"Bố mẹ thằng Thành, cũng giống như bao nhiều ông bố bà mẹ trên khắp đất nước này dành dụm nuôi cho con ăn học cũng chỉ vì mong ước lớn nhất là chúng nó có thể đi làm cái gì đó có lương".

Thỉnh thoảng tôi lại lên Ba Bể chèo thuyền.Đó là một nơi không thể tuyệt vời hơn để chơi môn thể thao này.

Hồ trên núi, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên nên nên không gian khoáng đạt và hữu tình. Ven hồ, trong địa phận của Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu có hai thôn người Tày cung cấp dịch vụ lưu trú dạng Homestay.

{keywords}

Vườn Quốc gia Ba Bể

Lần lên gần nhất, tôi ở thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, một ngôi nhà sàn xinh xắn có hàng hiên trông ra mặt hồ.

Ở thôn Bó Lù, gần như gia đình nào cũng làm dịch vụ du lịch. Họ sống ở nhà ngang, ngôi nhà chính dành cho khách lưu trú, trước nhà treo biển hiệu.

Ngôi nhà tôi ở có tên là Thuận Thơm, là tên ghép của vợ chồng chủ nhân. Anh Thuận 48 tuổi, hôm nào không say rượu thì lái đò đưa khách tham quan. Chị Thơm 46 tuổi chợ búa nấu nướng những món ăn đặc sản. Nhà có hai người con, con trai mới tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, một con gái đang học đại học ở Thái Nguyên.

Cậu con trai tên Thành, ra trường, chưa kiếm được việc làm, về giúp bố mẹ, sắm thêm một cái xuồng tôn chở khách tham quan. Thằng bé dễ chịu, nhưng ít nói, mặt cứ buồn buồn.

Tôi hỏi han thì nó than là chẳng muốn ở nhà, nhưng mà học xong rồi chưa biết kiếm việc ở đâu. Bảo nó, ở nhà làm dịch vụ du lịch cũng tốt mà, đi xin việc làm có khi chẳng bằng đâu. Nó chỉ cười buồn. Mãi đến khi tôi ngứa mồm chỉ chỏ cho nó cách phát triển một số dịch vụ để kiếm tiền dễ hơn, nó mới thốc tháo tâm sự.

Đại khái, thằng Thành bảo là bây giờ làm du lịch cũng được, khách năm sau đông hơn năm trước, cũng đủ ăn, tiết kiệm thì cũng dành dụm được chút ít. Nhưng mà nó, và cả bố mẹ nó đều muốn nó học hành, kiếm một việc gì đó ở trên tỉnh làm có lương, già yếu còn có lương hưu,như thế tương lai mới bảo đảm.

Mình bảo là ở đây mà khéo ra thì làm ăn cũng được, tích lũy được, còn hơn lương hưu chán. Nó lắc đầu, không được đâu, gặp đau ốm một trận thì chẳng còn gì, như bố nó, chưa đến 50 đã chả còn mấy sức, già yếu chẳng biết sống thế nào.

Rồi nó bảo “Một công ty mua vườn quốc gia rồi, 60%, rồi đây người dân chắc chẳng dễ làm ăn thế này được nữa, sẽ chỉ làm thuê cho khu du lịch thôi. Cháu cũng đi ra ngoài nhiều rồi, cháu biết trước sau gì thì những xóm ở trong rừng như Bó Lù nhà cháu, hay Pác Ngòi bên kia cũng sẽ bị đưa ra khỏi rừng, tái định cư đâu đó. Cháu mà không thoát ra khỏi đây, làm gì đó ngoài xã hội kia thì cả đời cứ cặm cụi như bố mẹ cháu, tương lai phập phù lắm!”.

Mình nghe nó nói cũng đúng, chỉ cố vớt vát rằng thì cuộc sống phải phát triển, ai rồi cũng sẽ có cơ hội, đừng lo nghĩ quá mà già sớm.

Nó nghe thế, nhìn mình chắc là giống mấy bác tuyên giáo trên huyện lắm, nên cười độ lượng, bảo “Bọn cháu thấy đất nước phát triển nhiều năm rồi mà. Ngày xưa chú đi cả ngày mới đến được Ba Bể từ Hà Nội, giờ chỉ mấy tiếng”.

Mình vội "Ừ, đấy cháu thấy chưa, mọi thứ đều tốt lên mà". Nó bảo “Vâng, với các chú thế là tốt lắm mà, nên mới có điều kiện đến đây chơi, làm từ thiện nữa. Nhưng mà, như nhà cháu, đủ ăn hơn, cũng có tiền hơn trước, nhưng vẫn là mấy người dân tộc nghèo. Xóm nhà cháu năm nào cũng có mấy đoàn từ thiện đến cho quà. Thời bố mẹ cháu chẳng cần từ thiện, cháu cũng chẳng mong con cháu sau này ngồi chờ từ thiện đâu”.

Thằng Thành nói thế, tôi cũng chẳng biết nói gì hơn. Cuộc sống của con người ta, tương lai của con người ta, đâu có thể trông vào lòng từ thiện.

Bố mẹ thằng Thành, cũng giống như bao nhiều ông bố bà mẹ trên khắp đất nước này dành dụm nuôi cho con ăn học cũng chỉ vì mong ước lớn nhất là chúng nó có thể đi làm cái gì đó có lương. Đồng lương ấy, có thể chẳng bằng thu nhập từ dịch vụ du lịch hiện nay. Song, họ nhìn thấy sự bấp bênh khi sống dựa vào nguồn tài nguyên du lịch mà không biết lúc nào sẽ mất đi vì lý do phát triển, khi một ông chủ nào đó giành được quyền khai thác, hoặc, ở đâu đó trên thượng nguồn sông Năng, người ta làm thủy điện.

Đám thanh niên nông thôn như thằng Thành không có nhiều lựa chọn ngoài đi học để ly hương. Gia đình chúng không có đủ niềm tin vào sự bền vững của tài nguyên, vào sự ổn định của chính sách phát triển, để yên tâm làm giàu trên đất quê mình.

Ly nông, không ly hương, đó là mong muốn của bất cứ người nông dân nào trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Nhưng, những đứa trẻ làng lớn lên vẫn cứ rời làng để vạ vật phố phường, để chôn vùi tuổi trẻ trong những công xưởng với đồng lương bán máu. Không phải bởi vì đất đai quê hương không thể nuôi nổi chúng, mà vì chúng không thể biết rằng chính mảnh đất quê hương chúng, rồi sẽ biến đổi như thế nào.

  • Phạm Trung Tuyến