- Nhiều vấn đề hệ trọng liên quan tới tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông mới đã được đặt ra tại buổi họp báo công bố chương trình diễn ra trong gần 2 giờ, từ 16h chiều ngày 27/12.

Toàn cảnh: Khung chương trình giáo dục phổ thông mới từng cấp học

Toàn cảnh: Khung chương trình giáo dục phổ thông mới từng cấp học

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

 

Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục.  Trong quá trình hoàn thiện, các chương trình môn học đã được thực nghiệm những điểm mới về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Dưới đây là clip buổi họp báo.

 

“Học xong thì học sinh biết làm gì?”

Tại buổi họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết: Mục tiêu giáo dục phổ thông là phải góp phần chuyển nền giáo duc nặng về kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Chương trình mới phải trả lời câu hỏi “Học xong thì học sinh biết làm gì?”.

Theo ông Thuyết, chương trình theo định hướng trang bị kiến thức thì khi xây dựng bắt đầu ngay các nội dung dạy học, còn chương trình theo định hướng phát triển năng lực người học thì đầu tiên phải xác định mục tiêu giáo dục. Từ mục tiêu giáo dục phát triển những yêu cầu cần đạt đối với từng cấp học, lớp học, rồi xác định nội dung phương pháp dạy học.

{keywords}
 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Thanh Hùng

Các bước xây dựng chương trình bao gồm: Đánh giá chương trình hiện hành, đánh giá tác động của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện chương trình.

Giải pháp phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh ở chương trình giáo dục phổ thông mới gồm: Dạy học phân hóa, cá thể hóa; dạy học tích hợp; dạy học thông qua hoạt động, nhằm khơi dậy các năng lực của học sinh.

Về cấp tiểu học sẽ thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Việc này tạo điều kiện giúp học sinh có thời gian hơn để thực hiện các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi trong nhà trường. Đồng thời cũng góp phần thực hiện quản lý giáo dục, học sinh lứa tuổi nhỏ hiếu động và cũng góp phần giảm tải.

“Theo báo cáo của tổ chức OECD, học sinh ở lứa tuổi tiểu học và THCS ở các nước trung bình học 7.500 giờ, còn chương trình của học sinh tiểu học và THCS của Việt Nam mới đạt 5.500 giờ, tức chúng ta thiếu khoảng 2.000 giờ. Bởi học sinh các nước tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Chúng ta chủ yếu là tiểu học thực hiện được 2 buổi/ngày còn các cấp học khác thì chưa thực hiện được.

Chúng ta trước hết tổ chức cho học sinh tiểu học học được như vậy, rồi đến giai đoạn đổi mới giáo dục sau này thì tính tiếp đến các cấp học khác để các em có thời gian học hành, vui chơi thoải mái hơn. Trên thực tế chúng ta sẽ phải dạy cho học sinh phổ thông đạt đến trình độ như các nước, nhưng họ hơn mình đến 2.000 giờ thì mình phải có cách bù để các em đỡ quá tải. Nếu chúng ta không giải quyết được chuyện này thì quá tải cũng sẽ là một vấn đề hết sức khó giải quyết.

Nếu tính hiện nay học sinh tiểu học học 1 buổi/ngày, 5 buổi/tuần,  thì số giờ trung bình cho một buổi học của một học sinh là 2,8 giờ. Nếu tính học 9 buổi/tuần (tức 2 buổi/ngày) thì số giờ học trung bình là 1,8. Trong chương trình mới này, chúng tôi cũng đề ra những giải pháp chuyển tiếp, bởi có những nơi khó có thể dạy học 2 buổi/ngày. Vấn đề  không phải về cơ sở vật chất, bởi có thể giải quyết được, mà ở một số vùng, phụ huynh còn khó khăn và việc cho con đi học cả ngày đồng nghĩa phải lo cả bữa trưa là cả một câu chuyện lớn.

Do đó, đối với các trường hợp này, chúng tôi khuyến nghị các địa phương dạy học 6 buổi/tuần.

