Hai luồng dư luận trái chiều

Ủng hộ cái lí của những người ủng hộ là: Thi để giáo viên có động lực. Không thi đồng nghĩa hết phấn đấu. Thi để tìm người tài. Không thi vàng thau lẫn lộn. Thi để phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Không thi sẽ ngàn năm thương hoài phương pháp ông đồ xưa. Thi để nâng cao tay nghề. Không thi tay nghề giáo viên nguy cơ rỉ sét...Cũng thật chí lí.

Phản đối, vì: Thi chỉ để diễn. Diễn đúng qui trình. Cá nhân diễn, tổ chuyên môn chọn diễn cấp trường. Trường chọn diễn cấp quận, huyện. Phòng chọn diễn cấp tỉnh. Sở chọn diễn cấp quốc gia. Quá nhiều hệ luỵ từ những cuộc thi, bệnh thành tích, sự lừa dối, đối phó, gian lận, có cả "nâng đỡ không trong sáng"...

Chỉ xin đơn cử 2 đại diện.

Hệ luỵ trực tiếp: Nề nếp và chất lượng học tập bị phá vỡ. Lớp (đối với cấp Tiểu học), bộ môn (đối với bậc THCS và THPT) thường xuyên bị dạy thay để giáo viên đi thi.

Thi cấp huyện ít nhất cũng vài ngày. Thi cấp tỉnh, quốc gia không còn là vài nữa mà phải phát âm theo giọng Nam bộ "dài" ngày.

Thời gian dạy thay đó, nề nếp và chất lượng hoàn toàn bị thả nổi. Hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách tương lai. Đó là giáo dục học sinh sự dối trá như dạy trước, mớm bài, dặn học sinh đối phó. Cháu tôi học mẫu giáo, nhờ sáng ý, nhanh nhạy, thỉnh thoảng được "mượn" vào lớp giáo viên thi dạy giỏi. Sáng kiến đến thế là cùng. Chào thua!

Vậy thì, có nên tổ chức thi giáo viên giỏi không?

Người viết bài này đứng về phe phản đối. Lí do: Tay nghề giỏi là tạo ra được sản phẩm chất lượng nổi trội. Sản phẩm giáo dục không phải phương pháp giảng dạy, không phải là tiết dạy, nó mới chỉ là một công đoạn quan trọng.

Cho nên không thể chỉ thi một công đoạn để xếp loại tay nghề. Sản phẩm giáo dục là chất lượng người học. Sản phẩm có giá trị hay tồi không phải chỉ do một ban giám khảo chấm đôi khi hình thức, cảm tính mà phải được quyết định bởi thị trường.

Hơn nữa giáo dục là ngành dịch vụ, lấy sự hài lòng của khách hàng để đo lường hiệu quả. Bởi vậy, nên bỏ thi giáo viên giỏi.

Thay vào đó, bằng sự khảo sát định kì sự tín nhiệm, sự hài lòng của đối tượng được hưởng thụ giáo dục.

Có như vậy, giáo viên không còn phải diễn trước cấp trên, không còn phấn đấu vì cấp trên, vì để được cơ cấu giáo viên giỏi.

Họ phải luôn không ngừng trau dồi nghề nghiệp để có vị trí xứng đáng với sự tin yêu vốn có đối với nghề dạy học của học sinh, của phụ huynh và của toàn xã hội.

Trương Như Đệ

Làm gì để hết "diễn sâu" thi giáo viên giỏi?

Làm gì để hết "diễn sâu" thi giáo viên giỏi?

Nhiều nhà giáo, quản lý giáo dục cho rằng kỳ thi giáo viên dạy giỏi còn nhiều bất cập ở cách tổ chức cũng như từ chính tư duy của những người làm lãnh đạo cơ sở.