Vừa ôn thi vừa thấp thỏm
Bộ GD-ĐT vừa có đề xuất phương án nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 thì vẫn quyết tâm tổ chức kỳ thi vào giữa tháng 8. Dự kiến sẽ có điều chỉnh như: Kỳ thi sẽ có tên gọi “kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020” với mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp; việc tổ chức thi giao về các địa phương, Bộ GD-ĐT ra đề thi và chấm phần trắc nghiệm. Còn việc tuyển sinh đại học sẽ do các trường tự chủ.
Nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh không khỏi bất ngờ, bởi cách đây 10 ngày, Bộ vẫn đưa ra phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ diễn ra như dự kiến nếu học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15/6. Trong trường hợp đi học sau 15/6, Bộ sẽ giao cho các địa phương tự xét công nhận tốt nghiệp.
Lê Thị Thúy An, học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình (Thái Bình), cho biết kể từ trước Tết Nguyên đán, học sinh khối lớp 12 của trường gần như đã hoàn thành chương trình học. Do đó, khi phải tạm nghỉ vì Covid-19, An cũng không quá lo lắng về sự gián đoạn này.
Năm nay, nữ sinh dự định sẽ thi khối D01 vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH Ngoại thương. Vì thế, thời gian nghỉ dịch, An tập trung tối đa cho việc luyện đề các môn trong khối thi của mình.
Nhưng khi nhận được thông tin kỳ thì THPT có thể chỉ để xét tốt nghiệp, An cảm thấy lo lắng.
“Cả hai ngôi trường em thi đều ở tốp đầu, do đó khả năng cao những trường này sẽ tổ chức kỳ thi riêng. Điều này đồng nghĩa với việc em có thể sẽ phải trải qua hơn 2 kỳ thi nữa mới vào được đại học”.
Đây là điều An chưa từng nghĩ tới. Trước đó một tháng, nữ sinh vẫn cảm thấy tạm ổn với những kiến thức mà mình trang bị được.
“Qua một số bài khảo sát của trường, em nghĩ cơ hội đỗ với mình là có. Tuy nhiên, đến giờ em bắt đầu cảm thấy bối rối nếu phải thi 2-3 bài thi khác nhau mà chưa biết cấu trúc đề ra sao để ôn luyện. Đó là chưa kể còn phải ôn theo đề thi của Bộ để đỗ tốt nghiệp”.
An dự định nếu phương án này được Bộ áp dụng, em sẽ phải xem xét cả một số nguyện vọng thấp hơn để tăng cơ hội đỗ đại học.
Lê Hải Hùng, học sinh lớp 12, Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) khi nghe được thông tin về khả năng thay đổi này, em đã tìm ngay các bài thi đánh giá năng lực của một số trường uy tín để làm thử. Kể từ tháng 6 năm ngoái, nam sinh này bắt đầu đầu tư ôn luyện để thi khối A1. Kỳ thi năm nay, Hùng dự tính sẽ đăng ký 6-7 nguyện vọng xếp từ cao xuống thấp, trong đó có ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Nếu ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức bài thi đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia TP.HCM thì em thực sự rất lo lắng. Đó là nguyện vọng 1 của em, nhưng còn những nguyện vọng sau đó nữa. Thời gian không còn nhiều mà vẫn phải phân chia ôn luyện cho bằng đó trường. Vừa ôn tốt nghiệp, vừa tìm hiểu quy chế tuyển sinh của các trường ĐH và ôn theo hướng của từng trường ấy, em nghĩ mình sẽ không 'chạy 'kịp”, Hùng nói.
Trong khi đó, cô T.A.T, giáo viên tại Thanh Hoá cho hay không muốn kỳ thi xáo trộn, mà mong đề thi cần có độ phân hóa cao hơn.
