- Nhân buổi ra mắt một cuốn sách về giáo dục, những người tâm huyết với lĩnh vực giáo dục đã có dịp trao đổi, chia sẻ quan điểm xoay quanh phương pháp giúp trẻ thành công trong học tập.

“Việc thay đổi giáo dục cần phải triển khai từ dưới lên”

Là người luôn trăn trở với nền giáo dục còn quá nhiều bộn bề ở Việt Nam, TS. Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED đã tìm tòi và dịch cuốn sách “Học thế nào bây giờ” viết bởi Giáo sư Giordan André, ĐH Genève – Thụy Sĩ. Cuốn sách đề cập tới 43 chủ đề cụ thể, gần gũi và thiết thực trong cuộc sống như: Tớ học cách tập trung, tớ học các tạo động lực cho bản thân, tớ học cách cân bằng trong cuộc sống, tớ học ghi chép,…

Theo TS Nguyễn Khánh Trung, tất cả các cuộc cải cách giáo dục nếu có sự phối kết hợp của năm chủ thể một cách dân chủ sẽ đem lại thành công cao hơn. Năm chủ thể đó là nhà nước, nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, việc thay đổi giáo dục cần phải triển khai từ dưới lên trên. Điều đó có nghĩa là cần thay đổi từ học sinh, những bậc làm cha, làm mẹ rồi sau đó mới đến giáo viên và nhà trường.

{keywords}
Các diễn giả tại buổi tọa đàm tối 8/5. Ảnh: Thúy Nga

TS. Trung khẳng định: “Chúng ta đang quá coi trọng việc truyền đạt kiến thức một chiều mà hệ quả dẫn tới là sự thụ động. Trong khi đó việc quan trọng hàng đầu trong giáo dục là hướng dẫn phương pháp học hay cách tổ chức việc học lại bị chúng ta bỏ qua”.

“Phương pháp học là chuyện của người lớn”

Trả lời câu hỏi “Trẻ phải học như thế nào?”, TS Giáp Văn Dương (người xây dựng trường học trực tuyến GiapSchool) nhấn mạnh:

“Phương pháp học như thế nào không phải là chuyện của trẻ con mà là chuyện của người lớn. Các thầy cô giáo hiện nay luôn cho rằng phải giải được những bài toán đánh đố mới là học sinh giỏi”.

TS Giáp Văn Dương đã đưa ra dẫn chứng từ câu chuyện của chính con mình:

“Con tôi hiện nay học lớp 3 và đang trong thời gian thi học kỳ. Có hôm về, con tôi hỏi bố bài toán mà cháu không thể giải được. Đề bài yêu cầu “Tìm số đứng trước X biết rằng 19094: X = 5 (dư 4)”. Tôi không thể hiểu tại sao đề bài không phải tìm X mà lại phải tìm số đứng trước X.

Mong mỏi của tôi là khi con học hết Tiểu học, đối với môn Tiếng Việt chỉ cần đọc thông, viết thạo, thuộc dăm ba câu ca dao, tục ngữ. Đối với môn Toàn chỉ cần thành thạo 4 phép tính cộng trừ nhân chia, thêm các phép tính về phân số,… như thế là vô cùng hài lòng.

Khi về nhà, con biết đi hỏi về chào, biết cách tổ chức cuộc sống cá nhân như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, giữ gìn vệ sinh cá nhân hợp cách, sắp xếp sách vở, bàn học ngăn nắp, giữ cho phòng riêng sạch sẽ gọn gàng; biết tham gia vào việc tổ chức cuộc sống gia đình, chia sẻ với cha mẹ việc nhà. Tôi cho rằng đó đều là những mục tiêu đơn giản”.

Theo TS Dương, việc học hiện nay quá rập khuôn vô tình dập tắt tư duy sáng tạo của trẻ.

“Trước khi thi học kỳ, cô giáo giao cho con tôi bài văn viết thư cho một người bạn ở nước ngoài. Phần đầu thư, con tôi viết “Maria thân mến!”. Thế nhưng cô giáo nhất định không cho con viết vì… nhiều bạn viết rồi. Cô đã sửa lại cho con học thuộc là “Triệu Vy thân mến! Mình biết bạn qua bộ phim…” Vậy nhưng khi tôi hỏi, “Con có biết phim đó không? Con có biết Triệu Vy là ai không? Con có biết Trung Quốc ở đâu không?”, bé đều trả lời không biết.

Thực tế, bé đã từng học tập ở Anh và Singapore. Vì thế, ấn tượng của con là con người châu Âu. Anh Dương khá sốc và đã phải trao đổi với cô giáo của con rằng hãy để cháu viết theo cách cháu muốn.

Hay như trong bài viết về vệ sinh môi trường, cô giáo bắt con viết: “Sáng chủ nhật tuần trước em dậy lúc 5 giờ sáng để đi dọn vệ sinh cùng bác tổ trưởng tổ dân phố”. Bé về kể với bố rằng, nhà mình ở trong khu đô thị, làm gì có bác tổ trưởng tổ dân phố nào?”

TS. Dương cho rằng, đó là “những bài văn kinh khủng”. Thay vì rập khuôn theo mẫu, giáo viên có thể để học sinh tự do sáng tạo.

Từ câu chuyện dạy sử

Đồng tình với quan điểm của TS Giáp Văn Dương, ông Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản) cũng cho rằng dạy trẻ như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên.

Theo nhiều phụ huynh học sinh, những đứa trẻ không thích học sử vì trong sách sử ta nhất định thắng còn địch nhất định thua. Hoặc nếu thua thì cũng thua trên thế thắng và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Giáo viên dạy sử luôn bắt học sinh phải nhớ chi tiết ngày giờ diễn ra trận đánh, kết thúc trận đánh có bao nhiêu người bị thương. Thậm chí học sinh phải nhớ chi tiết đến từng dấu chấm, dấu phẩy.

Ông Vương cho rằng, trước khi dạy môn Lịch sử, giáo viên cần dạy cho học sinh hiểu lịch sử là gì? Thay vì diễn giải “lịch sử là những gì diễn ra trong quá khứ giúp ta hiểu thêm về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc…”, giáo viên có thể chuẩn bị 5,6 bức ảnh từ khi sinh ra cho đến hiện tại để giới thiệu bản thân. Những điều đó là một mảng lịch sử cuộc đời của chúng ta. Xét về phương diện cộng đồng hay quốc gia cũng như thế!”

Ông Vương khẳng định, việc dạy phương pháp học cho trẻ là điều quan trọng. Ví dụ trong môn lịch sử, thay vì những bài học truyền thống trong sách giáo khoa, giáo viên cần dạy học sinh tư duy tiếp cận với lịch sử như một nhà sử học tí hon.

Thúy Nga