Chiều ngày 27/7, trong phần thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nhìn nhận về cơ cấu vốn ngân sách Trung ương, qua Tờ trình của Chính phủ thì giáo dục, đào tạo và dạy nghề hiện nay phân bổ là 3,8%.
“Luật Giáo dục có nói là tổng chi cho giáo dục ít nhất 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Do đó, chỗ này tôi cho rằng vẫn còn thấp” – vị ĐB này nhận xét.
Nhiều đại biểu quốc hội kiến nghị tăng mức đầu tư cho giáo dục của ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh minh họa: Thúy Nga |
Bà Dương Minh Ánh (ĐB của TP Hà Nội) cũng cho rằng “dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ở mục Phụ lục 3, nguồn kinh phí cho lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp khoảng 22.970 tỷ đồng, chiếm 2,52% nguồn vốn ngân sách trung ương. Như vậy, cho thấy nguồn lực chưa cân đối và chưa đảm bảo được mục tiêu phát triển giáo dục".
Vị đại biểu này cũng đồng tình với quan điểm về tự chủ: thay vì cắt giảm kinh phí chi thường xuyên thì chúng ta lấy nguồn kinh phí đó để tăng cường nguồn đầu tư cho các trường để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Vì vậy, bà Ánh đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2015 cho lĩnh vực này.
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cũng đề nghị dành một nguồn đầu tư công thỏa đáng đối với đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị nguồn nhân lực và lực lượng sản xuất khi tới năm 2039 là đất nước ta sẽ kết thúc giai đoạn dân số vàng.
“Chúng ta cần phải tăng đầu tư cho y tế, văn hóa, giáo dục và phải xem lại việc phân bổ dự án đầu tư cho một số những dự án chưa thực sự là cần thiết” - đây là ý kiến của ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội).
Ông Cường dẫn chứng, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay đang rất thấp.
"Chúng ta chỉ đầu tư có 0,33% GDP trong khi đó những nước ở trong khu vực thấp như là Indonesia cũng đầu tư gấp đôi chúng ta khoảng 6,4%; Trung Quốc gấp 3 lần chúng ta khoảng 8,7%; Úc gấp 5 lần chúng ta là 1,5%; Phần Lan gấp 6 lần là 1,98%. Như vậy, khi chúng ta đầu tư thấp như thế này làm sao nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” – ĐB Cường so sánh.
Do vậy, theo vị ĐB của TP Hà Nội, với đầu tư thấp như thế thì phải thấy hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực giáo dục hiện nay đang được đánh giá cao nhất.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) lại băn khoăn của mình ở một khía cạnh khác: Dự thảo báo cáo tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 cũng như tất cả các kế hoạch kinh tế - xã hội từ trước tới giờ đều xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện ưu tiên cho giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, tỷ lệ chi ngân sách cho các lĩnh vực trên thời gian qua hầu như chưa bao giờ đạt được mục tiêu đề ra.
“Tôi cho rằng chi cho giáo dục, đào tạo suy cho cùng là chi đầu tư. Các chính sách cho lĩnh vực này nên được mở rộng, như chính sách nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài, chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng của nhà nước, chính sách đổi mới sáng tạo... Theo đó, các khoản chi ngân sách nhà nước cũng cần tập trung vào chất lượng và sản phẩm đầu ra” – ĐB Thơ đề xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết theo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỉ đồng. Trong đó 1,5 triệu tỉ đồng vốn ngân sách trung ương và 1,37 triệu tỉ đồng vốn ngân sách địa phương. Trong phương án phân bổ, tổng số vốn ngân sách trung ương dự kiến bố trí cho 13 ngành, lĩnh vực. Trong đó, vốn tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế với 74,1% tổng số vốn kế hoạch. Lĩnh vực quốc phòng chiếm 7,7%; Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%; Y tế, dân số và gia đình chiếm 3,2%; Khoa học và công nghệ chiếm 1,8%; Văn hóa thông tin chiếm 1,12%. |
Phương Chi
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Phải tăng đầu tư cho giáo dục bằng nhiều cách
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, học phí có hạn phải gia tăng tổng đầu tư cho giáo dục bằng nhiều cách thì mới có thể làm nhiều việc cùng một lúc.