Chiều 16/11, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức buổi gặp mặt giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.
Sự kiện có sự góp mặt của 63 gương giáo viên tiêu biểu đến từ 26 dân tộc thiểu số (trong đó có 6 giáo viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số ít người).
Tại cuộc gặp, cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn Trường Tiểu học và THCS EaTrol, Sông Hinh, Phú Yên chia sẻ về vấn đề nhận thức của gia đình và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc học tập.
“Bản thân tôi được gắn bó nhiều năm với phụ huynh và học sinh người dân tộc thiểu số đặc biệt là công tác vận động học sinh bỏ học, đến trường. Có nhiều năm, tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao, nhưng không phải điều kiện kinh tế quá khó khăn mà đến từ nhận thức của gia đình các em.
Có những phụ huynh học sinh cho rằng đi học là vì mục đích sau này làm cán bộ, công chức nhà nước. Còn nếu học sinh, lỡ không xin được việc làm trong nhà nước mà về làm rẫy thì học để làm gì? Như vậy học sẽ tốn công sức, tiền của và không có lợi ích về kinh tế”.
Cô Trang cho hay vì vậy, những giáo viên đứng lớp như cô gặp phải rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy và vận động học sinh đến trường khi học sinh bỏ học.
Thầy K'Dĩnh, giáo viên Trường Tiểu học Tân Phúc 1 (Hàm Tân, Bình Thuận) |
Thầy K'Dĩnh, giáo viên Trường Tiểu học Tân Phúc 1 (Hàm Tân, Bình Thuận) thì chia sẻ tại địa phương, học sinh tiểu học thường ít khi bỏ học, nhưng qua cấp 2,ở lớp 7, lớp 8 thì bỏ học nhiều. Nhiều em có xu hướng không muốn đi học mà chọn đi làm công nhân ở các thành phố lớn.
“Qua trao đổi với các em và phụ huynh thì phụ huynh thường “khoán trắng” cho giáo viên, không quan tâm nhiều đến việc học của con em”, thầy giáo này kể.
Cô giáo Vàng Ha De, dân tộc La Hủ, giáo viên Trường Mầm non Bum Tở (huyện Mường Tè, Lai Châu) cho hay, nhận thức của người dân ở địa phương, điều kiện kinh tế và tinh thần còn nhiều hạn chế nên người dân chưa thật sự quan tâm đến công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.
“Những năm trước, dường như ngày nào chúng tôi cũng phải xuống bản để gọi học sinh chứ các em không bao giờ tự đến học. Như tôi là người bản địa nên biết tiếng dân tộc và hiểu được phong tục, tập quán nên dễ dàng trong việc tuyên truyền, nhưng với các giáo viên ở dưới xuôi lên thì thực sự rất vất vả. Bản thân tôi cũng đã rất nhiều lần phải lên tận nương để thuyết phục. Nhiều phụ huynh đáp lại rằng các cháu còn nhỏ nên không cần phải học, ở nhà thì không có gì ăn nên phải đi theo bố mẹ để làm nương. Do đó việc vận động rất vất vả”.
Thầy Đào Văn Mượt, dân tộc Chơ Ro, giáo viên, tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Kim Long (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Trước phần phát biểu của mình, thầy Đào Văn Mượt, dân tộc Chơ Ro, giáo viên, tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Kim Long (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cất lên một bài hát bằng 2 thứ tiếng - trong đó có tiếng dân tộc bản địa. Theo thầy Mượt, đây là cách để thầy tìm sự thông hiểu, gắn kết với các gia đình và học sinh trước khi thuyết phục bà con cho con em đi học.
“Học sinh chưa vào tiểu học chưa biết tiếng phổ thông nên tôi phải dùng lời bài hát tiếng mẹ đẻ để làm quen với trẻ rồi vận động gia đình”, thầy Mượt nói.
Tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo người dân tộc thiểu số cũng đã chia sẻ những trăn trở đối với công việc của mình.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ tại cuộc gặp các giáo viên người dân tộc thiểu số. |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh bày tỏ sự cảm thông khi cho rằng nhận thức hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề là rào cản trong việc giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Bà Minh cũng hy vọng các thầy cô giáo không khuất phục trước những rào cản mà cần phải tiếp tục cố gắng để nâng cao nhận thức và sự thấu hiểu của các phụ huynh, gia đình.
Thanh Hùng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về áp lực của ngành giáo dục
“Bất kỳ một sự tác động nào, nhất là đổi mới, cũng đặt ra những quan điểm trái chiều”, Bộ trưởng Nhạ nói và cho rằng các nhà giáo cũng phải đối mặt với điều này.