{keywords}
Ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng

Trong phần hỏi đáp, các nhà báo hỏi tập trung vào 2 vấn đề lớn: Điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình và tập huấn đội ngũ giáo viên. Thứ hai là các vấn đề liên quan đến giảm tải và bố trí cho học sinh lựa chọn môn học.

Cụ thể, phóng viên Tuyết Mai báo Thanh Niên nêu băn khoăn lớn nhất là điều kiện và tính khả thi khi áp dụng chương trình: Chẳng hạn, ở tiểu học, chương trình được thiết kế cho học 2 buổi/ ngày, lại thêm môn bắt buộc như Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ, liệu có khả thi? Thứ hai, dạy phân hoá tự chọn, nếu địa phương không đáp ứng nhu cầu tự chọn của học sinh thì mình giải quyết thế nào? Khi đó, trách nhiệm thuộc về người xây dựng chương trình hay triển khai địa phương? Ngoài ra, thay đổi ở kỳ thi quốc gia ra sao để đáp ứng mục tiêu của chương trình mới?

Phóng viên Kim Hải Đài Truyền hình Việt Nam hỏi 2 vấn đề trọng tâm về viết sách giáo khoa và tập huấn giáo viên: Theo nghị quyết, Bộ chịu trách nhiệm viết một bộ chuẩn cho kịp tiến độ. Bộ cho biết việc bắt tay viết bộ sách chuẩn này, ai là người đứng đầu, những người chủ chốt của bộ sách này là ai?

Thứ hai là kế hoạch tập huấn cụ thể của giáo viên. Liệu việc tập huấn trên mạng có đảm bảo tập huấn chất lượng hay không, vì điều nay quan trọng và quyết định sự thất bại của chương trình.

{keywords}
Phóng viên Kim Hải - Đài Truyền hình Việt Nam

Phóng viên Hồng Vân báo Tuổi Trẻ hỏi: Tập huấn giáo viên trước đây là theo cách giáo viên cốt cán theo nhiều nấc, chất lượng tập huấn lần này có được khắc phục hay không, xin cho biết kế hoạch cụ thể? Một vấn đề nữa là điều kiện vùng miền có sự chênh lệch lớn, vậy tập huấn giáo viên ở vùng khó khăn có lộ trình dần dần thế nào?

Một câu hỏi ở bậc Tiểu học là lãnh đạo bộ có thể khẳng định vào 2020-2021 chuẩn bị đại trà lớp thì điều kiện thực hiện có đảm bảo được không? Ngoài ra, trong chương trình có Tin học và Ngoại ngữ sẽ bắt buộc từ lớp 3 nhưng ở một số vùng miền không được đồng đều như đô thị vậy chất lượng có đảm bảo không?

Phóng viên Đỗ Quyên của Zing.vn thắc mắc liệu Bộ đã thử nghiệm trên học sinh chưa, để khẳng định đó là giảm tải? Thứ hai lên cấp 3 học đến 5 môn bắt buộc và tự chọn, đã tính toán hết các phương án hay chưa?...

{keywords}
Phóng viên Tuyết Mai báo Thanh Niên

Trả lời câu hỏi của phóng viên về điều kiện để triển khai chương trình, liên quan đến cơ sở và đội ngũ giáo viên, Cục trưởng Cục Nhà giáo Hoàng Đức Minh cho biết từ khi có nghị quyết 29, Bộ đã tổ chức những khóa bồi dưỡng giáo viên, tổ chức đào tạo giáo viên cốt cán.

“Cùng với sự nỗ lực, tôi tin giáo viên tích hợp sẽ dáp ứng yêu cầu. Về những nơi khó khăn, chúng tôi cũng đã tính đến, khi đào tạo giáo viên cốt cán sẽ được chú ý hơn, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020-2021.

Bộ cũng tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên và giao cho các đơn vị về việc tuyển dụng và định mức công việc để có thể đáp ứng chương trình”.

