Người hào hứng, người phân vân

Mặc dù chưa biết chính xác về loại vắc xin sẽ được sử dụng, nhưng một số phụ huynh lo lắng vắc xin công nghệ mRNA có thể can thiệp tới gen của người tiêm, đặc biệt với trẻ nhỏ. Điều này khiến họ đắn đo trước việc có nên cho con đi tiêm hay không.

Anh Nguyễn Văn Long (quận Tân Bình, TP.HCM) là một trong số đó.

Anh Long cho biết gia đình may mắn khi không có ai mắc Covid-19 trong đợt bùng phát dịch vừa qua.

“Chúng tôi tuân thủ 5K, hàng ngày vệ sinh mũi họng thường xuyên, uống thêm các loại vitamin để nâng sức đề kháng. Tôi nghiêm khắc yêu cầu hai con mỗi ngày dành ít nhất 30 phút để thực hiện các bài thể dục.

Quan điểm của tôi là trẻ con có sức đề kháng và mình có thể tăng cường cho các con bằng vận động, ăn uống, bổ sung vi chất. Hai con tôi cũng rất ít ốm vặt. Vì vậy, nếu việc tiêm vắc xin được thực hiện trên tinh thần tự nguyện thì tôi sẽ tự nguyện chưa cho con tham gia ngay đợt đầu này mà chờ một thời gian nữa, khi các kết quả nghiên cứu thực tế về vắc xin dành cho trẻ rõ ràng hơn và các loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới chấp nhận”.

{keywords}
Lần gần nhất học sinh TP.HCM được tới trường là khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra hồi đầu tháng 7. Ảnh: Thanh Tùng

Chị Thu Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) thì bày tỏ sự lo lắng khi e ngại rằng sẽ có thể xảy ra những phản ứng phụ lâu dài khi học sinh đang ở độ tuổi dậy thì mà tiêm vắc xin chưa được thử nghiệm đầy đủ theo quy trình truyền thống. 

"Do đó, tôi nghĩ rằng sẽ chưa cho con tiêm trong đợt đầu tiên này. Nếu nhà trường không đồng ý cho con đi học lại thì con tiếp tục học online cũng được" - chị Lan chia sẻ quyết định của mình.

Khác với anh Long, chị Lan, anh Trần Xuân Sơn (Quận 10, TP.HCM) lại cho biết mình rất trông đợi đến ngày cậu con trai năm nay học lớp 10 được đi tiêm phòng.

Anh Sơn cho biết suốt năm ngoái đến giờ, con anh hầu như chỉ loanh quanh trong nhà.

“Từ năm ngoái, con học chuẩn bị thi lên lớp 10 nên hầu như chỉ ở trường hay tới các lớp học thêm, sau này thì ngồi ôm máy tính học online. Cháu rất ít cơ hội giao tiếp hay đi ra ngoài vì vợ chồng tôi cũng rất lo chẳng may dính Covid.

Vì vậy, tôi rất trông đợi việc tiêm ngừa được thực hiện cho trẻ, để các con được trở lại trường lớp, trở lại với cuộc sống bình thường”.

Chị Lê Thị Ánh Vân (Quận 3, TP.HCM) thì tỏ ra không quá lo lắng về mức độ an toàn của vắc xin.

“Tôi cho rằng ngành y tế đã có những cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định sử dụng loại vắc xin nào cho trẻ. Nhiều nước láng giềng cũng đã thực hiện tiêm phòng để trẻ trở lại trường.

Với tôi, hiện nay điều đáng lo hơn cả là sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của các con khi phải học online trong thời gian dài chứ không phải là những đồn đoán suy diễn về hậu quả này khác của vắc xin”.

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu (quận Ba Đình, Hà Nội) có con học lớp 7 và lớp 5 cho biết anh rất mong trước hết là bé lớp 7 được tiêm vắc xin để được đến trường.

"Các con không thể mãi quanh quẩn trong nhà. Vì vậy, nếu được tiêm phòng con sẽ tự tin ra ngoài hơn, vì dù vẫn còn vài chục phần trăm xác suất mắc bệnh nhưng  cũng hạn chế được bệnh trở nặng nếu mắc phải" - anh Hiếu nói.

Tuy nhiên, câu hỏi mà tất cả phụ huynh quan tâm lúc này là loại vắc xin nào sẽ được đưa vào tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi?

Những suy tư của người quản lý

Không chỉ phụ huynh, hiệu trưởng các trường THPT - nơi sẽ có những học sinh ở lứa tuổi 16-17 tiêm vắc xin đợt đầu tiên dành cho trẻ cũng có những quan điểm về việc này.

"Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn việc tổ chức cho trẻ tiêm tại trường. Ở trường học thoáng mát, rộng rãi, đảm bảo trật tự và các yêu cầu về giãn cách khi học sinh đi tiêm. Hơn nữa, nhà trường sẽ nắm được số lượng học sinh đã tiêm và không tiêm" - ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) chia sẻ quan điểm. 

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, khoảng đầu tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn cho học sinh trở lại trường và hướng dẫn xây dựng môi trường học tập an toàn trong tình hình mới.

