{keywords}
GS Trung là một trong các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới theo thành tựu trọn đời do Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố tháng 11/2020. Ảnh: NVCC

PV: Với hàng loạt thành tựu, anh có thấy mình là trường hợp thành công điển hình trong việc ra nước ngoài học tập và làm việc không?

Nhìn lại thì con đường tôi đi không hẳn là điển hình. Tôi đi khá chậm giai đoạn đầu. Phải sau 10 năm tốt nghiệp đại học tôi mới nhận bằng Tiến sĩ. Trong khi hiện nay, tôi hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, một số bạn chỉ cần 3 năm sau khi tốt nghiệp ĐH đã nhận bằng Tiến sĩ.

Nếu là trước đây, tôi không tin điều đó.

Xuất phát điểm, tôi là một người cũng khá bình thường, học giỏi có tiếng những năm phổ thông nhưng chỉ là trong phạm vi một thị xã. Còn so với cấp tỉnh, thì người như tôi có hàng trăm, hàng nghìn bạn.

Chưa bao giờ tôi đoạt giải cấp tỉnh trở lên.

PV: Vậy điều gì giúp anh đạt những thứ “không tin được” như hiện nay?

Điều đầu tiên tôi nghĩ là phải làm việc hết mình. Thứ hai là môi trường làm việc – rất quan trọng. Thứ ba là có một chút yếu tố may mắn.

Nhưng nói chung điều quan trọng nhất là phải có sự đam mê. Mình làm việc mà mình thích chứ không phải làm để đạt bằng cấp này, vị trí nọ. Và tạo ra một chút áp lực riêng cho bản thân để có động lực phấn đấu.

{keywords}
 

PV: Hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhóm nghiên cứu, làm các công việc ở Trường ĐH Queen’s Belfast … Ngoài các dự án của hai Chính phủ Việt Nam và Anh quốc, anh còn có các dự án với Bộ Khoa học công nghệ, tổ chức các hội thảo quốc tế, các sự kiện cho sinh viên Việt Nam… Đang làm rất nhiều công việc, anh làm thế nào để mọi thứ chạy đều?

Trước đây khi bắt đầu sự nghiệp thì tôi bắt tay vào làm tất cả mọi việc, kiểu như tôi khởi việc từ 1 anh thợ phụ xây dựng, sau đó leo dần lên vị trí thợ xây chính, rồi quản công, rồi đến coi cả 1 công trình chính. Nói đơn giản như thế để thấy rằng, mọi việc đều phải trải qua từ công đoạn thô sơ, đến khó nhất. Sau này khi mọi việc đã vào guồng một cách trôi chảy thì mình sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Cái khó nhất hiện nay tình trạng lockdown, ba cậu con cùng ở nhà, vợ tôi lại đang làm nghiên cứu sinh. Vì vậy, hàng sáng, tôi tranh thủ chạy lên phòng làm việc khoảng 2-3 tiếng, trưa về nấu ăn, chiều thì giữ con cho vợ học. Buổi tối, phải đến khi con ngủ, tôi mới lại có thể làm việc, nhưng cũng chỉ làm thêm được một lúc vì đã mệt rồi…

Cũng may là thời gian trước đó, tôi đã tập trung làm rất nhiều. Khi mới về trường, 5 năm đầu tôi làm việc căng thẳng, cũng có những giai đoạn stress khi công việc chưa quen. Khoảng vài năm gần đây, tôi đã giảm tải lại và có nhiều việc khi đã biết cách sẽ làm nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. 

Từ năm 2015, GS Dương Quang Trung đứng ra tổ chức một trường hè nghiên cứu khoa học.

Khi tổ chức trường hè, ông muốn chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trẻ tài năng nhưng còn thiếu những kỹ năng cần thiết, đồng thời lan tỏa niềm đam mê khoa học đến các bạn trẻ.

Các học viên được hướng dẫn nhiều kỹ năng để tìm học bổng, tìm kiếm đề tài nghiên cứu, viết bài cho các tập san khoa học, làm việc với giáo sư…

Sau 5 lần tổ chức, hơn 100 học viên tham gia trường hè đã xin được những học bổng toàn phần để theo học tiến sĩ tại các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc…

Ý tưởng đa phần đến từ lúc rửa bát

PV: Anh cũng hay chia sẻ trên trang cá nhân về việc nấu nướng. Đó cũng là một việc anh thích làm?

Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng xoay vòng với ba con nhỏ - chúng tôi có ba cậu con trai, cháu lớn nhất chỉ mới 8 tuổi - nên khi người này trông con thì người kia làm việc nhà.

Với tôi, nấu bếp còn là một cách giảm stress. Nhiều khi công việc bộn bề quá thì nấu ăn cũng là một cách để tạm thời không suy nghĩ.

Nấu ăn xong tôi còn rửa bát. Tôi cũng thích rửa bát để vận động tay chân và suy nghĩ những việc khác. Trước đây, hầu như ngày nào tôi cũng đá bóng khoảng 1 tiếng để giải tỏa công việc. Bây giờ lockdown, không đá bóng được thì tôi tăng cường làm việc nhà. Những ý tưởng của tôi đa phần đến từ trong lúc rửa chén bát (cười).

PV: Anh dạy các con mình theo phương pháp nào?

Trước đây, cha mẹ tôi rất quan tâm việc học của con. Dù bận rộn buôn bán và việc cơ quan nhưng đến khi tôi học lớp 9, ba mẹ vẫn xem sách vở con học ra sao. Bây giờ, tôi cũng theo phương pháp như thế để dạy con mình.

Hai vợ chồng tôi đã giảm công việc lại, chấp nhận đến giai đoạn tuổi này phải vì con là chính chứ không còn vì bản thân mình nữa.

Điều quan trọng cha mẹ phải tạo được động lực cho con.

Tôi không ép học nhưng chú ý xem con có năng khiếu gì để động viên cháu. Ví dụ, bé lớn nhà tôi những năm đầu tiên đi học không thích Toán. Nhận thấy điều này, hai vợ chồng tôi chú ý hơn và nói chuyện nhiều với con về Toán. Sau đó đến trường, con làm bài tốt, cô khen nên con bắt đầu thích, rồi dần tự động đem bài ra học. Hiện nay môn học cháu thích nhất lại là Toán, luôn tự động đem sách Toán ra làm những lúc rảnh, mà không cần người lớn phải nhắc nhở.

{keywords}
Hai con trai lớn của GS Dương Quang Trung được mặc áo dài vào dịp Tết. Ảnh: NVCC

Thứ hai, người lớn phải làm gương cho con.

Chúng tôi muốn khuyến khích con đọc sách. Việc này không ép được mà người lớn phải làm gương. Chúng tôi hay đọc sách trước mặt các con, lên giường ngủ cũng cầm theo sách đọc chung với con. Con lớn thấy mình đọc thì cũng đọc, cậu em thấy anh đọc sách thì cũng ê a đọc theo.

Cả hai vợ chồng tôi cũng rất thích con học đàn. Nhà hàng xóm có bạn học đàn, con qua chơi hỏi có thích không, cháu chỉ chơi vài lần là chán và không thích, nên chúng tôi cũng không ép. Ngược lại cháu lại rất thích vẽ và xếp mô hình. Đó là trò chơi cháu thích nhất.

Việc xem phim hay chơi game cũng là điều khó, đặc biệt trong 1 năm qua khi mà cả nước Anh đa phần phải lockdown. Nhưng chúng tôi có quy định riêng, chỉ được xem phim khi đã hoàn thành xong bài tập ở trường và bài tập ở nhà ba mẹ giao cho. Và một ngày không được ngồi trước máy tính quá 1.5 tiếng. Vợ chồng tôi luôn theo kiểm tra tất cả các phim hoạt hình và sách con đọc xem có phù hợp với lứa tuổi của cháu hay không. Việc này cũng khá mất thời gian nhưng tôi nghĩ rất quan trọng đối với trẻ.

PV: Anh còn nhớ về cái Tết xa nhà đầu tiên không?

Năm 2003, tôi sang Hàn Quốc học thạc sĩ và năm 2004 là lần đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà. Người Hàn Quốc cũng nghỉ ăn Tết, bạn học chỉ còn 3, 4 người Việt Nam ở lại, không có bánh chưng bánh tét, đó là cái Tết tôi thấy buồn nhất.

