TS. Lê Văn Canh (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội) có bài viết đề xuất điều chỉnh mục tiêu dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông ở Việt Nam. VietNamNet xin giới thiệu bài viết này.
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 sau bảy năm thực hiện đã không mang lại kết quả mong muốn là “đến năm 2020, ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam”.
Kết quả này không có gì ngạc nhiên và đã được các nhà chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ trong và ngoài nước cảnh báo ngay từ khi Đề án được triển khai.
"Sau một thời gian học tiếng Anh, một số học sinh đạt trình độ cao về khả năng sử dụng trong khi đó một số khác cứ lẹt đẹt..." |
Mặc dù giới hàn lâm từ lâu đã khẳng định bản chất phức tạp của quá trình học ngoại ngữ, nhưng dư luận công chúng không phải lúc nào cũng đồng tình. Chính vì tính chất phức tạp đó mà sau một thời gian học tiếng Anh, một số học sinh đạt trình độ cao về khả năng sử dụng tiếng Anh trong khi đó một số khác cứ lẹt đẹt theo kiểu “vừa điếc, vừa câm”. Ví dụ, kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vừa qua cho thấy mặc dù có hơn 4.000 điểm 10 nhưng cũng có tới gần 7.000 bài thi điểm liệt.
Đề án 2020 đã không dựa trên chứng cứ khoa học rằng quá trình học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là một quá trình phức tạp, chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố, đặc biệt là động lực của người học, cơ hội sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học và thời gian và phương thức dạy và học. Do đó, Đề án 2020 đặt ra những mục tiêu phi thực tế, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, tạo ra những căng thẳng không cần thiết cho người dạy và người học và những tiêu cực trong đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Mới đây Bộ GD-ĐT thông báo sẽ trình Thủ tướng Chính phủ 4 giải pháp chính để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo trong năm học 2017-2018. Bốn giải pháp đó gồm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Đề án để phù hợp hơn với yêu cầu và tình hình thực tế; hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, học liệu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng; và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ ở giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm.
Bốn giải pháp này không có gì mới vì chúng đã được thực hiện từ khi Đề án được triển khai vào năm 2011 đến nay, nên chắc chắn sẽ không đem lại những chuyển biến cơ bản về chất lượng dạy và học tiếng Anh nếu không xác định lại mục tiêu của việc dạy và học tiếng Anh ở các bậc học. Điều này là vì mục tiêu đào tạo sẽ quyết định nội dung và phương pháp đào tạo và tiêu chí đánh giá.
Việc xác định lại mục tiêu dạy và học tiếng Anh phải dựa trên cơ sở lý thuyết và cơ sở thực tiễn.
Không đánh giá theo chuẩn mực ngữ pháp, ngữ âm lý tưởng
Về lý thuyết, tiếng Anh ngày nay đã trở thành ngôn ngữ được dùng để giao tiếp giữa những người không có chung tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ nhất (a lingua franca), do vậy việc đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn mực ngôn ngữ của người bản ngữ - di sản của lý thuyết ngôn ngữ học của Chomsky - không còn phù hợp [1]. Và ngay cả khái niệm “người bản ngữ tiếng Anh” bây giờ cũng đã được các nhà ngôn ngữ học ứng dụng đặt thành câu hỏi.
Nhu cầu học tiếng Anh của học sinh khá đa dạng |
Do vậy, cần chuyển từ mục tiêu dạy và học tiếng Anh như một ngoại ngữ sang mục tiêu dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ chung dùng để giao tiếp toàn cầu.
Điều này không có nghĩa là phải dạy và học một biến thể tiếng Anh cụ thể nào chẳng hạn như tiếng Anh-Anh, tiếng Anh-Mỹ, hay tiếng Anh-Việt Nam mà là sự thay đổi trong quan niệm về bản chất của năng lực sử dụng tiếng Anh và tiêu chí đánh giá năng lực đó.