"Nếu thi chỉ để xét tốt nghiệp, học sinh sẽ không lo học vì nghĩ rằng "đủ điểm tốt nghiệp là ổn". Phần lớn phụ huynh và học sinh lo cho việc thi vào các trường đại học nhiều hơn. Do đó, có thể giữ ổn định hoặc theo một phương án khác là xét tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học", cô T. bày tỏ.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP.HCM, nếu thi chỉ để xét tốt nghiệp, một số không ít phụ huynh sẽ không có nhiều lựa chọn cho con dự thi vào các trường ĐH vì việc khăn gói lên thành phố thi cũng rất vất vả.
Mong xét tốt nghiệp không nặng nề
Sát cánh cùng con trong kỳ thi quan trọng này, chị Hà Thị Tiếm (Hà Nội) lo lắng khi con bị “chệch choạc vì tâm lý đi học thời Covid”, giờ lại phải đối mặt với những thay đổi trong việc tuyển sinh.
“Các con đã rất thiệt thòi khi phải gián đoạn việc học. Nếu có quay trở lại trường vào tháng 5 thì sau kỳ nghỉ dài này cũng phải mất nhiều thời gian để vào lại guồng học ôn thi như các năm trước. Nếu mỗi trường có một kỳ thi thì sẽ ra sao đây? Đăng ký 10 nguyện vọng, con sẽ phải đi thi 10 kỳ thi? như vậy quả thực là không thể”, chị Tiếm nói.
Chị N.H.A, phụ huynh học sinh lớp 12 tại TP.HCM thì bày tỏ: “Tôi luôn dạy con mình cách bình thản đối mặt với mọi việc, nhưng đúng thật là buồn. Tôi không nghĩ đây là một phương án tốt cho các con trong thời điểm hiện tại. Tất cả học sinh học xong phổ thông đều xứng đang được xét tốt nghiệp mà không cần phải tham gia bất kỳ kỳ thi quy mô toàn quốc nào chỉ để xét tốt nghiệp”, chị nói.
Một nam phụ huynh khác đưa ra hai phương án đề nghị, trong đó Bộ GD-ĐT có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp bằng học bạ. Kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ được tổ chức thống nhất trên cả nước với các môn thi chính là Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh. Các môn tổ hợp theo yêu cầu của từng trường đại học sẽ lấy theo điểm học bạ. Một phương án khác là Bộ vẫn có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo các môn chính là Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh để xét tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển đại học. Các môn tổ hợp theo yêu cầu của từng trường đại học sẽ lấy điểm học bạ.
“Có như vậy mới vừa giảm tải việc học tập, thi cử, vừa đảm bảo công bằng cho tất cả các học sinh”, phụ huynh này bày tỏ.
Là phụ huynh có sự am hiểu về giáo dục, anh Thái Văn Tuấn, TP.HCM nhìn nhận phương án "thi tốt nghiệp" Bộ GD-ĐT đưa ra là tạm ổn trong tình hình này, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế do hiện tại học sinh mới chỉ hoàn thành học kỳ I và đang học học kỳ II trực tuyến theo kiểu lấp chỗ trống.
Bản thân anh không quá lo lắng việc vào đại học của con vì hiện nay các trường đã có nhiều cách thức tuyển sinh. “Cháu có thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH quốc gia TP.HCM tổ chức và lấy kết quả này để đăng ký xét nhiều trường. Trong trường hợp khác có thể xét học bạ hoặc sử dụng cách thức khác như ưu tiên xét tuyển”, anh Tuấn nói.
Theo anh, Bộ GD-ĐT đang làm đúng việc khi giao các trường ĐH tự xét tuyển. Nhưng anh Tuấn đề xuất, với kỳ thi tốt nghiệp, Bộ cần kiểm soát kỹ, đặc biệt là khâu chấm thi và công bố kết quả minh bạch. Đây là tiền đề để thay đổi việc dạy học và có cơ sở đánh giá thực chất chất lượng giáo dục lâu nay vốn coi trọng điểm số.
Thúy Nga - Lê Huyền
Dự kiến vẫn thi THPT, các địa phương tổ chức để xét tốt nghiệp
- Sáng 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020.