Thi cử có căng thẳng, áp lực vốn là lẽ thường; từ bài kiểm tra học kỳ ở trường làng hay bài kiểm tra tú tài A-level của trường quốc tế. Với một kỳ thi đa mục tiêu như THPT quốc gia, lại có quá khứ tách nhập, điều chỉnh liên tục suốt hàng thập kỷ qua, thì áp lực lớn là điều khó tránh khỏi.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) sáng 24/6. Ảnh: Thanh Hùng

Đặc biệt, kỳ thi của năm 2019 sức ép tâm lý với những người tổ chức còn tăng hơn nhiều, khi bóng đen của chấn động gian lận thi cử năm 2018 chưa bay hết. Sát kỳ thi, thông điệp làm nghiêm đã được hệ thống chính trị cao nhất đưa ra, như đề nghị cảnh cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang hay cách hết mọi chức vụ trong Đảng của Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La (riêng Hoà Bình thì vẫn...tạm hoà bình). Điều này ít nhiều "rung chuông vàng" cảnh báo Bộ GD-ĐT, các địa phương không thể lơ là.

Trong mấy tháng qua, ngành giáo dục và các địa phương đã nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi năm 2019 với tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi nghiêm túc. Sức ép giám sát của xã hội đặt ra nhãn tiền nhưng cũng là cơ hội cho các nhà tổ chức vực dậy niềm tin.

Áp lực "phải làm nghiêm" cùng một vài điều chỉnh kỹ thuật (như tỷ lệ tốt nghiệp từ kết quả bài thi và kết quả học 3 năm là 7:3 thay vì 5:5) sẽ tiếp tục dẫn đến một áp lực khác: Có thể kết quả tốt nghiệp năm nay khó lòng đẹp chằn chặn, cao chót vót thì sao?

Lịch sử thi cử đã có những bài học khi ngành giáo dục giương cao ngọn cờ "chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" nhưng chẳng bao lâu phải lặng lẽ hạ cờ. Tỉ lệ tốt nghiệp thấp sững sờ, 40-50%, thậm chí 14% đã khiến cả xã hội choáng váng, quan chức địa phương khó lòng chấp nhận điều bấy lâu che khuất. Thế là, thay vì nắm bắt cơ hội nhìn thẳng vào sự thật thì sự điều chỉnh lại tịnh tiến hướng về tỷ lệ tốt nghiệp đẹp dần đều đến 90% - một sự tăng trưởng chóng vánh không tưởng.

Giờ đây, kỳ thi THPT quốc gia là cơ hội sát hạch kết quả 12 năm phổ thông của học sinh, là cơ sở quan trọng để nhiều trường đại học căn cứ vào đó xét tuyển thí sinh cho mình.

Năm nay, nó còn là cuộc sát hạch cho những quan chức trung ương và địa phương có trách nhiệm với giáo dục nước nhà: Sát hạch vượt lên thói sĩ diện, nếp chuộng con số ảo, dám cùng nhau nhìn thẳng vào sự thật. Khi mọi thứ được gầy dựng từ nền tảng sự thật, có cơ sở khoa học thì mới hy vọng củng cố tiếp những giá trị đích thực của giáo dục. Khi đó, những giải pháp căn cơ hơn như định đoạt số mệnh của kỳ thi, làm sao để thi cử ít căng thẳng nhất có thể, không tổn hao và hút mất nhiều năng lượng của xã hội...mới ngày càng rõ hướng.

Cùng với niềm tin về kỳ thi nghiêm túc và chuẩn bị tâm thế đón nhận mọi kết quả thực chất, người dân hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ chóng qua giai đoạn hàng năm cứ mãi quanh quẩn với mùa thi và mùa không thi. Thời gian và không gian tâm trí của xã hội, của những người có trọng trách cần phải được dành thêm cho những vấn đề giáo dục quan trọng khác.

Hạ Anh

{keywords}

Một số Chủ tịch tỉnh trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia

Một số Chủ tịch tỉnh trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 khẳng định cả nước đã sẵn sàng cho một kỳ thi nghiêm túc.