{keywords}
Tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên trong 100.000 người tại 13 quốc gia năm 2016 (Nguồn WHO).

Theo bảng xếp hạng 13 quốc gia châu Á có tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên cao nhất năm 2016 của WHO, Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu, còn Việt Nam chốt danh sách.

Tại Ấn Độ, cứ 100.000 người thì có 11,2 người Ấn Độ tự tìm đến cái chết. Trong đó, tỷ lệ nữ giới cao khoảng gấp 2 lần so với nam giới. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho rằng, có khá nhiều lý do khiến người Ấn Độ có suy nghĩ tiêu cực như vậy.

{keywords}
Một cuộc biểu tình cho quyền của phụ nữ ở Kashmir, Ấn Độ (Ảnh: Getty).

Bác sĩ tâm thần Gagan Hans cho biết: “Ấn Độ có khá nhiều thanh thiếu niên, nhưng lại thiếu cơ hội việc làm. Các yếu tố nghèo đói, căng thẳng học tập và bạo lực gia đình đối với nữ giới”.

Bangladesh và Thái Lan cũng có tỷ lệ tự tử ở tuổi vị thành niên cao trong năm 2016, lần lượt là 6,2 và 5,6 trường hợp trong 100.000 người.

Một số nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng xếp hạng cao trong danh sách.

Tại Singapore, nhà tâm lý học Carol Balhetchet cho biết, hằng năm, có rất nhiều bệnh nhân ở tuổi thanh thiếu niên đến văn phòng của bà. Nhiều người trong số họ có biểu hiện trầm cảm, chán ăn, thậm chí có những người đã cố gắng tự tử trước khi xin ý kiến của bác sĩ.

Với hơn 20 năm trong nghề, Balhetchet cho rằng, hầu hết các trường hợp bắt đầu từ áp lực, căng thẳng, và điều này đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Có thể là căng thẳng vì học tập, thành tích, công việc hay thậm chí là việc chọn trường đại học. Đồng thời, khi cha mẹ bị áp lực ngoài xã hội, về nhà họ cũng có thể sẽ “đè” áp lực ấy lên đầu con cái, những người mà họ đặt nhiều hi vọng”, bà Balhetchet nói.

Theo cơ quan phòng chống tự tử Samaritans của Singapore, năm 2018, có tới 397 người đã tự tìm đến cái chết. Trong đó, các bé trai trong độ tuổi 10-19 tăng lên tới con số 19 (năm 2017 là 7 trường hợp), cao nhất kể từ năm 1991.

Tại Nhật Bản, tình trạng này cũng ở mức đáng báo động. Trong năm 2018, có 599 người Nhật dưới 19 tuổi đã tự tử, (năm 2017 là 567 người), cứ 100.000 thì có 5,3 người chết vì tự tử, cao nhất trong 40 năm gần đây.

{keywords}
Áp lực trường học là lý do phổ biến nhất dẫn đến tự tử ở tuổi vị thành niên tại Nhật Bản năm 2018. (Ảnh: Kei Higuchi)

Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam là 3 quốc gia đứng cuối danh sách. Tại Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử trong năm 2016 là 1,8/100.000 người.

Không có sự lý giải cụ thể, nhưng các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ sinh giảm, các gia đình ít con hơn, khiến cho những đứa trẻ phải gánh trách nhiệm thành công, gây áp lực tâm lý nặng nề. Đồng thời, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ dẫn đến sự việc khó đối phó hơn.

Tại Malaysia, năm 2019, một thiếu nữ 16 tuổi đã tự sát sau khi đăng một cuộc thăm dò trên tài khoản Instagram để hỏi những người theo dõi liệu cô nên sống hay chết. Đa số người được hỏi đã bình luận rằng cô nên chết.

Befrienders, một tổ chức phi lợi nhuận ở Malaysia, chuyên hỗ trợ miễn phí cho người gặp nạn cho rằng, có mối liên quan trực tiếp giữa tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên với sự gia tăng của truyền thông điện tử và phương tiện kỹ thuật. Mặc dù công nghệ giúp giao tiếp dễ dàng hơn nhưng nó cũng làm tăng sự cô lập xã hội, những người trẻ có xu hướng giao tiếp ảo bằng thiết bị công nghệ, thay vì trò chuyện trực tiếp.

WHO đã nhấn mạnh trong báo cáo gần đây: “Các vụ tự tử có thể phòng ngừa, nhưng để ngăn chặn được hành động này không phải là điều dễ dàng. Một số biện pháp can thiệp như, cung cấp điều kiện tốt nhất để nuôi dạy trẻ, đặt trách nhiệm đối với giới truyền thông và kiểm soát môi trường sống, đề phòng các yếu tố rủi ro”.

{keywords}
Singapore đã bắt đầu cải cách hệ thống giáo dục khốc liệt nổi tiếng của mình để giảm bớt áp lực cho học sinh nhỏ tuổi (Ảnh: Reuters)..

Các nhà hoạch định chính sách châu Á đang vô cùng quan tâm vấn đề này. Họ tìm kiếm sự thay đổi phù hợp đối với hệ thống giáo dục và quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.

Khánh Hòa (Theo Nikkei)

8 gợi ý giúp cha mẹ tạo động lực học cho trẻ

8 gợi ý giúp cha mẹ tạo động lực học cho trẻ

 Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em cảm thấy mệt mỏi, áp lực trong học tập. Phụ huynh vô cùng lo lắng nhưng không biết làm cách nào để cải thiện tình hình. Dưới đây là 8 điều đáng để các cha mẹ suy ngẫm.