Hiện nay, giáo viên đang được điều chỉnh bởi Luật Viên chức. Tuy nhiên, Luật Viên chức quá rộng trong khi nhà giáo lại có vị thế, trách nhiệm riêng. Do đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn sớm có Luật Nhà giáo để điều chỉnh riêng cho đối tượng giáo viên.

Đó là ý kiến của ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhân cuộc trao đổi với VietNamNet về một hội thảo giáo dục sẽ tổ chức ngày 22/9 tới.

Ông Bình cho rằng, việc có Luật Nhà giáo, quy định quy định rõ vị trí, chế độ đãi ngộ của giáo viên nói chung, kể cả công lẫn tư sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách đối với giáo viên, nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc hiện nay.

{keywords}
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội. Ảnh: Lê Văn.

"Ủy ban cũng đã trao đổi với Bộ GD-ĐT về việc này còn quá trình trình kiến nghị như thế nào thì là do Bộ GD-ĐT và Chính phủ thực hiện" - ông Bình nói.

Trước đó, sáng ngày 20/7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo lần thứ nhất, báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 – 2016”.

Dự thảo báo cáo đưa ra nhiều đề xuất, trong đó cần sớm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vị thế nhà giáo và đặc điểm nghề giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, dự thảo của Ủy ban cũng kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức phù hợp với chủ trương quản lý viên chức trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó cần chú ý tới tính đặc thù của viên chức ngành giáo dục.

Nhiều đại biểu quốc hội cũng kiến nghị sớm đưa Luật nhà giáo lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho biết tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Luật nhà giáo được đặt ra từ chỉ thị 40 của Ban bí thư vào năm 2004, Nghị quyết của Quốc hội năm 2008 cũng đề cập đến. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nhà giáo cũng là viên chức mà đã có Luật viên chức rồi nên Luật Nhà giáo bị rút khỏi chương trình.

Trong khi đó, thời gian qua có gần 200 văn bản quy định và điều chỉnh chính sách đối với nhà giáo, dẫn đến những bất cập chồng chéo và quy định hiện hành không thể giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Theo bà Minh, nhà giáo là nghề đặc thù, không phải công chức, viên chức mà là nhà giáo vì thế danh dự và chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, đãi ngộ phải có luật điều chỉnh. Việc có Luật nhà giáo cũng giúp đảm bảo môi trường làm việc dân chủ, bình đẳng cả trong các cơ sở giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng đồng tình với đề nghị đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2018, để đáp ứng kịp thời những thay đổi của ngành giáo dục.

Hiện tại, việc sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2018.

Bộ Giáo dục lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo

Từ tháng 9/2016, Bộ GD-ĐT đã ban hành ban hành Kế hoạch Lập đề nghị xây dựng Luật nhà giáo. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2016 đến 31/12/2016.

Theo đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Cục NGCB) chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ này tiến hành xây dựng Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan đến đề nghị xây dựng Luật nhà giáo; xây dựng dự thảo đề cương Luật nhà giáo.

Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật nhà giáo; xây dựng dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; hoàn thiện hồ sơ gửi sang Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét, thông qua. Sau khi có Nghị quyết thông qua của Chính phủ, phải chỉnh lý, hoàn thiện lại hồ sơ gửi sang Bộ Tư pháp trước ngày 31/12/2016.

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục NGCB và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tiến hành nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thông tin tư liệu về Luật Nhà giáo và điều ước quốc tế liên quan đến nhà giáo trong Luật giáo dục của một số nước trên thế giới; đánh giá tác động của chính sách; Phối hợp với Cục NGCB thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của các hoạt động trong Kế hoạch.

Lê Văn