Còn từ năm 2014 - khi sang Anh làm việc – đến giờ, liền một mạch 8 năm, tôi không ăn Tết Việt Nam. Bởi vì lịch giảng dạy của tôi từ tháng 10 đến tháng 2 hàng năm, trùng với thời gian Tết âm lịch, con cái lại còn nhỏ.

Ở bên này, từ ngày 23 tháng Chạp, chúng tôi cũng đã làm mứt, rồi gói bánh chưng. Tới giao thừa, chúng tôi giải thích cho các con Tết là như thế nào, cho mấy đứa nhỏ mặc áo dài Việt Nam...

{keywords}
Gia đình GS Dương Quang Trung gói bánh chưng ngày 26 tháng Chạp vừa qua

PV: Với anh, sự khác biệt giữa Tết ở quê nhà và tết ở xứ người là…

Là không khí Tết. Khi gần Tết là tôi cảm giác muốn ở nhà, đi mua hoa, gặp bạn bè, thầy cô giáo cũ.

Thời còn đi học, cứ vào giờ giao thừa, tôi thường cùng với bạn bè dạo khắp phố cổ. Hội An vào thời điểm đó sực nức mùi trầm hương của các nhà đốt cúng giao thừa, quyện vào bầu không khí đầy hơi sương của đêm khuya tạo ra một sức hút đặc biệt.

Tôi vẫn nhớ những cảm giác đó, rõ ràng như chỉ mới đây thôi.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh và gia đình một năm mới an lành, nhiều niềm vui!

GS Dương Quang Trung sinh ra và lớn lên ở thị xã Hội An (Quảng Nam). Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông nhận học bổng toàn phần bậc thạc sĩ của Chính phủ Hàn Quốc, sau đó là học bổng toàn phần tại Thụy Điển cho bậc học tiến sĩ

Đầu năm 2013, ông được nhận vào ngạch Giáo sư của ĐH Queen’s Belfast – thuộc nhóm 20 trường đại học hàng đầu ở Anh – mà không phải trải qua giai đoạn sau Tiến sĩ.

Tháng 8/2020, ở độ tuổi 40, ông được bổ nhiệm Giáo sư thực thụ và đứng đầu về lĩnh vực Viễn thông tại Trường ĐH Queen’s Belfast. Đây là một trong những trường hợp bổ nhiệm nhanh nhất trong gần 200 năm lịch sử của trường (chỉ sau hơn 6 năm bắt đầu ngạch giáo sư).

Ông được tặng giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất tại hội nghị ngành viễn thông lớn nhất thế giới IEEE Globecom năm 2016 và 2019.

GS Trung cũng từng đoạt giải thưởng danh giá Research Fellowship trị giá 1 triệu USD (2015-2020) dành cho các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh cách đây 5 năm (cả nước Anh năm đó chỉ có 8 người được trao giải cho tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật), và được nhận giải thưởng uy tín Newton Prize 2017.

Năm 2020, ông là một trong 4 giám đốc nghiên cứu (Research Chair) được Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh bổ nhiệm.

Ngân Anh thực hiện

GS Việt đoạt giải nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội nghị viễn thông hàng đầu

GS Việt đoạt giải nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội nghị viễn thông hàng đầu

GS Dương Quang Trung vừa nhận được tin vui về Giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất (Best Paper Award) tại Hội nghị IEEE GLOBECOM 2019.   

Giáo sư người Việt làm chủ tịch nghiên cứu của Hội Kĩ thuật Hoàng gia Anh

Giáo sư người Việt làm chủ tịch nghiên cứu của Hội Kĩ thuật Hoàng gia Anh

Từ một cậu bé thích chơi trò nói chuyện qua những ống sữa bò, ở tuổi 41, GS Dương Quang Trung vừa được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch nghiên cứu về vấn đề của mạng viễn thông 6G của Hội Kỹ thuật Hoàng gia Anh.

Nồi bánh Tét ngày Tết của GS Việt kiều ở Mỹ

Nồi bánh Tét ngày Tết của GS Việt kiều ở Mỹ

Hôm nay con trai tôi hỏi: Ba ơi, có thể gửi cho con vài chiếc bánh tét cùng dưa món từ Việt Nam để con ăn Tết không? Tôi chạnh lòng và chợt nhớ hơn 15 năm qua, Tết năm nào tôi cũng cùng con gói một nồi bánh tét.