Trước những ý kiến phản ứng về cách thi và kết quả kỳ thi giáo viên dạy giỏi, Bộ GD-ĐT đang trong quá trình cân nhắc soạn thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ GD-ĐT cũng rất cầu thị tìm cách để có những phương án điều chỉnh những lệch lạc, áp lực thành tích và qua thăm dò ý kiến, mong đợi của các thầy cô là vẫn giữ cuộc thi này.
“Trong tất cả những mong đợi, thầy cô vẫn muốn có ghi nhận về tay nghề ở cuộc thi mang tính chất đặc thù của ngành; một hình thức thi đua lành mạnh và ghi nhận xứng đáng về độ giỏi của nghề. Việc này cũng đã được tổ chức mấy chục năm nay, chỉ có điều thời gian qua ở một số nơi, một số tổ chức làm khó trong việc tạo nên sức ép về bệnh thành tích”.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) |
Theo ông Minh, Bộ cũng đưa ra 2 phương án có thể là thi hoặc xét để công nhận giáo viên dạy giỏi. Kết quả đều có những thông điệp ban đầu là không thể không có cách thức để xác định.
“Phương án xét cũng được đưa ra. Điều này khiến hiện tượng hồ sơ sổ sách tăng lên để làm minh chứng. Nhưng quan trọng là dù thi hay xét đều phải đảm bảo được hiệu quả, giảm tải nhất những áp lực vô hình có thể gây ra.
Qua quá trình bàn thảo, rất nhiều những phương án, với những quan điểm đã được tiếp cận, trao đổi với các chuyên gia, thầy cô cùng các thông tin trong suốt hơn 1 năm qua thì hiện nay đang nghiêng về phương án vẫn giữ hội thi. Để qua đó giáo viên vẫn có giờ thể hiện tay nghề trong lĩnh vực làm việc của mình thông qua các trao đổi trong công việc và hội giảng. Hội thi vẫn giữ những yếu tố tinh hoa và cốt lõi tốt, nhưng sẽ không có những áp lực vô hình nếu như giáo viên không làm tốt", ông Minh nói.
Theo ông Minh, đây là một hướng mà đến thời điểm này được xem là khả quan nhất. “Tất nhiên có thể có nhiều quan điểm. Bởi thực tiễn, bất cứ một phương án nào đi vào thực tiễn triển khai thì quan trọng nhất vẫn là việc thực hiện và người thực thi. Quan điểm của Bộ là giảm thiểu tất cả những áp lực không đáng có nhưng đây không phải là áp lực mà là sân chơi tự nguyện, không để thành thành tích của tập thể, không có những yêu cầu hình thức. Giáo viên tự nguyện, muốn khẳng định nghề nghiệp thì vào sân chơi, còn nếu không thì cũng không sao, vẫn có thể được ghi nhận bằng những hoạt động khác. Như vậy có nghĩa không áp lực, không yêu cầu, đòi hỏi và nhà trường cũng không có cớ để bắt buộc bởi không phải là thành tích của nhà trường nữa”.
Theo ông Minh, tinh thần sẽ bỏ bài thi năng lực, không lấy giờ giảng của thầy cô làm thành tích của tập thể của nhà trường, không yêu cầu viết sáng kiến kinh nghiệm theo hình thức giấy tờ để mang tính chất hình thức nếu có,… và giảm tải số giờ dạy tối đa, lấy chuẩn nghề nghiệp làm căn cốt.
“Nếu có xu hướng vô hình áp đặt của cơ sở thì đó là lỗi của việc thực thi. Nếu phương án mới được đưa ra với những ràng buộc vô hình không còn nữa, mà vẫn còn nặng thành tích, thì việc thực thi ở đâu có lỗi cần phải chấn chỉnh.
Bộ muốn tạo ra những điều tốt nhất cho các thầy cô khi có sân chơi lành mạnh, phù hợp để khẳng định nghề nghiệp. Không chỉ riêng ngành giáo dục mà tất cả các ngành khác như y, lao động, đầu tư xã hội đều có những cuộc thi tương tự.
Phần lớn các thầy cô vẫn muốn giữ hoạt động nghề nghiệp này để làm nơi tôn vinh chính tay nghề và cũng rất nhiều người trưởng thành và được ghi nhận ở cơ sở thông qua hoạt động này. Không thể vừa muốn được ghi nhận vừa không muốn có bất cứ một ràng buộc nào vì đã vào một chơi sân thì phải theo luật và phải chấp nhận một áp lực thì mới bứt phá để khẳng định. Không có sân chơi nào không áp lực, không muốn áp lực thì không vào”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đang rất cầu thị và thận trọng để lấy thông tin từ các thầy cô. “Bởi mong muốn tới các thầy cô, mà thầy cô không ủng hộ thì cũng phải cân nhắc”.
Dự kiến, đầu năm học mới, dự thảo thông tư này sẽ được công bố theo hướng vẫn giữ cuộc thi với những thay đổi để xin ý kiến xã hội nhằm hoàn chỉnh. Nếu có thể kịp, Bộ sẽ ban hành luôn trong học kỳ 1 năm học này để các thầy cô có phương án tham gia.
Thanh Hùng
Bảng lương mới của giáo viên được tính ra sao?
- Lương giáo viên tới đây sẽ trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp, bỏ phụ cấp thâm niên, rút ngắn khoảng cách lương giữa người mới và người làm lâu năm.