Những học trò khiến thầy không “cứu” được

Thầy giáo Nguyễn Minh Nhân, từng làm tư vấn viên phòng tham vấn học đường tại một trường THCS ở Quận 3, TPHCM, nhớ lại cách đây 3 năm, một học sinh ở lớp thầy dạy luôn mang theo một thanh sắt bên người khi đi học.

Việc làm này bị giám thị nhà trường phát hiện. Đây là một học sinh vốn dĩ đã khiến cả thầy và các giáo viên bộ môn không hài lòng vì là điển hình của một học sinh “không ngoan”: Hay quên làm bài tập, hay nói chuyện trong giờ, điểm kiểm tra kém. Chỉ “được” mỗi một điểm là không hỗn láo với giáo viên.

{keywords}
Những hình ảnh nhóm nữ sinh cùng nhau đánh hội đồng, giật tóc, đá và cưỡi đầu, trước khi lột áo nữ sinh khác xảy ra cách đây vài năm từng khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ

“Tuy nhiên, việc mang theo thanh sắt đến trường là nghiêm trọng. Vì vậy, tôi gọi em ra trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân. Em kể rằng bị một bạn ở ngoài trường dọa dẫm và còn kéo theo một nhóm để tìm đánh nên sợ, khi nào đi học cũng thủ theo thanh sắt để sẵn sàng tự vệ”.

Tôi khuyên em đừng hận thù, đừng đánh nhau. Nếu có mâu thuẫn hãy chủ động nói lời xin lỗi. Một lời xin lỗi không mất gì, nhưng em sẽ không phải sống trong sợ hãi. Sau đó, em bảo sẽ nghe lời tôi”.

Thế nhưng 2 tuần sau, em học sinh đó lại lên gặp thầy Nhân với một bịch quần áo trên tay.

Em bảo “Nói thiệt với thầy, em nghe lời thầy nên không quậy phá, nhưng bây giờ vào lớp em cũng không hiểu bài. Bị đúp thì tốn tiền, nên để em đi làm kiếm tiền cho mẹ”. Rồi em đưa bịch quần áo cũ cho thầy Nhân để tặng lại cho học trò khác.

Thầy giáo H.B. là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân của một trường THPT tại TP.HCM thì vẫn day dứt về trường hợp một học sinh nữ thuộc diện học chậm nhưng lại ở trong nhóm quậy của lớp.

“Không giáo viên nào ưa em học sinh này bởi dạy không nổi, nhắc không xong. Ngay cả giáo viên chủ nhiệm lớp cũng chán nản. Khi đó, tôi còn kiêm thêm công tác tư vấn tâm lý của trường nên đã gặp và trò chuyện rất nhiều với em. Sau nghe và hiểu tôi, em âm thầm mách với tôi rằng trong trường có bạn này hút thuốc, bạn nào hay đánh nhau, bạn nào tụ tập… Em bảo rằng nói với tôi vì biết tôi sẽ không đuổi học hay đình chỉ mà sẽ tư vấn cho các bạn”.

Nhưng đau lòng là sau một thời gian, em học sinh nữ này nghỉ học, bỏ nhà ra đi.

“Khi tôi báo sự việc này lên nhà trường và nói rằng đi tìm em về thì bị những người trong trường phản đối. Việc này khiến tôi nhận ra rằng, học sinh cá biệt mà nghỉ thì nhà trường càng mừng” – thầy H.B. kể lại và nói rằng khi đó thầy thật sự rất đau lòng.

Theo thầy Phạm Đông Phương, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), khi nhà trường mong những học trò "cá biệt" nghỉ học thì đó là sự thất bại trong giáo dục.

"Học sinh dù ngang bướng, khó dạy cỡ nào nếu chúng thấy ta yêu thương dạy dỗ đàng hoàng thì các con sẽ thay đổi. Tôi cũng thường nói với đồng nghiệp, dạy dỗ thành công một trẻ hư thì xã hội bớt một người xấu” - Thầy Phương nói.

“Tôi bất lực, dù biết là sai”

Hồi giữa tháng 5/2019, hình ảnh một học sinh Trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) bị phạt quỳ trong lớp học được lan truyền trên mạng xã hội đã gây ra một cơn bão dư luận.

Cô giáo phạt học sinh quỳ là Lê Thị Q., đã có 25 năm trong nghề, bị tạm đình chỉ để tường trình và tự kiểm điểm bản thân.

Chia sẻ với báo chí khi đó, cô Q. cho biết lớp mình chủ nhiệm "có rất nhiều học sinh bướng, nghịch ngợm, hiếu động và phá phách nếu không muốn nói một số em hầu như các giáo viên vào đều khẳng định không thể dạy được”.

{keywords}
Hình ảnh học sinh bị phạt quỳ từng gây bão dư luận

Thông thường, sau khi học sinh mắc khuyết điểm, cô Q. sẽ thông báo tới gia đình và mời phụ huynh đến trường trao đổi. Ngoài động viên, nhắc nhở, cô Q. cũng áp dụng các hình phạt như quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa.

Tuy nhiên, tất cả đều không mấy hiệu quả.

“Có nhiều giờ giáo viên bộ môn cũng phản ánh không thể dạy được. Nói chuyện có, tâm sự có! Nhưng các em vẫn không nghe”.

Cô Q. đã phải mời các phụ huynh đến trường họp để nói chuyện về phương pháp giáo dục.

Cũng trong cuộc họp ấy, hình phạt quỳ được chính các phụ huynh đề xuất và cam kết để cô phạt "nếu học sinh quá hư".

Cô Q. cho hay dù rất biết việc này là "sai về chuẩn mực sư phạm", nhưng cô vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh vì “đều là người cùng địa phương” và “xuất phát từ lương tâm người thầy”.

Sau khi sự việc xảy ra rùm beng, cô Q. thừa nhận “Tôi bất lực, dù biết là sai” và “đây là bài học xương máu”.

Dù có nhiều ý kiến chia sẻ và đồng cảm với áp lực của giáo viên, song hầu hết đều cho rằng, hành động của cô Q. là 'phản giáo dục'.

Thời điểm đó, lãnh đạo phòng giáo dục ở địa phương khẳng định, hành vi này không đúng quy định của ngành giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người giáo viên.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (hãng luật Giải Phóng, TP.HCM) cho rằng vụ việc này chưa đủ để cấu thành hành vi làm nhục người khác, nhưng ở góc độ đạo đức cần phản đối các hành vi bạo hành trẻ em, kể cả về thể chất hay tinh thần.

Phương Chi – Lê Huyền 

Đề nghị kỷ luật cảnh cáo hiệu trưởng trong nghi vấn nữ sinh tự tử

Đề nghị kỷ luật cảnh cáo hiệu trưởng trong nghi vấn nữ sinh tự tử

Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã làm việc với cán bộ, giáo viên Trường THPT Vĩnh Xương, để đề xuất hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng và hiệu phó.