Ngay sau khi đăng quang, Hoa hậu Việt Nam 2020 khiến mạng xã hội 'nổi sóng' khi phát hiện cô từng có những bình luận bị nhiều người cho là thô tục trên mạng.
Các ảnh chụp màn hình bình luận trên Facebook cá nhân của tân Hoa hậu được lan truyền với tốc độ chóng mặt, kéo theo các bình luận đa chiều.
Vài năm trước đó cũng đã xảy ra một câu chuyện tương tự: dù đã nhanh tay đóng trang cá nhân sau khi đăng quang nhưng một số status "không đúng chuẩn" của cô Hoa hậu năm đó - cũng là sinh viên một trường đại học tên tuổi - vẫn bị cư dân mạng chụp lại và truyền tay nhau. Đáng chú ý, có những phát ngôn không đúng về giáo viên dạy mình.
Trong cả 2 sự việc, bên cạnh luồng ý kiến phản ứng gay gắt, không ít người lại bày tỏ sự cảm thông và cho rằng đây là ngôn ngữ “không chính thức” của giới trẻ...
Việc sử dụng ngôn ngữ được cho là "lệch chuẩn" của giới trẻ có bình thường không?
Không thể bình thản khi giới trẻ, hoa hậu, người nổi tiếng... phát ngôn "lệch chuẩn"
PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, nói rằng nhiều khi không thể hình dung được tại sao bây giờ giới trẻ lại nói tục nhiều như thế. Đa phần các em lớn lên trong môi trường gia đình có văn hóa, nhà trường tốt mà lại nói bậy đến thế...
Vậy tại sao nhà trường không dạy học sinh nói bậy, bố mẹ không khuyến khích con nói bậy, nhưng trẻ nói tục chửi bậy ngày càng nhiều?
Với câu hỏi này, PGS Tình nhận định vấn đề đặt ra là cần phải xem xét người đó phát ngôn bậy ở góc cạnh nào.
“Vừa qua là Hoa hậu Đỗ Thị Hà và trước đây là một hoa hậu khác bị “khui” phát ngôn cũ ra, khi các cô còn là những cô bé học sinh, sinh viên chưa nổi tiếng. Các cô, cũng như nhiều bạn trẻ bây giờ, có thể là do công nghệ làm lan tỏa hành vi. “Cả làng” nói thế sao mình lại không? Hiền quá sẽ… hóa ngu nên mình cũng phải nói… Những suy nghĩ như vậy tạo ra hiệu ứng không hay và xu hướng này đang thắng thế, ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ của giới trẻ. Công nghệ cho phép làm việc này thoải mái hơn, tùy hứng hơn mà không bị bắt lỗi nghiêm trọng như xưa. Tính trách nhiệm cũng khác”.
Người lớn cần quan tâm giáo dục trẻ biết nói lời hay, chuẩn mực từ khi còn bé, lúc còn học ở trường, khi tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh minh họa: Thanh Tùng |
Thậm chí, theo PGS Tình, một xu hướng đáng tiếc hơn nữa là giới trẻ viết bậy ngày càng nhiều.
“Viết cũng là một hành vi liên quan đến tư cách, thậm chí bị đánh giá khắt khe hơn cả nói vì dù sao “lời nói gió bay”, còn khi viết dù ở bất kỳ hình thức nào cũng có sự lưu vết. Viết chính là thể hiện thái độ đưa phát ngôn, sản phẩm tư duy của mình ra bên ngoài.
Những khảo sát gần đây cho thấy học trò bây giờ tự tin hơn, hiểu biết hơn học trò ngày xưa rất nhiều. Nhưng rõ ràng là sự tự tin đã bị đẩy đến mức thái quá từ ăn mặc đến nói năng, vượt qua chuẩn mực.
Đồng quan điểm với PGS Tình, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - nhận xét có những Facebook cá nhân mà đọc xong ông thấy thấy nóng mặt vì nói tục chửi bậy quá nhiều.
“Mỗi một bài viết của mỗi cá nhân trên các trang mạng xã hội thể hiện phong cách, cá tính của từng người. Trong các nhân tố ngoài ngôn ngữ, có thể nói, sự phát triển của khoa học công nghệ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới ngôn ngữ giới trẻ. Với những gì đang lan tỏa trên mạng xã hội thì nhiều khi, hiền quá bị xem là… quê. Vì vậy, nên các em, và kể cả người lớn, có lúc nói tục để thể hiện cá tính, sự độc lập, bản lĩnh của mình. Về mặt tâm lý, đây còn là một cách xả stress”.
Khi hiểu được nguyên nhân sâu xa của vấn đề, thì theo GS Hiệp, chúng ta không thể bình thản trước hiện tượng sử dụng ngôn ngữ "lệch chuẩn" và nói tục, chửi thề của giới trẻ.