Ông Minh khẳng định đội ngũ giáo viên thì không thiếu, chương trình cũ và mới số giáo viên cần không chênh lệch nhiều nên không lo về nguồn tuyển.

“Còn đào tạo, bồi dưỡng qua mạng thì không phải đến bây giờ mới làm mà Bộ đã tổ chức trước đó. Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua mạng cũng hệ thống công nghệ thông tin, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới” – ông Minh khẳng định.

{keywords}
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh "Trong chương trình chúng tôi cũng đã nêu định hướng về đổi mới đánh giá kết quả dạy học. Riêng về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học thì Bộ trưởng đã giao một nhóm nghiên cứu, đang đi đến những bước cuối cùng để báo cáo, trên cơ sở đó ra quyết định". 

Về vấn đề viết sách giáo khoa, hôm nay mới tổ chức họp báo để công bố chương trình nhưng theo ông Thuyết, "Thời gian qua có một số ý kiến phân tán nói "ngược" Nghị quyết Quốc hội là chỉ làm một bộ sách giáo khoa. Tôi cho là Bộ GD-ĐT đã tính toán ưu thế cũng như thách thức gặp phải, trên cơ sở đó có giải pháp thực hiện. Tôi cho là đảo ngược Nghị quyết là khó.

Về vấn đề tiếp theo, những học sinh không được học chương trình mới ngay từ đầu thì có "bắt" được vào không? Về cơ bản, hướng giáo dục phổ thông là dạy kiến thức kỹ năng cơ bản thôi, thay đổi là sàng lọc kiến thức thiết thực, đổi mới cách tổ chức dạy học để phát huy năng lực của học sinh. Thứ hai, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo địa phương và cơ sở giáo dục đổi mới cách dạy học, xây dựng chuyên đề tích hợp theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh, khi làm chương trình cũng được chỉ đạo Nghị quyết, tiếp thu có chọn lọc".

Về vấn đề thực nghiệm và giảm tải, ông Thuyết cho biết trong tài liệu gửi tới báo chí đã có câu hỏi và giải đáp cụ thể.

"Cháu ngoại tôi học chương trình quốc tế Canada ở Singapore lớp 1, khi vào tháng 8 cô đã giao làm toán thống kê, các cháu đi hỏi bạn trong lớp làm những con vật nuôi nào và làm bảng biểu. Như vậy chương trình các nước không phải không cao, nhưng cách dạy, cách tổ chức có khác mình.

Về thực nghiệm: Anh, Mỹ không thực nghiệm lâu theo lý thuyết (viết sách giáo khoa giả định, rồi thực nghiệm trong 3 năm), các chuyên gia WB mời cũng trao đổi với chúng tôi như vậy. Chúng tôi thực nghiệm theo cách "đánh giá tác động chính sách", trong đó dạy học thử nghiệm chỉ là 1 trong những cách.

Vấn đề cuối cùng là để cho học sinh THPT tự chọn môn học thế nào, thì phải thấy đây là mâu thuẫn. Mong muốn là ta phân hoá triệt để nhưng thực tế không phải trường phổ thông nào cũng đáp ứng được như vậy. Do đó, quy đinh là nhà trường xây dựng tổ hợp môn học vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh, vừa phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường" - ông Thuyết khẳng định.

{keywords}
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT 

Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất thì cho biết nhìn vào cấp THCS và THPT tương đối yên tâm, ở bậc Tiểu học thì khó khăn hơn một chút. "Nhưng Bộ đã xác định từ năm 2014 đã tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của trường, trong đó hỗ trợ nâng cao chương trình kiên cố hoá trường lớp học. Ví dụ, tại đợt đánh giá thực trạng 2014, tỷ lệ kiên cố hoá cả nước là là hơn 70% thì nay hơn 80%; chính Tây Bắc là tỷ lệ phòng học đạt tỉ lệ cao nhất cả nước, còn khó khăn lại là ở Tây Nguyên. Năm 2020-2021 thì lớp 1 đủ phòng học để học 2 buổi/ngày. Sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án, thì Sơn La, Lào Cai ban hành kế hoạch giải quyết dứt điểm thiếu phòng học tranh tre nứa lá"...

