Phiên dịch viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội khi đoàn tàu bọc thép vừa đến ga Đồng Đăng. Đoạn clip mới đây ghi lại sau hành trình kéo dài hơn 70 tiếng đồng hồ, ông Kim bước xuống ga một mình và bắt tay với đoàn Việt Nam. Vài giây sau, phiên dịch viên của ông là Ri Ho Jun vội vàng lách qua đoàn tùy tùng còn lại trên tàu rồi phóng như bay về phía nhà lãnh đạo để làm nhiệm vụ. Cú chạy siêu tốc này đã khiến nam phiên dịch viên nhanh chóng nổi tiếng trên mạng.

Ông Ri Ho Jun từng là sinh viên khoa tiếng Việt của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội 30 năm trước (nay là khoa Việt Nam học và tiếng Việt của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).

{keywords}
Ri Ho Jun bắt tay GS.TS Đinh Văn Đức, nguyên chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt thời mình học ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Thành Long

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt cho hay, Ri Ho Jun là một trong 4 sinh viên của Triều Tiên cùng theo học cử nhân tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại khoa những năm 1980.

Thầy Nam nhận ra ngay cựu sinh viên nước ngoài của khoa qua những thước hình, dù ngày ấy không trực tiếp giảng dạy.

“Bởi sau khi tốt nghiệp ra trường đi làm, cậu vẫn thi thoảng mời mình đi ăn”.

Ấn tượng của thầy Nam về sinh viên cũ là người nhanh nhẹn, mạnh dạn, hoạt bát và có đặc điểm chung của các nhóm sinh viên Triều Tiên hồi đó là nghiêm túc, chăm chỉ trong việc học.

Kỷ niệm với chàng sinh viên Ri Ho Jun mà thầy Nam nhớ nhất là  năm 1987 khi thầy đưa 4 sinh viên Triều Tiên đi thực tập ở TP.HCM.

“Khoảng tháng 5 năm 1987, khoa cử tôi dẫn đoàn 4 sinh viên này đi giao lưu với Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM khi họ đang chuẩn bị sắp sửa mở khoa tiếng Việt cho người nước ngoài. Sau đó, đoàn thực tế các địa điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và tìm hiểu về cuộc sống, con người. Tất cả trong vòng 2 tuần. Tôi vẫn nhớ khi các thầy của khoa Ngữ văn hỏi cảm nhận của các bạn về TP.HCM như thế nào, thì Ri Ho Jun chia sẻ là thấy cuộc sống ở đây sôi động. Bạn ấy đã dùng từ sôi động, tất cả được nói bằng tiếng Việt bởi khi đó các bạn ấy đã ở Việt Nam được hơn 1 năm”, thầy Nam kể.

Lần đó, việc mua vé máy bay trở ra Hà Nội cực kỳ khó. “Tôi không thể đặt vé được cho mình để đi cùng với 4 sinh viên bởi người nước ngoài thì được ưu tiên. Thầy trò đang bối rối không biết làm thế nào và nghĩ đến việc nếu đi tàu thì phải mất cả tuần thì anh Ri nhanh nhảu: "Thôi giờ thầy đi với em, người nước ngoài nói chắc sẽ dễ được giải quyết hơn”.

Nói rồi, 2 thầy trò đến cán bộ quản lý sân bay và Ri ngỏ ý rằng: “Đây là thầy giáo của chúng tôi, bây giờ thầy không về được thì khi ra đến Hà Nội việc tổng kết chuyến đi của chúng tôi sẽ rất khó khăn. Vì vậy nhờ bác giải quyết giúp”.

“Sau hồi phân vân, cuối cùng, vị này đã đồng ý cho tôi đi chuyến của ngày hôm sau với điều kiện “vé đứng” vì không còn chỗ ngồi nữa. Khi lên máy bay, rất may cô tiếp viên chỉ cách vào một phòng vệ sinh và khóa cửa lại. Và rồi tôi đã ngồi trong đó suốt cả chuyến bay ra Hà Nội. Lúc đó được bay kịp về, rồi được ngồi đã là tốt bởi các chuyến bay rất ít, dù phải ngồi ở phòng vệ sinh. Đó là một ngày đầu tháng 6 năm 1987”, thầy Nam nhớ lại.