Trước câu hỏi trong trường hợp một số gia đình không muốn tiêm vắc xin cho con em thì các học sinh đó có được đến trường hay không, bà Minh cho hay: "Chủ trương của Chính phủ là sẽ tiêm hết cho tất cả trẻ từ 12-17 tuổi để các em đến trường an toàn. Bởi khi việc lây nhiễm xảy ra sẽ rất phức tạp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm và xin ý kiến của Chính phủ cùng đại diện Bộ Y tế về các trường hợp các gia đình không muốn cho con em tiêm thì có đi học trở lại cùng lúc".

Theo ông Phú, việc tiêm hay không là do quyết định của học sinh và phụ huynh, tuy nhiên dù lựa chọn như thế nào thì quyền được đến trường học tập khi nhà trường mở cửa trở lại giữa các học sinh phải được đảm bảo như nhau.

"Những học sinh đã tiêm chủng cũng sẽ là "rào cản" virus cho học sinh chưa tiêm, các em cùng có quyền được đi học khi trường mở lại. Còn tỉ lệ bao nhiêu phần trăm học sinh đã tiêm phòng mới mở cửa trường là do bên y tế quyết định" - ông Phú nói và cho biết cũng không nên đặt vấn đề những học sinh chưa tiêm phòng thì ở nhà học online vì như vậy là có sự phân biệt.

Có quan điểm hơi khác với ông Huỳnh Thanh Phú, một hiệu trưởng trường THPT ở quận Bình Thạnh cho biết học sinh tiêm ở đâu cũng được, miễn là thuận tiện cho các em và gia đình. Tuy nhiên, các phụ huynh và giáo viên cũng cần chuẩn bị tâm lý trước việc sẽ vẫn có những học sinh chưa tiêm phòng tham gia lớp học.

"Phụ huynh và giáo viên và ngay cả học sinh cũng cần được đả thông tư tưởng để tránh tình trạng kỳ thị với những em vì lý do nào đó mà chưa tiêm vắc xin" - vị hiệu trưởng này lưu ý.  

Tại TP.HCM, Sở Y tế đang gấp rút hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi để trình UBND TP phê duyệt. Dự kiến từ 22/10, việc tiêm chủng này sẽ được tiến hành. Số trẻ 12-17 tuổi tính đến tháng 6/2021 là khoảng 780.000 người.

Các nước tiêm chủng cho trẻ em ra sao?

Ngày 13/9, Cuba thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 do mình tự sản xuất cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, mặc dù các loại vắc-xin nội địa chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.

Chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi được Chính phủ Slovakia cho phép triển khai từ ngày 9/9, hoàn toàn tự nguyện.

Mỗi em nhỏ trong độ tuổi theo chương trình này sẽ được tiêm 1/3 liều vắc xin của Pfizer/BioNTech và bác sỹ riêng của các em sẽ giám sát liều lượng này.

{keywords}
Y tá đeo băng đô gắn tai chuột Mickey cho phụ huynh xem lọ vắc xin Covid-19 sẽ chích cho con của họ tại một điểm tiêm chủng ở Cuba - Ảnh: CNN

Trong thông báo ngày 15/9, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết số giáo viên và học sinh trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 trong hệ thống giáo dục nước này đạt 95% và học sinh từ 12-17 tuổi đạt 91%.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc việc tiêm chủng cho giáo viên và học sinh đủ điều kiện phải làm tốt trên cơ sở “tuân thủ pháp luật, được thông báo, đồng ý và tự nguyện”.

Còn tại các quốc gia Đông Nam Á, Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ đồng ý để các trường học tại khu vực “vùng đỏ”, bao gồm 29 tỉnh thành của nước này, mở cửa trở lại khi có ít nhất 85% học sinh và giáo viên được tiêm phòng Covid-19.

Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa cho học sinh từ 12-17 tuổi bằng vắc xin Pfizer từ ngày 3/10, ưu tiên các vùng dịch đỏ đậm. Tính đến ngày 6/10, chiến dịch đã tiêm được 40.000 liều Pfizer cho học sinh ở 15 tỉnh. Có khoảng 80% học sinh trên toàn quốc đăng ký tiêm ngừa Covid-19.

Theo kế hoạch, các nữ sinh sẽ được tiêm 2 liều vắc xin cách nhau ít nhất 4 tuần. Các cơ quan chức năng vẫn đang cân nhắc việc tiêm liều thứ 2 cho nam sinh do một số báo cáo cho thấy nguy cơ xảy ra tác dụng phụ ở các nam sinh cao hơn các nữ sinh.

Còn Singapore thì dự kiến sẽ tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022, sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về tính an toàn và hiệu quả.

Ngày 14/10, Bộ Y tế đã có công văn 8688/BYT-DP gửi cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết sẽ mở rộng đối tượng tiêm chủng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Loại vắc xin sử dụng là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản cho mỗi trường hợp và tiêm cùng loại vắc xin.

Phương Chi

Bộ GD-ĐT sắp có hướng dẫn cho học sinh trở lại trường

Bộ GD-ĐT sắp có hướng dẫn cho học sinh trở lại trường

Bộ GD-ĐT sắp sửa ban hành hướng dẫn cho học sinh trở lại trường và hướng dẫn xây dựng môi trường học tập an toàn trong tình hình mới.