- Sau khi xem những trao đổi xung quanh cái kết câu chuyện cổ tích Tấm Cám trên VietNamNet, bạn đọc Mai Hoa, thạc sĩ Văn học, Khoa Văn Đại học Paris 7 (Pháp) gửi tới ý kiến của mình. Dưới đây là bài viết của chị.

THẢO LUẬN LIÊN QUAN
Viết lại Tấm Cám là xóa lịch sử?
Độc giả sôi nổi kể lại chuyện “Tấm Cám”
Oan cho cô Tấm
Cởi yếm, mặc váy đầm cho cô Tấm?
Sách giáo khoa sửa đoạn kết Tấm Cám

Cốt truyện Tấm Cám được biến tấu trong một trò chơi trên mạng
Kính thưa quý độc giả!

Tôi xin phép chia sẻ một vài suy nghĩ về truyện cổ tích Tấm Cám để cùng quý độc giả trao đổi, thảo luận.

Theo tôi, có thể xem xét truyện cổ tích Tấm Cám trong chương trình giảng dạy văn học THPT ở hai khía cạnh khác nhau: thứ nhất là giảng dạy về thể loại văn học dân gian, truyền miệng; thứ hai là giáo dục đạo đức cho học sinh.

Về khía cạnh giảng dạy thể loại văn học dân gian, truyền miệng: Nhiều dân tộc khác trên thế giới có câu truyện tương tự chuyện Tấm Cám của Việt Nam, ví dụ Cô bé lọ lem (Pháp), Nàng Diệp Hạn (Trung Quốc), Cô Tro Bếp (Hy Lạp)…

Hầu hết, các truyện cổ tích tương tự Tấm Cám của các dân tộc khác đều kết thúc khi nhân vật hiền lành (nhưng bị áp bức) trở thành vợ Vua (hoặc Hoàng tử).

Riêng Tấm Cám của ta thì còn phần tiếp theo (phần 2), đó là sau khi Tấm đã làm vợ Vua thì cuộc chiến đấu giữa thiện và ác vẫn còn tiếp diễn khi Tấm trở về nhà Dì ghẻ ngày giỗ cha.

Cái ác chưa được tiêu diệt hoàn toàn. Điều đó thể hiện cuộc đấu tranh khốc liệt, gian khổ để dành hạnh phúc của dân tộc ta qua câu truyện này.

So với các câu truyện cổ tích tương tự của một số dân tộc trên thế giới, kết cục của truyện Tấm Cám có phần tàn khốc hơn. Nhưng có lẽ sự dai dẳng của cái ác trong truyện (qua sự tồn tại của phần 2 câu truyện) sẽ giúp chúng ta giải thích phần nào sự khác biệt này trong kết cục của câu chuyện.
So với các câu truyện cổ tích tương tự của một số dân tộc trên thế giới, kết cục của truyện Tấm Cám có phần tàn khốc hơn. Nhưng có lẽ sự dai dẳng của cái ác trong truyện Tấm Cám (qua sự tồn tại của phần 2 câu truyện) sẽ giúp chúng ta giải thích phần nào sự khác biệt này trong kết cục của câu chuyện.

Khi phân tích truyện cổ tích Tấm Cám, cần đặt câu truyện trong thể loại và ngữ cảnh của nó.

Ví dụ, trước đây nhân dân quan niệm "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng", có lẽ bởi thế là dân gian đã chọn Dì ghẻ và con Dì ghẻ làm nhân vật phản diện, đại diện cho cái ác.

Nhưng hẳn bạn đọc cũng nhận thấy, qua niệm "dì ghẻ con chồng" ngày nay đã khác đi rất nhiều.

Rất nhiều những câu chuyện xúc động về đức hy sinh, nhẫn nhịn của mẹ kế đã làm thay đổi quan niệm cổ hủ trước đây. Nhưng không vì thế mà chúng ta nghĩ đến việc thay nhân vật Dì ghẻ, và Cám trong truyện Tấm Cám. Bởi đơn giản đó là truyện cổ tích.

Tương tự như vậy, kết cục của câu truyện Tấm Cám cũng cần đặt trong quan niệm, ước nguyện của dân gian ngày xưa, khi mà cuộc sống đầy áp bức, bóc lột, đầy bất công và tàn nhẫn.

Dân gian muốn cái ác phải được trừng trị, diệt trừ tận gốc. Kết cục mà dân gian xây dựng như thế mới thỏa ước nguyện của dân gian. Đó là cách để dân gian tự giải thoát tinh thần qua câu truyện.

Vấn đề là ngày nay, chúng ta dùng những chuẩn mực đạo đức của hiện tại để soi xét hành vi của cô Tấm trong truyện.

Nôm na mà nói là chúng ta mang cô Tấm ngày xưa, cô Tấm trong truyện cổ tích đặt vào bối cảnh xã hội hiện tại để soi xét. Cô Tấm trong truyện là cô Tấm ngày xưa, cô Tấm cổ tích. Đó không phải là cô Tấm ngày nay.

Về khía cạnh đạo đức, khi giảng dạy cho học sinh cần nói rõ truyện cổ tích Tấm Cám được sử dụng ở đây để giảng dạy thể loại văn học dân gian.

Nếu dùng nhân vật cô Tấm như tấm gương để noi theo, học tập thì chắc Tấm Cám sẽ được đưa vào môn Giáo dục công dân chứ không phải môn Văn.

Nếu cần, khi giảng dạy, giáo viên có thể nói cho các em biết hành vi của cô Tấm không còn hợp với chuẩn mực đạo đức cũng như pháp luật hiện tại. Nhưng tôi tin rằng, học sinh THPT tự hiểu được điều này.

Văn học dân gian có đặc trưng quan trọng là luôn luôn được dân gian thay đổi, chỉnh sửa phù hợp với ước muốn, quan niệm của dân gian. Các tranh luận, đề xuất của quý độc giả về đọan kết chuyện Tấm Cám không nằm ngoài quy luật đó.

Một điều nữa là, văn học dân gian có đặc trưng quan trọng là luôn luôn được dân gian thay đổi, chỉnh sửa phù hợp với ước muốn, quan niệm của dân gian. Các tranh luận, đề xuất của quý độc giả về đọan kết chuyện Tấm Cám không nằm ngoài quy luật đó.

Tôi có đem câu chuyện Tấm Cám kể cho một người bạn Pháp, đến đoạn kết thúc, cô bạn Pháp có hỏi tôi là khi còn bé nghe chuyện này tôi có ngủ được không? Quả thật, tôi thấy kết cục như thế cũng ghê. Tôi thiết nghĩ, khi người lớn kể chuyện này cho các bé thì phần đa mọi người đề đã chỉnh sửa để câu chuyện đỡ ghê sợ.

Và cứ như vậy, đúng như đời sống vốn có của truyện dân gian, truyền miệng, truyện Tấm Cám sẽ được dân tộc ta tiếp tục chỉnh sửa đề phù hợp với thực tiễn đời sống.

Kết cục hay nhất, phù hợp nhất sẽ được dân gian lưu truyền để dân tộc ta có một chuyện Tấm Cám với kết cục mới phù hợp hơn với hiện tại.

  • Mai Hoa (Khoa Văn Đại học Paris 7, Pháp)