Các nhà báo tiếp tục nêu câu hỏi về lộ trình đổi mới kiểm tra đánh giá, chuẩn bị sách giáo khoa và Trách nhiệm và cam kết của ban phát triển chương trình với sự thành công hay thất bại, sự chuẩn bị của đội ngũ giáo viên lo nhất là khâu nào?

Nhà báo Ngọc Hà báo Tuổi Trẻ nêu vấn đề: "Giảm tải là khao khát của phụ huynh, có lần GS Thuyết trao đổi là quá tải. Vậy sau thực nghiệm thì rút được kinh nghiệm gì để giảm tải đúng nghĩa, bởi giảm tải theo cách giải thích của ban phát triển là chưa thoả đáng và "sòng phẳng"...

{keywords}
Nhà báo Ngọc Hà báo Tuổi Trẻ

Chương trình cụ thể các cấp học

Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm. Cùng đó là 2 môn học tự chọn  Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).

Thời lượng giáo dục 2 buổi/ ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày).

Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương). Cùng đó là 2 môn học tự chọn (là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).

Thời lượng giáo dục 1 buổi/ ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày).

Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Thời lượng giáo dục 1 buổi/ ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày).

{keywords}
Buổi họp thu hút sự quan tâm đông đảo của báo chí. Ảnh: Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT cho biết Chương trình Giáo dục phổ thông mới đáp ứng nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW: "Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn".

Thực hiện mục tiêu "Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn".

Đối với mỗi môn học, việc lựa chọn, sắp xếp nội dung giáo dục bảo đảm sự tinh giản, gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực thi các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Thực hiện mục tiêu "phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng", nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.

{keywords}
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT 

Lộ trình thực hiện

Bộ GD-ĐT thực hiện lộ trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới như sau:

Năm học 2020-2021 đối với lớp 1;

Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ SGK theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cùng đó tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng SGK (bao gồm bộ SGK do Bộ chủ trì biên soạn và SGK của các tổ chức, cá nhân) kịp thời triển khai Chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.

Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình mới theo lộ trình, ưu tiên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ ngày đối với cấp tiểu học.

Tổ chức và chỉ đạo các địa phương bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đồng thời qua đó thực hiện chương trình tăng cường năng lực của các trường sư phạm trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.

Bộ cũng sẽ ban hành các văn bản phục vụ triển khai Chương trình mới như: Hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình phổ thông mới; hướng dẫn xây dựng nội dung giáo dục địa phương; hướng dẫn lựa chọn SGK; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Điều lệ trường phổ thông; Quy định về đánh giá học sinh… đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình mới.

Thanh Hùng - Thúy Nga - Hạ Anh

Clip: Lan Hương

Chương trình phổ thông mới: Giảm môn, giảm giờ học

Chương trình phổ thông mới: Giảm môn, giảm giờ học

Giải trình với các cử tri, Bộ GD-ĐT cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm tải so với hiện hành.

GS. Nguyễn Minh Thuyết phản hồi những tranh cãi về giáo dục phổ thông mới

GS. Nguyễn Minh Thuyết phản hồi những tranh cãi về giáo dục phổ thông mới

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ trò chuyện với Góc nhìn thẳng về các vấn đề nóng liên quan SGK.

Chương trình phổ thông mới sẽ chỉ học sinh cách sử dụng tiền hợp lý

Chương trình phổ thông mới sẽ chỉ học sinh cách sử dụng tiền hợp lý

Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn học sẽ có nhiều nội dung lồng ghép giáo dục tài chính cho học sinh, trong đó có những chủ đề hướng dẫn sử dụng tiền một cách hợp lý.

Có gì sau 1 tháng thực nghiệm chương trình phổ thông mới?

Có gì sau 1 tháng thực nghiệm chương trình phổ thông mới?

Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa hoàn thành đợt thực nghiệm các chương trình môn học kéo dài 1 tháng.