“Chúng ta phải nghiêm túc trong việc này. Đặc biệt là đối với những người được coi là hình mẫu, có khả năng lan toả, ảnh hưởng, truyền cảm hứng trong giới trẻ như hoa hậu, người nổi tiếng...".
Nói bậy khi trẻ, bất lợi lúc trưởng thành
“Nói bậy, viết bậy khi còn trẻ nhiều khả năng sẽ gây ra những điều không hay sau này, khi các em đã trưởng thành” – PGS Phạm Văn Tình nhìn nhận.
Theo PGS Tình, không thể cho rằng nói bậy vì hồn nhiên hay để vui vẻ mà thực sự việc này còn thể hiện văn hoá của mỗi người. Không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới đều có sự thống nhất rằng hành vi, lời nói, cử chỉ trong quá khứ vẫn là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm chất tư cách của một người.
“Vì vậy, dù chỉ một đoạn clip quay lại bạn nói bậy trong lúc vui vẻ hay những trao đổi ngắn trên mạng xã hội vẫn có thể gây ra sự phản cảm, đánh giá bất lợi về tư cách con người nếu sau này bị lục lại”.
Đưa ra dẫn chứng là một số bạn trẻ dù có thành tích tốt được xã hội ghi nhận nhưng ngay lập tức phải nhận những đánh giá “đảo chiều” khi những lời ăn tiếng nói không hay trước đây được đưa ra, PGS Tình cho rằng sự thận trọng mọi nơi, mọi lúc không thừa.
“Nếu hành vi nói tục chửi bậy cứ lặp đi lặp lại sẽ là vết đen, làm cho những "mảng màu" của các em tối đi một chút”.
GS Nguyễn Văn Hiệp thì cho rằng cần phải có những khuyến cáo đối với giới trẻ về việc nói bậy sẽ gây ra những cản trở nhất định đối với tương lai nghề nghiệp sau này, thậm chí trong cả việc dạy dỗ con cái khi các em đã lập gia đình.
“Ngôn ngữ còn thể hiện văn hoá của mỗi người, nên lời ăn tiếng nói cần được coi trọng. Bố mẹ nói bậy chắc chắn ảnh hưởng đến con cái. Trong một gia đình khi những người lớn xung quanh nói bậy, chắc chắn rằng con trẻ sẽ học theo”.
Phải chung tay giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt
Các chuyên gia ngôn ngữ đều đồng tình cho rằng với mạng xã hội - một loại nhật kí trực tuyến dành cho đông đảo mọi người cùng tham gia, bình luận - thì việc sử dụng chữ viết, sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng mực, đúng quy tắc lại là “một vấn đề rất cần phải cân nhắc” bởi tính lan tỏa nhanh chóng và sâu rộng của nó.
Những hành vi tiêu cực trong ngôn ngữ, trong đó có nói bậy, còn truyền lan, tồn tại trong ngôn ngữ nói hàng ngày, ngôn ngữ chat và ngôn ngữ nhắn tin.
Trước thực trạng trên, vấn đề “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, vì cuộc chiến để giữ gìn sự trong sáng đó không còn giới hạn trong thế giới mạng.
Theo GS Nguyễn Văn Hiệp, việc định hướng cho giới trẻ phải viết ra sao, nói ra sao là rất khó, thậm chí không thể làm được. Vì vậy, điều cần thiết hiện nay là làm sao cố gắng đạt được chuẩn mực hóa tiếng Việt dùng trong phạm vi giao tiếp chính thức, trước hết là trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các văn bản hành chính… Có như vậy, mọi người sẽ có ý thức hơn khi sử dụng chữ viết, ngôn ngữ trong phạm vi giao tiếp.
Các cơ quan chức năng, cơ quan ngôn luận, tổ chức giáo dục và toàn xã hội cần phải chung tay vào công việc này.
PGS Phạm Văn Tình cũng thẳng thắn nhìn nhận hiện nay, gia đình và nhà trường khó quản lý các bạn trẻ trong việc nói bậy dù đây là những môi trường có tác động rất lớn với các em. Vì vậy, ông cho rằng việc chỉnh đốn lại ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ phải đi từ nền tảng: Mỗi gia đình, nhà trường có định hướng giáo dục bài bản và hệ thống từ khi trẻ còn nhỏ.
“Giống như chúng ta chăm một cái cây. Dù gặp sâu bệnh hay thiên tai, cho dù rụng lá hay sâu cành, nhưng nếu có nội lực mạnh thì kết quả cuối cùng là cây sẽ vẫn phát triển tốt chứ không tàn lụi” – PGS Tình khẳng định.
Ngân Anh
Vì sao học sinh nói tục, chửi thề không ngượng miệng?
Theo nguyên lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, có 5 nguyên nhân khiến trẻ nói tục, chửi thề không biết ngượng mồm. Thậm chí, có em coi việc nói tục, chửi thề là “model” của thời đại hiện nay, thể hiện bản lĩnh cá nhân của mình.