Học sinh không có gì phải bỡ ngỡ

Đây là nhận xét của ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên).

Theo thầy Minh, đề thi THPT môn Ngữ văn năm 2020 được ra theo cấu trúc gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm) ra một văn bản nghị luận và hỏi 4 câu hỏi; phần làm văn (7 điểm) với 2 câu Nghị luận xã hội (2 điểm) và câu Nghị luận văn học (5 điểm).

{keywords}
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Thanh Tùng

Trong đó, câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề đặt ra trong văn bản ở phần đọc hiểu. Đây là cấu trúc quen thuộc, ổn định trong nhiều năm trở lại đây. Học sinh đã quen thuộc với cấu trúc này nên không có gì bất ngờ, bỡ ngỡ.

Phần đọc hiểu cho một đoạn trích trong "Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường", hỏi 4 câu. Với 3 câu đầu mức độ nhận biết, câu 4 mức độ vận dụng, cả 4 câu hỏi này đều ở dạng quen thuộc, mức độ dễ nên học sinh sẽ dễ dàng làm được.

Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Trong bối cảnh dịch Covid–19, theo thầy Minh, đề thi đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa. Tuy nhiên, cách hỏi quen thuộc nên không làm khó học sinh.

Câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích tư tưởng "Đất nước của nhân dân" trong bài “Đất nước” (Trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm). Đoạn thơ nói về những con người nhỏ bé, bình dị, vô danh qua bao nhiêu thế hệ đã bền bỉ, lặng thầm góp sức mình bảo vệ và dựng xây đất nước. Đây là một vấn đề có ý nghĩa thực tế, gợi cho ta liên tưởng đến những “anh hùng thầm lặng, vô danh” trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid–19 của cả nước. Câu này chỉ ra một mức độ cơ bản mà không kèm theo yêu cầu nâng cao như mọi năm.

Thầy Minh nhìn nhận đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay được ra với cấu trúc quen thuộc, bám sát chương trình 12, bám sát chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT, mức độ nhẹ nhàng, không làm khó, không đánh đố học sinh.

"Tuy nhiên vì dễ nên độ phân hóa thấp, nhiều học sinh sẽ làm được, dự đoán điểm sẽ cao. Đề này phù hợp với xét tốt nghiệp. Cách hỏi của đề thi năm nay cũng quen thuộc, không có gì mới mẻ, đột phá" - thầy Minh nói.

Cô Nguyễn Thúy Anh, giáo viên dạy Văn của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), cũng cho rằng nhìn chung đề thi năm nay bố cục và kiến thức không khác năm trước. “Đề thi cũng sát với đề tham khảo nên theo tôi không không làm khó học sinh”.

Tuy nhiên, cô Thúy Anh đánh giá cao việc chọn đoạn thơ trong bài Đất nước làm nổi bật công lao đóng góp thầm lặng mà phi thường của nhân dân cho đất nước.

“Sự lựa chọn rất tốt khi khơi dậy được tình cảm thiêng liêng đối với đất nước, cha ông với các thế hệ trẻ ở học sinh. Đồng thời cũng khơi dậy khát khao cống hiến và tình yêu đối với đất nước đẹp đẽ, phi thường”, cô Thúy Anh nhận xét.

Ở câu đọc hiểu, cô Thúy Anh đánh giá, việc chọn ngữ liệu vừa đủ, tư tưởng hành động gần gũi với cuộc sống, suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ.

Cô Thúy Anh dự đoán với đề thi này, điểm thi sẽ không thấp, phổ điểm chủ yếu sẽ trong khoảng từ 6-7 điểm (chiếm khoảng 55%), mức điểm 8,9 khoảng 20%...

Đề không khó nhưng quá dài

Cô Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên Ngữ văn của Hà Nội, cũng cho rằng đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo lần 2 do Bộ GD-ĐT công bố.

Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Trong đó, chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho. Với 3 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa. Và như vậy, phần đọc hiểu sẽ không làm khó và không làm mất thời gian của thí sinh.

{keywords}
Thí sinh đã trải qua môn thi đầu tiên không mấy khó khăn. Ảnh: Thanh Tùng

Phần Làm văn (7,0 điểm) giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm). 

Trong đó, câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu, đó là “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” – “sự cần thiết” được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của ý thức “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”.

Có thể thấy, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng form, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi – chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò.

Câu 2 (5,0 điểm) là bài nghị luận văn học, đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975. Và đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ.

Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút. 

"Nhìn chung, đề thi Ngữ văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học – câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi" - cô Tuyết nhận xét.

Phương Mai

Đáp án tham khảo môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2020

Đáp án tham khảo môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2020

Thí sinh đã làm xong môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2020. Sau đây là đáp án tham khảo môn Ngữ văn.