Năng lực sử dụng tiếng Anh cơ bản bây giờ được định nghĩa một cách ngắn gọn là hiệu quả sử dụng tiếng Anh cho các mục đích giao tiếp khác nhau. Hiệu quả đó được đo bằng khả năng truyền tải và hiểu được nội dung giao tiếp (meaning/message) bằng cách sử dụng các phương tiện từ vựng và ngữ pháp khác nhau kể cả các phương tiện phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ để đạt mục tiêu giao tiếp. Mặc dù yêu cầu về chuẩn mực đối với ngữ pháp và ngữ âm trong sử dụng tiếng Anh vẫn cần được coi trọng nhưng mức độ sẽ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.
Về thực tế dạy và học tiếng Anh, khó khăn lớn nhất đối với người học ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước khác là thiếu một môi trường sử dụng tiếng Anh bên ngoài lớp học. Tiếng Anh vẫn chỉ là một môn học bắt buộc. Nhu cầu học tiếng Anh của học sinh lại khá đa dạng.
Ở bậc phổ thông, một số ít học sinh có nhu cầu học giỏi tiếng Anh để đi du học, một số khác có nhu cầu thi vào đại học chuyên ngữ để tiếp tục học tiếng Anh ở bậc đại học để trở thành giáo viên tiếng Anh, biên/phiên dịch hoặc làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Phần đông, nhất là những học sinh ở các vùng kinh tế khó khăn, không có nhu cầu rõ ràng học tiếng Anh để làm gì. Khi không có nhu cầu rõ ràng, thiết thực, người học không có động lực và không có những đầu tư phù hợp.
Đối với đối tượng người học này, tiếng Anh chỉ là môn học bắt buộc nên họ học mang tính đối phó. Nói cách khác, mặc dù tiếng Anh là một công cụ quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa nhưng mỗi cá nhân quan niệm về tầm quan trọng của nó khác nhau và sử dụng nó cho những mục đích khác nhau.
Như vậy mục tiêu dạy và học tiếng Anh cũng như tiêu chí đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh ở bậc phổ thông phải đặt trọng tâm vào hiệu quả giao tiếp thông thường, tức là khả năng truyền đạt và nắm bắt nội dung giao tiếp bằng tiếng Anh đúng bằng cách sử dụng mọi phương thức giao tiếp có thể có và kiến thức cơ bản về ngữ dụng làm mục tiêu dạy và học và tiêu chí đánh giá chứ không phải theo các tiêu chí về chuẩn mực về ngữ pháp và ngữ âm lý tưởng của người bản ngữ [2].
Đối với bậc đại học cần quan tâm đến khả năng sử dụng tiếng Anh vào mục đích nghề nghiệp (tiếng Anh chuyên ngành) hay mục đích học tập (tiếng Anh học thuật) tùy theo yêu cầu của từng trường.
Đạt cấp độ C1 ở giáo viên là mục tiêu không thực tế
Đối với đội ngũ giáo viên, cần đặt lại yêu cầu phải đạt cấp độ C1 (hay bậc 5) vì mục tiêu này không thực tế. Do môi trường sử dụng tiếng Anh hầu như không có nên khả năng sử dụng tiếng Anh của giáo viên ngày càng sa sút đặc biệt là giáo viên ở các vùng nông thôn và miền núi. Dù họ đạt được trình độ cao về năng lực sử dụng tiếng Anh theo yêu cầu nhờ bồi dưỡng thì chỉ sau một thời gian ngắn, năng lực tiếng Anh của họ lại sẽ bị giảm sút. Để giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, cấp độ B2 (hay bậc 4) là hợp lý nhất.
Tóm lại, cần có sự đầu tư để xác định lại mục tiêu dạy và học tiếng Anh. Phải bắt đầu từ việc xem xét lại một cách khoa học Khung năng lực 6 bậc của Việt Nam, vốn được xây dựng bằng cách giản lược chút ít Khung tham chiếu về dạy, học và đánh giá ngôn ngữ của Châu Âu.
TS. Lê Văn Canh (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội)
Tài liệu tham khảo
[1] Graddol, D. (2006). English next: Why global English may mean the end of English as a foreign language. London: British Council.