Tôi bước chân vào lĩnh vực mầm non khoảng 10 năm trước, trong lúc chờ đợi cơ hội để trở thành giảng viên đại học. Thời gian đầu, tôi làm việc trong trường mầm non chủ yếu tập trung vào việc chăm sóc trẻ, giáo viên cũng giống như người giữ trẻ, đảm bảo cho các con ăn được, tăng cân, an toàn, không về nhà với những vết trầy xước.

Tuy nhiên, sau nhiều năm trong nghề và được tiếp xúc với các phương pháp giáo dục khác nhau, đặc biệt phương pháp Steiner, tôi bắt đầu thấm nhuần vai trò thiêng liêng của một giáo viên mầm non.

Phương pháp giáo dục này quan niệm rằng trẻ em học hỏi bằng cách bắt chước người lớn, do vậy giáo viên chính là hình mẫu cho trẻ. Người giáo viên cần phải “work so that all your actions are worthy of imitation” – “làm mọi việc sao cho tất cả những hành động của bạn đều xứng đáng để trẻ bắt chước”.

Trong môi trường Steiner, khi giáo viên làm một việc gì đó thì sẽ thực hiện với sự chú tâm trọn vẹn, tĩnh lặng, tập trung hoàn toàn vào công việc mình làm. Khi nói đến việc làm hình mẫu cho trẻ, không chỉ là bản thân công việc như rửa chén, quét nhà, chuẩn bị bàn ăn… mà còn là sự thảnh thơi, niềm vui, vẻ đẹp khi đang làm công việc đó. Thực hành bền bỉ như vậy trong 5 năm qua, tôi duy trì được chú tâm thường xuyên vào trạng thái bên trong của mình mỗi ngày tới lớp học. Mỗi lần nói hay làm gì, hành động gì, tôi đều chú ý đến trạng thái cảm xúc của mình, nuôi dưỡng sự bình an bên trong.

{keywords}
Cô giáo Lã Thị Kim Oanh

Còn nhớ khi mới vào nghề cách đây khoảng 10 năm, cũng có lúc tôi cáu gắt, quát mắng trẻ, hay đập tay lên bàn để thu hút sự chú ý, thể hiện “quyền lực”… Giờ đây, khi tôi duy trì sự tỉnh thức bên trong, cùng với hiểu biết về từng giai đoạn phát triển của trẻ, mỗi ngày đến trường đều nhẹ nhàng thảnh thơi. Tôi đón nhận những tình huống diễn ra trong lớp học một cách bình tĩnh, không bị hoảng loạn bên trong. Khi một em bé đến lớp ngày đầu khóc lóc, tôi biết là em sẽ khóc trong bao lâu. Tôi ở bên cạnh em bé với sự tin tưởng và an yên bên trong của mình, em bé sẽ nhanh chóng làm quen với môi trường mới.

Cũng giống việc nuôi dạy con cái khiến cha mẹ trở thành con người tốt hơn, làm giáo viên mầm non giúp tôi chuyển hoá chính mình.

Tại ngôi trường tôi làm việc, mỗi tuần đều có một buổi phát triển bản thân, nơi mọi người chia sẻ về những vấn đề trong cuộc sống và được lắng nghe không phán xét. Trong các cuộc họp, giáo viên được nói ra ý kiến, ý tưởng của mình, được góp ý và hỗ trợ để thực thi ý tưởng.

Trong môi trường như vậy, từ chỗ chỉ chú trọng vào lớp mình, muốn mình được công nhận là người giỏi nhất, tôi trở nên quan tâm đến các lớp khác, đến mọi “ngóc ngách” trong trường, muốn chia sẻ những gì mình biết với mọi người. Tôi nhận ra rằng không nên có giáo viên chính - phụ trong lớp học, trong một trường học không nên có ai đó nổi bật quá, ai đó chìm nghỉm quá, mỗi người đều nên là “thủ lĩnh” của chính mình, đều có thể tiến bộ và tỏa ánh sáng của mình.

