Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Phạm Văn Hựu (TP.HCM) vẫn tự học để khai thác máy tính cùng mạng internet trong cuộc sống và công việc nối kết cộng đồng.

"Tin học là vật báu của thời đại"

Nguyên là phó giáo sư, bác sĩ của Cục Quân Y nghỉ hưu từ năm 1998, đến nay, ở tuổi 90, ông Phạm Văn Hựu vẫn giữ được sức khỏe cùng trí tuệ minh mẫn ít có, vẫn bền bỉ tham gia các hoạt động cộng đồng. 

Hằng ngày, ông thường dạy sớm, tập thể dục và đi bộ nhanh 60 phút. Đặc biệt, với tư chất ham học, ông đã tự làm quen, tập dần thao tác máy tính, nối mạng internet. Công nghệ thông tin thực sự đã hấp dẫn ông: Một khoảng trời tri thức rộng mở trên nhiều lĩnh vực xã hội, và nhân văn y học…

{keywords}
Ông Phạm Văn Hựu

Sau một thời gian tiếp cận máy tính, ông nhận ra “Tin học là một báu vật của thời đại nếu người sử dụng có tấm lòng hướng thiện”. Công nghệ thông tin giúp mở ra một chân trời hiểu biết, trí tuệ và khả năng mà thế hệ của ông, cùng những thế hệ trước đó chưa từng biết đến, chưa từng thụ hưởng, nay mở rộng cho tất cả mọi người.

Tháng 8/2010, khi 82 tuổi, ông và một số đồng nghiệp thành lập trang web quân dân y để ghi nhận, giới thiệu với cộng đồng mạng về truyền thống của ngành Y tế nhân dân và y tế quân đội, các danh nhân y dược Việt Nam cùng giới thiệu với các đồng nghiệp trẻ một số kiến thức hiện đại về y học quân sự, y học thảm họa. Trang web hoạt động không lợi nhuận với mục đích chia sẻ kiến thức. 

Gần 7 năm hoạt động, trang web có gần 300 nghìn lượt xem, với hàng trăm bài viết về y học. Các công trình lịch sử của ngành y tế nhân dân, y tế quân đội, lịch sử y tế nhân dân một số tỉnh, lịch sử quân y một số chiến trường, một số tạp chí y học quân sự… đã được số hóa, được lưu chiểu theo chế độ tạo ra một cơ sở khoa học đáng tin cậy tham khảo cho những công trình khoa học y dược tiếp theo. Những cố gắng này đã có ảnh hưởng trong ngành và bắt đầu được độc giả trong ngoài ngành biết đến. 

Nói về công việc của mình, ông Phạm Văn Hựu cho rằng, thầy thuốc và thầy giáo có lẽ là hai nghề có tính nhân văn cao nhất trong các ngành nghề. Đặc biệt, với nghề Y, vì hạnh phúc của người bệnh không cho phép người chữa bệnh yếu kém, phải luôn luôn có tấm lòng bồ tát và bàn tay lương y. 

“Nhưng người làm nghề y cũng phải biết ít nhiều về cuộc cách mạng 4.0 – cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4, để tiếp thêm trí tuệ, cập nhật thông tin khoa học, phục vụ cho công việc chữa bệnh cứu người”. Đó cũng là ý nghĩa mà ông hướng đến trong công việc đang làm.

Miệt mài và quyết tâm, vị bác sỹ già vẫn từng ngày cặm cụi xây dựng nội dung cho trang web. Ông làm việc đều đặn với máy vi tính, thường xuyên sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp trong việc dịch tư liệu y học quân sự, sưu tầm tài liệu.

Ông thường sử dụng Goolge để tìm hiểu thông tin, chú giải cho các vấn đề y học từ cổ truyền tới hiện đại trên những bình diện rộng về sinh y học. Thậm chí cả những vấn đề thuần túy khoa học y học, dược học… cũng đều thu được kết quả tích cực, có khi vượt cả mong đợi. 

“Những nội dung này rất phong phú, không thể tóm tắt được. Chỉ có vấn đề là thời gian tìm kiếm dài hay ngắn, người tìm kiếm cần kiên nhẫn và sẽ được đền bù xứng đáng” – ông chia sẻ.

Vẫn muốn đến trường để thành thạo quản trị web

Dù vui lòng với khả năng gần như không giới hạn của công nghệ, ông lại gặp không ít khó khăn về thao tác kỹ thuật sử dụng công nghệ này. Kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm tin học chưa thành thạo khiến ông nhiều khi lúng túng, vất vả. 

{keywords}
Trang web do ông Hựu đồng sáng lập và quản trị

Để khắc phục, ông thường tự học và mong muốn được tiếp thu kiến thức công nghệ thông tin một cách có hệ thống. Tuy vậy, vì tuổi cao, nên trước đây nguyện vọng ấy vẫn chỉ là mong đợi. Nhưng mới đây, ông đã tham gia học đại học trực tuyến về công nghệ thông tin với mong muốn tự hoàn thiện. 

Nói về mình, ông Phạm Văn Hựu không cho rằng trí nhớ, sức khỏe hay khả năng làm việc trí óc của mình là minh mẫn hay đặc biệt. Mà đó là “quen chịu khó chịu khổ từ nhỏ, lâu ngày thành thói quen không bỏ được”.

Cuộc sống hiện tại của ông dựa trên những suy nghĩ đơn giản: “Tôi cho rằng cần tự tin, tiềm năng sinh học con người là rất lớn. Sống gần với tự nhiên nơi mình có, không phiền trách, hòa thuận với mọi người, nhường nhịn trước mọi xung đột. Lao động chân tay và trí óc hợp lý với cá nhân, có theo dõi và điều chỉnh nếu cần thiết. Cố gắng cống hiến cho cộng đồng cao nhất trong điều kiện của mình. Cần tạo lập niềm đam mê lành mạnh có ích cho mình, cho cộng đồng, làm cho cuộc sống luôn tràn đầy cố gắng khi nhắm tới mục tiêu hướng thiện. Mọi thành quả lao động cá nhân đều rất bé nhỏ trong cống hiến của cộng đồng”.

Ông tâm sự “Tôi không có lời khuyên nào mà chỉ giãi bày suy nghĩ sâu lắng của mình: hư danh, tiền bạc, thú vui nhục thể… không đem lại lợi ích cho cá nhân. Trí tuệ, tri thức phải tự trau dồi tích lũy bằng lao động tự thân, tiền bạc và thế lực ngoại sinh là vô ích. Lẽ sống và lối sống cá nhân sẽ quyết định phẩm giá và năng suất cống hiến của mỗi người”.

Quỳnh Anh