“Nói tới Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, là nhớ tới ba bài học phát triển giáo dục đại học thời kỳ đầu của đất nước. Trong điều kiện kháng chiến chống Pháp vô cùng khó khăn nhưng nền đại học vẫn được duy trì. Tư tưởng dân chủ để tập hợp đông đảo trí thức và các tầng lớp xã hội khác cùng đóng góp trí tuệ xây dựng nền giáo dục của ông đã được hình thành ngay từ buổi đầu cách mạng và xuyên suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp…”.

{keywords}
Cha tôi khi mới đến Montpellier, Pháp, năm 1926, bắt đầu cuộc hành trình đến luận án tiến sĩ. Ảnh: Tư liệu gia đình

Kỷ vật của cha…

Khoảng quý 2 năm 2014, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên sẽ mở cửa đón công chúng. Bảo tàng gọn nhỏ nằm trong khuôn viên ngôi nhà 4 tầng với diện tích khoảng gần 250m2 ở Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội - quê nội của chúng tôi.

Bảo tàng có 3 chủ đề trưng bày, giới thiệu về tuổi trẻ của cha mẹ chúng tôi, câu chuyện nghiên cứu khoa học của cha và những hoạt động của ông trong gần 30 năm lãnh đạo ngành giáo dục. Cùng với câu chuyện của cha là những câu chuyện về mẹ, về cuộc sống của gia đình chúng tôi trong những năm tháng chiến tranh; những thăng trầm trong cuộc sống, những kỷ niệm, những dấu ấn khó phai của một gia đình nhỏ mà qua đó nói về cả xã hội, đặc biệt là giới trí thức. Phần trưng bày cũng sẽ tái tạo lại căn phòng làm việc của cha khi ông là một nhà nghiên cứu dân tộc học vào những năm 1936-1945. Các câu chuyện trong mỗi chủ đề trưng bày sẽ được kể bằng cả ảnh tư liệu và các hiện vật gốc với mong muốn cho công chúng một cái nhìn thật nhất, một ấn tượng khó phai nhất về một thời điểm lịch sử nhất định…

Những ngày áp Tết Giáp Ngọ, chúng tôi ngồi soạn, xem lại các món kỷ vật của cha từ thời học đại học rồi làm nghiên cứu sinh tại Pháp niên khóa 1929-1930, 1930-1931; những ghi chép bài giảng của GS Marchel Granet - một học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về văn minh Trung Hoa, hay Marcel Mauss - một nhà xã hội học bậc thầy, một trong những cha đẻ của nền nhân học Pháp; các thẻ thư viện, phích phiếu tư liệu, phiếu phỏng vấn điền dã khi chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ; đến cả các thông báo, thư mời dự buổi bảo vệ luận án, các tin tức và bình luận đăng trên báo chí Pháp và trong nước khi ông trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn chương tại trường Đại học Sorbone, Paris, năm 1934… Tất cả đều được ông sắp xếp và cất giữ nguyên vẹn. Trong thư viện của ông còn lưu giữ hàng trăm cuốn sách tiếng Pháp được ông mua hay do những vị giáo sư nổi tiếng, những người thầy như Jean Przyluski hay đồng nghiệp như G. Coedes, V. Goloubew, Paul Mus, Paul Levy, P. Huard, M. Durand, Phạm Duy Khiêm, Vũ Văn Hiền… đề tặng cùng rất nhiều sách chữ Hán được ông sưu tầm hoặc thuê các nhà Nho chép lại. Có cả một lá thư viết tay của nhà thơ Pháp, viện sĩ Paul Valery gửi ông ngày 22.3.1934 khi nhận được cuốn Hát giao duyên của trai gái Việt Nam– một trong hai cuốn sách đầu tay của ông xuất bản tại Pháp…

Bảo tàng sẽ giới thiệu cho công chúng những bước đi đầu tiên và sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong 30 năm từ 1945-1975: Đó là những tư liệu về khoa học xã hội và nhân văn cách đây gần cả thế kỷ. Còn những tư liệu, hiện vật trong suốt gần 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì vô cùng phong phú: Những bút tích của Hồ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các ghi chép khi họp Hội đồng Chính phủ hay kiểm điểm chỉnh huấn giữa các vị bộ, thứ trưởng, thành viên của Chính phủ kháng chiến; các công văn, giấy tờ đánh máy trên giấy bản, giấy dó gắn với nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử nền giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; con dấu bằng chì đúc tên ông dùng thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc; thời khóa biểu và bài giảng tại Đại học Pháp lý những năm 1950; các bản thảo sách giáo khoa ông biên soạn như Sử ký (tập 1 và 2) hay các tài liệu dịch như Biểu thống kê kinh tế để giảng dạy cho học sinh trung học chuyên khoa…

Di sản của một vị bộ trưởng

{keywords}
Cha mẹ tôi ngày cưới, năm 1936. Ảnh: Tư liệu gia đình

Cha tôi sinh ngày 16.11.1905. Nhìn lại tiểu sử của cha, tình cờ, chúng tôi thấy có hai ngày trong tháng 11 quan trọng với ông: Ngày 15.11.1945, trong bài diễn văn đọc tại lễ khai giảng năm học đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam, ông nêu lên tôn chỉ, tâm huyết của mình đối với sự nghiệp giáo dục. Tháng 11.1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không phải là Đảng viên, ông vẫn được tín nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong gần 29 năm.

Cha tôi gắn bó với sự nghiệp giáo dục, nhất là sự nghiệp giáo dục đại học nước nhà ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Vũ Đình Hòe - Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của Chính phủ lâm thời - nhớ lại, khi mời Nguyễn Văn Huyên làm cố vấn cho bộ thì ông đã nói: “Tôi đâu dám. Cố vấn cho bộ phải là một hội đồng. Hội đồng quốc gia giáo dục. Tôi sẽ tìm các vị cố vấn cho anh” (1). Và “một đạo sắc lệnh ngày 10-10-45 đã thiết lập một Hội đồng cố vấn Học chính để giúp Bộ Quốc gia Giáo dục giải quyết các vấn đề giáo dục” (2). Dựa vào Hội đồng cố vấn với những trí thức tài ba và có nhiều kinh nghiệm là một cách làm dân chủ và khôn ngoan để lắng nghe những ý kiến đóng góp và phản biện với những chủ trương và biện pháp phát triển giáo dục.

Tư tưởng dân chủ để tập hợp đông đảo trí thức và các tầng lớp xã hội khác cùng đóng góp trí tuệ xây dựng nền giáo dục của ông đã được hình thành ngay từ buổi đầu cách mạng và xuyên suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Với tư cách là Tổng Giám đốc Đại học vụ, ông trực tiếp lãnh đạo ngành đại học và Đại học Quốc gia ở Hà Nội. Tại buổi lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam tổ chức vào ngày 15.11.1945 tại Hà Nội, cha tôi đã đọc một bài diễn văn quan trọng xác lập những nhiệm vụ và đường hướng phát triển nền đại học lúc bấy giờ. Ông nhấn mạnh trọng trách của giáo dục đại học: “Chúng tôi cảm thấy cùng có trách nhiệm đào tạo một số đông những người có đủ đức tính và khả năng để lãnh đạo cho quần chúng, những bậc quân tử, nếu các ngài cho phép tôi dùng một chữ cổ, trong nghĩa cổ, của một nền văn minh Đông phương, những người vừa biết trau dồi về kiến thức để có thể tự biết phẩm bình mọi lực lượng văn minh, vừa biết xử sự về thực tế để có thể đem áp dụng ngay trong đời sống những điều hiểu biết của mình, để cùng anh chị em đồng bào các giới nêu cao ngọn quốc kì trong mọi cơn giông tố, và trong mọi cuộc hội họp quốc tế về văn hóa trên nền hòa bình, công lí, tự do, hạnh phúc, bác ái xán lạn của nhân loại mai sau” (3).

Điều đặc biệt là diễn văn khai mạc của ông đã thể hiện một tư tưởng hoàn toàn mới trong việc hình thành đội ngũ giáo sư giảng dạy ở đại học lúc đó. “Về vấn đề giáo sư, chúng tôi có trách nhiệm là lập hẳn một ngạch mới vì nền tảng của [thời] Pháp thuộc để lại đã quá mỏng yếu. Trong sự lựa chọn giáo sư là những vị có nhiệm vụ tối cao dẫn đạo cho các bạn thanh niên, trí thức tân tiến nước nhà trong thời gian lịch sử quan trọng này, chúng tôi đã căn cứ không chỉ về bằng cấp mà cả về kinh nghiệm. Chúng tôi đã chú trọng tới những nhà chuyên môn có trực tiếp thẳng tới đời sống của dân tộc, tới tất cả những ngành hoạt động trong nước như bác sĩ, bác học, kỹ sư…” (4).

Cách làm này chính là xuất phát từ tư tưởng của Hồ Chủ tịch tập hợp và tranh thủ mọi lực lượng xã hội để kiến quốc, dựa vào sức dân để xóa nạn mù chữ theo tinh thần “người biết dạy người chưa biết; người biết nhiều dạy người biết ít” mà nền đại học được xây dựng từng bước, hình thành được đội ngũ giáo sư đại học rất đa dạng và tài năng là người Việt Nam.

Qua các nguồn tư liệu, có ba vấn đề quan trọng có thể dễ dàng nhận thấy, và đây cũng là định hướng hết sức đúng đắn cho sự phát triển của nền giáo dục đại học thời kỳ trứng nước của chúng ta, đó là: Đại học là nền tảng của kiến thiết quốc gia. Điều hành bằng các hội nghị giáo dục mà trong đó chú trọng tính dân chủ trong quyết định. Lấy sự hợp lí hóa kế hoạch, hợp lí hóa lãnh đạo, hợp lí hóa sự chấp hành làm đầu. Xây dựng các trung tâm đại học, trước hết là 2 ngành y và sư phạm để đào tạo cán bộ kịp thời phục vụ nhu cầu cấp bách của kháng chiến.

Khi nghiên cứu các văn bản hành chính, biên bản các cuộc hội nghị giáo dục trong thời kháng chiến chống Pháp…, một điều nhận thấy đặc biệt rõ nét của công tác giáo dục thời kỳ này là các quyết sách lớn về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đều dựa trên việc thảo luận dân chủ và tôn trọng ý kiến của các nhân sĩ, trí thức thuộc các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, các thầy cô giáo có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và quản lý giáo dục. Các quyết sách định hướng phát triển giáo dục được quyết định ngay trong các hội nghị giáo dục. Hội nghị không phải chỉ bàn thảo rồi để đấy mà bàn để đi đến những quyết định trực tiếp. Đó là phong cách quản lý giáo dục của thời kỳ khó khăn này.

(Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam/ Lao Động)

---------

(1). Nguyễn Văn Huyên: Một tấm gương đáng quý và cao đẹp, NXB GD, 2007, tr. 22.

(2). Bản thảo Báo cáo về sự hoạt động của Bộ Quốc gia Giáo dục từ tháng 8 năm 1945. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3.

(3). Lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyên tại buổi Lễ khai giảng trường ĐHQGVN, 15/11/1945. Hồ sơ lưu trữ của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, Hồ sơ Nguyễn Văn Huyên, cặp 14. Bài đăng trong Nguyễn Văn Huyên toàn tập (tập 3), tr. 15.

(4). Như trên, tr. 13.