Sau ra trường, Ri Ho Jun từng là tham tán chính trị Đại sứ quán Triều Tiên nhiều nhiệm kỳ.

“Thi thoảng khi có dịp, Ri Ho Jun lại về thăm khoa và trường. Giai đoạn đó, Ri cũng cho con mình vào học tiếng Việt tại khoa. Sau đó, khi anh về nước, một cựu sinh viên khác của trường (cũng cùng lớp với Ri Ho Jun) thay vị trí”.

Theo thầy Nam, so với xưa, Ri Ho Jun không khác nhiều về ngoại hình. “Vẫn dáng thanh mảnh, giờ có mập hơn xưa một chút, còn tất nhiên cũng đã già hơn. Mặc dù sinh viên của khoa khi ra trường làm ở rất nhiều vị trí ở các đại sứ quán, ngành ngoại giao các nước nhưng nay nhìn thấy Ri xuất hiện tại một sự kiện lớn như vậy, chúng tôi càng muốn lan tỏa, phát triển vai trò của tiếng Việt và kiến thức về Việt Nam. Tôi tin khi họ hiểu được ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam thì bạn bè quốc tế sẽ thêm yêu đất nước chúng ta”.

{keywords}
Ri Ho Jun (ngoài cùng bìa phải) chụp cùng 4 đại sứ, trong đó có Đại sứ Triều tiên nhiệm kỳ trước và 2 người là cựu sinh viên của khoa: Đại sứ Mông cổ (học khóa 1978-1982), Đại sứ Palestine (học khóa 1980-1984). Ảnh: Phạm Thành Long

Sau 4 năm, nhiều thầy cô giảng dạy nhưng về tiếng Việt chủ yếu là thầy Trần Nhật Chính, hiện là giảng viên của khoa.

Thầy Chính, người có nhiều thời gian gắn bó với sinh viên Triều Tiên vẫn nhớ như in hình ảnh những chàng trai độ tuổi 20 - 22 rất say mê với ngành tiếng Việt.

Trong số những sinh viên khóa 1984 – 1988 do thầy trực tiếp giảng dạy khi ấy, Ri Ho Jun là trưởng nhóm năng động và nhanh nhẹn nhất.

Ri Ho Jun có dáng người gầy nhỏ, không có đặc điểm gì nổi bật là sinh viên ngoại quốc. Tuy nhiên, cậu rất chăm chỉ học tiếng Việt và biết cả tiếng Pháp.

“Tôi vẫn nhớ khi ấy, thầy không biết tiếng Triều Tiên còn trò chưa thông thạo tiếng Việt. Đôi khi, để giải thích nghĩa một từ tiếng Việt, cả thầy và trò phải dùng đến cầu nối là… tiếng Anh. Nhưng những học trò Triều Tiên học tiếng Việt rất tốt”, thầy Chính nhớ lại.

Cũng vì nhà gần trường, thỉnh thoảng, đám học trò lại kéo đến nhà thầy giáo chơi, vừa uống rượu vừa trò chuyện thân thiết, gần gũi.

Sau ngày ra trường, thỉnh thoảng, hai thầy trò lại gặp nhau và cùng ôn lại những kỷ niệm cũ.

“Qua nhiều năm, Ri Ho Jun đã trưởng thành hơn rất nhiều. Giờ đây, cậu đã đảm nhiệm vị trí quan trọng ở cơ quan ngoại giao. Nhìn thấy sinh viên cũ xuất hiện trong vai trò là phiên dịch viên cho chủ tịch Triều Tiên khi đến Việt Nam, hình ảnh đó  thực sự khiến tôi xúc động”, thầy Chính chia sẻ.

Thanh Hùng – Thúy Nga

Học sinh phổ thông ở Triều Tiên trải qua bao nhiêu năm học?

Học sinh phổ thông ở Triều Tiên trải qua bao nhiêu năm học?

 - Triều Tiên từ lâu đã được coi là đất nước bí ẩn của thế giới hiện đại. Quốc gia này có những điều vô cùng thú vị có thể bạn chưa biết.