{keywords}
 

Khởi đầu như một công việc kiếm tiền, nghề giáo viên mầm non đã trở thành tình yêu, chuyển hoá con người tôi, khiến tôi trở thành một người bình an hạnh phúc hơn, yêu thương và chia sẻ với người khác hơn. Tôi cũng thay đổi cái nhìn của gia đình về nghề nghiệp của mình. Từ chỗ muốn con gái làm nhà nước ổn định, gần nhà, bố mẹ tôi đã hiểu, trân trọng công việc và lựa chọn của tôi hơn.

Câu chuyện phong bì và mối quan hệ với phụ huynh

Như đã chia sẻ ở trên, trong vài năm đầu làm việc ở trường mầm non, tôi đã từng làm trong các môi trường chú trọng nhiều vào việc chăm sóc, ăn uống của trẻ. Thời lượng bữa ăn trong trường nhiều, có những trẻ hơn 3 tuổi mà giáo viên vẫn xúc cho trẻ ăn. Áp lực phải giúp trẻ tăng cân, đáp ứng yêu cầu của phụ huynh khiến giáo viên bị căng thẳng, đôi khi phải ép trẻ ăn, phải nói dối về việc ăn của các con.

Trong môi trường này, cha mẹ học sinh thường biếu phong bì cho giáo viên vào những ngày lễ Tết. Việc giáo viên nhận phong bì cũng diễn ra phổ biến. Dễ hiểu là giáo viên sẽ để mắt hơn đối với những bạn mà cha mẹ biếu phong bì nhiều tiền hơn. Tôi cũng từng nhận phong bì của phụ huynh, dù cảm thấy không thoải mái. Nếu như học sinh đó không tăng cân hoặc bị trầy xước… tôi thấy xấu hổ với phụ huynh em đó. Mặc dù được đánh giá là một giáo viên tốt, được cha mẹ học sinh yêu mến, tôi không hoàn toàn cảm thấy dễ chịu trong mối quan hệ này.

Còn ở nơi làm việc hiện tại, giáo viên không nhận phong bì. Khi không nhận phong bì, kết nối giữa giáo viên và gia đình trẻ không hề thuyên giảm, tất cả học sinh đều được đối xử, quan tâm như nhau. Tôi không cảm thấy sợ sệt, phụ thuộc vào phụ huynh nữa mà vui vẻ, bình đẳng.

{keywords}
Cô Lã Thị Kim Oanh hướng dẫn phụ huynh trong workshop Trò chơi nuôi dưỡng giác quan cho trẻ.

Tôi nhớ mãi trường hợp học sinh 19 tháng, khi mới đến trường 1 tháng, con ăn rất ít, nhiều hôm không ăn gì. Khi nói chuyện với phụ huynh, bố mẹ rất thông cảm, bảo ở nhà con cũng ăn ít như vậy... Sau một tháng, con lại là trẻ ăn nhiều và nhanh nhất lớp, ăn tất cả đồ ăn, khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên và vui mừng. Các thầy cô ở trường cảm thấy biết ơn vì phụ huynh thấu hiểu, nhờ đó giáo viên dù sốt ruột nhưng không bị áp lực, không ép học sinh ăn, để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên.

Khi phụ huynh tôn trọng, tin tưởng vào giáo viên, chúng tôi có thể hoàn toàn chân thật, kể hết cho phụ huynh nghe về tình hình của trẻ ở trường. Nếu như trước đây tôi có thể nói giảm nói tránh hay an ủi “con ăn chút ít” thì bây giờ nếu con không ăn thì nói không ăn, không ngủ thì nói không ngủ. Điều này khiến bản thân tôi cũng như những giáo viên mầm non khác cảm thấy nhẹ nhõm hơn, gắn kết với học sinh và phụ huynh hơn, có thêm sức mạnh để cùng gia đình hỗ trợ trẻ.

Lã Thị Kim Oanh, Hà Nội

(Hằng Nguyễn ghi)

Người đàn ông quyết bỏ việc văn phòng xin làm thầy giáo mầm non

Người đàn ông quyết bỏ việc văn phòng xin làm thầy giáo mầm non

- Quyết định bỏ công việc văn phòng dù đã được vào biên chế, anh Cao Văn Chương (nhân viên hành chính của Trường Mầm non Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đang chờ cơ hội được trở thành thầy giáo mầm non.