Trở thành thủ khoa đầu ra, Nguyễn Hải Vân (cựu sinh viên Trường ĐH Y tế công cộng) cho rằng “Việc trượt đại học 2 lần từng khiến em cảm thấy rất tiếc nuối và tự trách bản thân. Nhưng sau cùng, em nhận ra rằng hướng đi nào rồi cũng tới cái đích mà ta kỳ vọng”.

Bỏ dở Sư phạm trước sự phản đối của gia đình

Vân sinh ra ở Hà Nội, trong gia đình có mẹ làm ngành Y. Vì vậy, hơn ai hết, mẹ Vân hiểu nỗi vất vả mà những người trong ngành sẽ phải trải qua. Biết con gái muốn thi vào Trường ĐH Y Hà Nội, mẹ Vân ra sức phản đối.

{keywords}

Nguyễn Hải Vân, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Y tế Công cộng năm 2020.

Năm 2015, Vân thi vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội nhưng không đỗ. Trước sự quyết liệt của gia đình, Vân đành đăng ký vào ngành Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội theo mong muốn của bố mẹ.

“Giai đoạn đó em hoàn toàn sụp đổ. Bố mẹ có quan điểm trái chiều, khắt khe trong việc học nên em thấy áp lực và thất vọng. Lúc đó, em chỉ nghĩ mình sẽ thi lại”, Vân nói.

Một năm đó, Vân tiếp tục nuôi ý định sẽ phải thi lại đại học. Song song với việc học tại trường Sư phạm, Vân vẫn tự mình ôn thi vào trường Y.

Năm 2016, nữ sinh đăng ký lại vào ngành Y đa khoa. Tuy nhiên với số điểm đạt được, Vân vẫn trượt.

“Lần này, em quyết định dừng lại vì thấy mục tiêu vào Y đa khoa có lẽ quá sức với mình. Vì thế, em đã lựa chọn vào một ngôi trường Y khác với mong muốn được thỏa mãn đam mê”.

Trường ĐH Y tế Công cộng trở thành nơi học tập trong 4 năm tiếp theo của Vân, mà sau này theo cô, “2 lần trượt đại học đã đưa đẩy em vào trường như một cơ duyên”.

{keywords}

Hải Vân trong lễ tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc trên địa bàn Hà Nội

2 năm đầu, Vân vẫn cảm thấy thích thú với ngành học của mình. 

Nhưng đến cuối năm thứ 2, Vân bắt đầu hoang mang với hướng đi này. Rồi cô bắt đầu tham gia vào các buổi hội thảo về tâm lý. Tình cờ, Vân gặp một giảng viên là chuyên gia Tâm lý học lâm sàng. Sở thích tìm hiểu về tâm lý con người lúc thuở nhỏ lại trỗi dậy.

“Ngày bé, em luôn thích tìm hiểu về tâm tư của mọi người và mong muốn được giúp họ giải tỏa tâm lý. Nhưng khi ấy, em chưa thể gọi tên được ngành nghề. Lên đại học, khi được tiếp xúc với môn Tâm lý, em bắt đầu mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn”.

Định hướng tương lai dần rõ ràng hơn với cô gái 23 tuổi.

Nghiên cứu về các nữ lao động tình dục

Trong 2 năm cuối đại học, Hải Vân bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực tâm lý. Trong đó, cô tập trung vào hai đối tượng là những nữ lao động tình dục và cộng đồng người LGBT. Với mỗi đề tài, cô dành khoảng một năm để nghiên cứu.

Về đề tài hướng tới những người trong cộng đồng LGBT, Vân không gặp nhiều khó khăn để tiếp cận do cô đang là thành viên trong nhóm NextGen, một tổ chức hoạt động vì quyền của người LGBT.

Còn đối với đề tài về các nữ lao động tình dục, Vân đã gặp khó khăn ngay từ khâu tiếp cận.

Đây là một nghiên cứu do tổ chức UNESCO tài trợ. Mục tiêu của nhóm là tìm hiểu tâm tư những nữ lao động tình dục, về lý do họ đi theo con đường này và cả những nỗi lo lắng, sợ hãi.

Tuy nhiên, tiếp cận nhân vật không dễ dàng. Bên cạnh việc thuyết phục họ tham gia những cuộc phỏng vấn trực tiếp, Vân cũng đi tham khảo một số nơi làm việc của những nữ lao động này nhằm mục đích nghiên cứu.

“Có hôm, em phải đi bộ vòng quanh một dãy phố ở ngoại thành, nơi các nữ lao động tình dục làm việc để xem phản ứng của họ ra sao, phương thức mời khách như thế nào hay dấu hiệu của khách khi đến mua dâm”.

Nhờ vào sự hỗ trợ kết nối với những người trong mạng lưới nữ lao động tình dục tại Hà Nội, Vân đã có cơ hội phỏng vấn những nữ lao động này về cuộc sống và công việc.

“Khi đã cảm thấy tin tưởng, họ đều nhận lời và chia sẻ cởi mở. Dường như, họ rất hiếm có cơ hội để được chia sẻ với người khác, bởi không có ai lắng nghe và họ cũng thấy mình không có tiếng nói”.

Tiếp cận với những đối tượng thuộc nhóm yếu thế đã giúp Vân cảm nhận bản thân dần trưởng thành và vững tin hơn vào con đường mình lựa chọn.

{keywords}

Vân trong buổi chia sẻ kết quả nghiên cứu về giới LGBT.

Trong khi bạn bè cùng lớp đã tốt nghiệp và đang tham gia vào các dự án về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Vân lại lựa chọn tiếp tục học lên bậc thạc sĩ ngành Tâm lý học lâm sàng theo hướng thực hành của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Từng có lúc cảm thấy như vô định, cũng từng nuối tiếc khi 2 lần đều không thể vào được ngôi trường mình mơ, nhưng cũng nhờ vậy, đã có nhiều cơ hội khác mở ra cho Vân.

“Nếu không trượt đại học hai lần, em sẽ không hiểu rằng, nếu theo Y mà chỉ học làng nhàng, khi ra hành nghề sẽ thật tai hại. Cũng nhờ vậy, em đã nhận ra được đam mê của mình và chắc chắn về nó. Từ một đứa trẻ chỉ biết làm mọi thứ để bố mẹ vui lòng, giờ đây em đã biết đấu tranh cho những gì mình mong muốn”, Vân nói.

Việc đạt danh hiệu thủ khoa là điều rất nhiều người mơ ước, nhưng với Vân không phải là đích đến của bản thân. “Đây mới chỉ là điểm bắt đầu. Mọi thứ phía trước em vẫn đang phải từng bước tìm hiểu và khám phá”.

Thúy Nga

Những cú trượt và hành trình 'làm lại từ đầu' của thủ khoa kép ĐH Giao thông

Những cú trượt và hành trình 'làm lại từ đầu' của thủ khoa kép ĐH Giao thông

Vượt qua cú trượt dài những năm cấp 2 khi luôn là học sinh 'đội sổ', Bảo Lâm tiếp tục gặp phải nỗi ám ảnh khi trở thành thủ khoa đầu vào với mác 'con nhà nòi' ở ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội...