GS Vũ Đức Vượng trao đổi về câu chuyện thời sự: Nhập khẩu giáo trình và tự chủ tài chính tại một số trường ĐH Việt Nam...

Một số trường ĐH Việt Nam sẽ được tự chủ tài chính trong thời gian tới, theo ông, đây có phải là tin tốt lành?

- GS Vũ Đức Vượng: Tin này chỉ thực sự là tin tốt nếu nó đi cùng với tự trị về quản lý và tự do học thuật, như một chiếc kiềng ba chân - mà thiếu một thì không thể đứng được.

Tự chủ tài chính thực ra là một khía cạnh tương đối nhỏ trong kế hoạch cải tổ giáo dục bậc ĐH Việt Nam. Đa số các trường ngoài công lập đã đạt được sự tự chủ này: họ thu học phí, trả lương giảng viên, nhân viên, xây cất trường ốc, tặng học bổng cho sinh viên ưu tú hay có hoàn cảnh khó khăn...và còn đóng thuế thu nhập cho nhà nước nữa.

{keywords}
GS Vũ Đức Vượng

Cho nên dự kiến tự chủ tài chính sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các trường công lập, và nếu có kinh nghiệm các trường công lập bên Mỹ trong nửa thế kỷ qua là một thí dụ, thì nhà nước sẽ giảm ngân sách cho các trường công, buộc các trường này sẽ phải xét lại biên chế cho hiệu quả hơn, chắc chắn sẽ phải tăng học phí, và dần dần sẽ phải hành xử giống như các trường ngoài công lập hơn.

Trong bối cảnh đó, quyền tự trị về quản lý và tự do học thuật sẽ quyết định sự thành công và hiệu quả của mọi trường ĐH, dù là công hay tư. Tôi nghĩ đấy mới là hai vấn đề then chốt của cải tổ giáo dục ĐH Việt Nam.

Nhưng bắt đầu từ chuyện nhỏ: học trình. Nếu tự chủ tài chính mà không tự chủ chương trình giảng dạy thì điều gì sẽ xảy ra?

- Nhiều thứ tiêu cực sẽ xảy ra, bắt đầu từ việc củng cố tinh thần vô trách nhiệm trong giáo dục cũng như trong xã hội. Mặt trái của những quy định và kiểm soát quá khắt khe, nhiều khi chồng chéo nhau trong giáo dục là tạo một chỗ trú ẩn cho những ai thiếu trách nhiệm hay thiếu khả năng: Họ luôn luôn viện cớ là "không được làm" cái này, cái nọ...để lười không phải sáng tạo cũng như tránh trách nhiệm khi sai phạm.

Tiêu cực thứ hai là nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục dạy cho có hình thức, chỉ chú trọng ở đầu vào (tuyển sinh) để thu học phí mà ít quan tâm đến đầu ra (kết quả), và khi trao mảnh bằng rồi thì sống chết mặc bay.

Một tiêu cực nữa cũng khá phổ biến là một số trường sẽ chỉ là những doanh nghiệp phục vụ các nhà đầu tư thay vì chú trọng phục vụ sinh viên. Chỉ khi nào tự chủ tài chính đi cùng với tự do học thuật và tự trị về quản lý thì chúng ta mới có hy vọng dạy và học nghiêm túc để đào tạo những thế hệ Việt trẻ vừa là công dân tốt vừa là con người tốt.

Trong "hoàn cảnh" mà sự thay đổi còn đặt ở xuất phát điểm thấp, thì nghĩ đơn giản, muốn thay đổi chương trình giảng dạy để nâng tầm đại học Việt Nam thì chỉ cần thay đổi giáo trình. Với một số ngành, thì nhập khẩu giáo trình là một con đường dễ dàng. Nhưng theo ông, vì sao tại ĐH Việt Nam, việc thay đổi toàn diện giáo trình khó khăn đến vậy?

- Vì giáo trình cũng là một phần tương đối nhỏ của giáo dục. Quyết định "dạy cái gì?" thì đơn giản hơn những vấn đề khác như "Dạy thế nào?" "Ai được dạy?" "Dạy cho ai?" "Dạy để làm gì?"...

Giáo dục trên thế giới đã vượt xa chúng ta nên mượn giáo trình của họ không có khó gì. Cái khó là chúng ta có dám chấp nhận lối tư duy của các giáo trình đó không? Hoặc nhà nước chúng ta có dám tin vào những người làm giáo dục và "cởi trói" để họ có thể làm giáo dục chân chính? Hay chúng ta vẫn khư khư "trói buộc" và kiểm soát từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong nhà trường, và hậu quả như ta đã thấy.

(Theo Nguyễn Vinh/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn)