mấy thuận lợi. Khó khăn nhất là làm sao tìm ra cách truyền tải kiến thức một cách hiệu quả đến nhiều người học khác nhau. Ngoài ra, do dịch Covid-19, các lớp học chuyển sang online cũng nảy sinh thử thách trong kết nối với học viên. Không ít người đã nghỉ học.

“Những lúc như thế, em lại động viên bản thân đừng từ bỏ, vì đó là giấc mơ của mình”.

Để khắc phục điều này, Nhi dành thời gian tìm hiểu nhu cầu của mọi người và tham khảo tài liệu để xây dựng giáo án phù hợp. Sau nhiều nỗ lực, theo Nhi, niềm vui lớn nhất là nhận được phản hồi tốt từ các học sinh.

“Không chỉ giúp được các bạn học tiến bộ hơn mà mình đã giúp thay đổi được suy nghĩ nhiều bạn về cách học tiếng Anh, bớt sợ hãi, yêu thích ngoại ngữ để học tốt hơn”.

Tháng 2/2021, Nhi hoàn thiện hồ sơ du học để gửi tới Hàn Quốc một lần nữa. Thời điểm đó, trong hồ sơ của Nhi đã có thêm bài báo được công bố trong hội thảo kinh tế ICECH (8th International Conference on Emerging Challenges – về các vấn đề đương đại trong đổi mới và quản trị ở Quảng Ninh). Nghiên cứu này Nhi tham gia cùng một nhóm sinh viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân dưới sự hướng dẫn của TS Nguyễn Thị Liên Hương.

Tuy nhiên, phần Nhi tâm đắc nhất trong hồ sơ chính là bài luận.

“Gói gọn trong 500 từ mỗi bài, chìa khóa mà em tâm đắc nhất mà em nói đến trong bài luận là giá trị cho và nhận trong cuộc sống, đặc biệt trong kinh doanh. Em muốn nhấn mạnh ước mơ tạo dựng doanh nghiệp xã hội, không chỉ dừng lại ở việc đem lại giá trị nhất định mà còn là niềm hạnh phúc, vui vẻ khi khách hàng đón nhận nó. Đó là sự phát triển bền vững, nhân văn. Đặc biệt, em cũng thể hiện được nỗ lực, kiên trì, bền bỉ trong nhiều năm qua để thực hiện ước mơ du học ra sao ”.

Trong lần ứng tuyển này, Nhi đã giành được học bổng toàn phần của Chinese University of Hong Kong (xếp thứ 43 thế giới theo QS) và thư mời nhập học của ĐH Quốc gia Seoul.

Quỳnh Nhi đã quyết định sẽ nhập học ngành Quản trị Kinh doanh tại ĐH Quốc gia Seoul như mơ ước từ lâu của mình.

Ngọc Linh

Nữ sinh Nghệ An trở thành thủ khoa sau 1 năm 'trượt đại học'

Nữ sinh Nghệ An trở thành thủ khoa sau 1 năm 'trượt đại học'

Từng phân vân có nên “học đại” một ngành nào đó để không bị mang mác “học sinh trường chuyên thi trượt đại học”, nhưng khi được chính bố mẹ và chị gái động viên, Thúy An quyết định “bỏ phố về quê” để ôn thi lại từ đầu.