Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam diễn ra vào cuối tháng trước, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với tương lai của Việt Nam và triển vọng lâu dài của quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ.
Phó Tổng thống Harris đã công bố dự án mới mang tên Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học sẽ được thực hiện trong 5 năm do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với ngân sách 14,2 triệu USD nhằm cải thiện hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và quản trị cơ sở tại 3 đại học lớn nhất của Việt Nam.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội |
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam, cho biết mục tiêu của USAID khi hỗ trợ lĩnh vực giáo dục đại học của Việt Nam là nhằm giúp hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học để đào tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao, được trang bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang hiện đại hóa nhanh chóng và thị trường toàn cầu đang ngày một cạnh tranh.
Các chương trình hỗ trợ giáo dục đại học của USAID tập trung vào 3 lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, đó là khoa học và kỹ thuật, y khoa và giáo dục khai phóng.
USAID tập trung vào 3 lĩnh vực này nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế dựa trên công nghệ, tăng cường khả năng thích ứng và an ninh y tế và thúc đẩy các phương cách giáo dục quan trọng bao gồm việc sinh viên học tập dựa trên sự tự tìm sự tòi-khám phá, nghiên cứu và phân tích phản biện.
3 đại học của Việt Nam nhận hỗ trợ là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Đà Nẵng.
Theo bà Ann Marie Yastishock, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học sẽ hỗ trợ các đại học này để có thể trở thành những cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp thế giới.
Dự án sẽ triển khai các hoạt động để đạt được ba mục tiêu tương trợ lẫn nhau, đó là tăng cường tính bền vững và tự chủ; cải thiện chất lượng đào tạo học thuật; và tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tại 3 đại học đối tác này.
Chiến lược của dự án xoay quanh 4 chương trình chính: Xuất sắc về Quản trị cơ sở, Xuất sắc về Dạy và Học, Xuất sắc về Nghiên cứu và Liên kết Đại học - Doanh nghiệp.
Lồng ghép trong bốn chương trình này là hoạt động cải cách và vận động chính sách về giáo dục đại học, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ và trao quyền giới, các yếu tố được coi là then chốt để đảm bảo cho sự thành công và bền vững lâu dài trong các kết quả của dự án.
Phương Chi
ĐH Quốc gia Hà Nội trong top 601-800 thế giới về Khoa học cơ bản
Theo bảng xếp hạng các trường đại học thế giới theo lĩnh vực năm 2022 của Times Higher Education (THE) về lĩnh vực Khoa học cơ bản, ĐH Quốc gia Hà Nội nằm trong top 601-800.