Trường ĐH Phạm Văn Đồng thành lập tháng 9/2017 theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên cơ sở nâng cấp Trường CĐSP Quảng Ngãi và CĐ Cộng đồng Quảng Ngãi.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, từ tháng 10/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có các văn bản chỉ đạo về việc đầu tư phát triển Trường ĐH Phạm Văn Đồng. Nội dung yêu cầu các sở ngành xem xét đề nghị đầu tư vào ĐH Phạm Văn Đồng của công ty cổ phần đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng.
Trước đó vào tháng 9/2017, doanh nghiệp này gửi công văn cho tỉnh đề xuất đầu tư phát triển vào trường ĐH Phạm Văn Đồng.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập "tổ công tác xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng" do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Dũng làm tổ trưởng. Địa phương này đang có nhiều động thái hối thúc triển khai xã hội hóa (XHH); còn lãnh đạo, giảng viên trong trường không khỏi lo lắng.
Trao đổi với VietNamNet, TS. Nguyễn Đăng Vũ, hiệu trưởng nhà trường cho biết trường liên tục nhận được các văn bản chỉ đạo từ tỉnh và các sở ngành về chủ trương này.
Đến giờ, đã có ít nhất 2 tiến sỹ chủ chốt xin chuyển công tác; trong đó một người là trưởng khoa, quy hoạch phó hiệu trưởng, người còn lại tổ trưởng bộ môn.
TS Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng ĐH Phạm Văn Đồng trao đổi với VietNamNet |
Đây là những cán bộ được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách địa phương để về cống hiến cho ngành giáo dục Quảng Ngãi. Các tiến sỹ này đã chấp nhận bỏ tiền túi đền bù để ra đi.
“Năm 2019 trường phải tự chủ tài chính thường xuyên đến 65%. Thông tin xã hội hóa thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, việc cân đối tài chính tự chủ năm học tới sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Vũ nói.
Trường ĐH Phạm Văn Đồng hiện có 191 viên chức, giảng viên. Trong đó, có 19 PGS, TS (7,8%); 150 thạc sĩ (60,7%). Năm 2017, kinh phí hoạt động thường xuyên (tự chủ) dự toán giao 41 tỷ, dự toán thực hiện đạt gần 50 tỷ đồng. Vì là trường công lập nên thu nhập của cán bộ giảng viên được tính bình thường theo hệ số, phụ cấp.
Hiện, trường có khoảng 3.000 sinh viên hệ chính quy. Ngoài ra có gần 3.000 sinh viên các hệ liên thông, vừa học vừa làm. Đến nay, trường đã đào tạo gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường; đã và đang đào tạo khoảng 300 lưu học sinh Lào.
Năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học của trường là 1.074 em nhưng trong thực tế tuyển sinh không đạt con số này. Nguyên nhân một phần do có sự biến động đầu vào của ngành sư phạm.
Phải minh bạch chủ trương xã hội hoá
Ông Nguyễn Văn Hiệu, cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi - một trong những người vận động thành lập trường - cho rằng, tỉnh cần thận trọng trong việc XHH ĐH Phạm Văn Đồng. Ngoài việc đảm bảo công ăn việc làm của cán bộ, giảng viên, đảm bảo chính sách với con em địa phương; tỉnh cần tính đến yếu tố "truyền thống" của ngôi trường này.
Ông Phạm Đình Chinh, giảng viên trung tâm đào tạo thường xuyên, Chủ tịch hội Cựu chiến binh ĐH Phạm Văn Đồng cho rằng rất tán thành chủ trương XHH của Nhà nước. Tuy nhiên chủ trương này phải minh bạch.
TS. Nguyễn Đăng Vũ bày tỏ: “Nhà trường hiện thiếu các thiết chế hoạt động trong nhiều năm qua mà ngân sách nhà nước không thể bố trí. Ví dụ nhà thực hành, hội trường…, trong tổng thể đề án xây dựng trường có những hạng mục này, nhưng trong trung hạn nguồn vốn ngân sách không thể bố trí. Nếu Nhà nước không đầu tư được thì để cho nhà trường làm "xã hội hoá".
Trường ĐH Phạm Văn Đồng thành lập năm 2007 theo Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Ông cho hay trong đề xuất của mình, công ty Nguyễn Hoàng dự định chuyển trường thành cơ sở tư thục. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho các sinh viên nghèo, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vốn chiếm hơn 70% sinh viên của trường.
Lãnh đạo nhà trường nói rằng chủ trương xã hội hoá có từ 2017, sau khi Quảng Ngãi có kế hoạch lập tổ công tác xã hội hoá trường Phạm Văn Đồng, trong công văn đề xuất thành viên không có đại diện của trường này. Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng chưa từng tiếp xúc, làm việc với nhà trường.
"Xã hội hoá là chủ trương đúng, nhưng đề án phải do nhà trường xây dựng. Sau đó có thể kêu gọi xã hội hóa từng hoạt động của trường, không thể cùng lúc giao hết gần 30 ha đất, cơ sở vật chất và con người cho một doanh nghiệp như vậy", TS Vũ bày tỏ.
"Không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học"
Trao đổi với VietNamNet hồi tháng 1/2019, đại diện tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết hiện chưa có quyết định chính thức từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, doanh nghiệp cũng chưa có cuộc làm việc chính thức nào với trường.
Còn đề xuất của doanh nghiệp nếu được đáp ứng, việc phát triển Trường ĐH Phạm Văn Đồng sẽ là giai đoạn 2 của dự án thành phố giáo dục của doanh nghiệp này đang triển khai ở Quảng Ngãi. Phía Nguyễn Hoàng cho biết trong trường hợp được giao, tập đoàn cam kết sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho cán bộ, nhân viên của trường tối thiểu 5 năm.
Được biết, tập đoàn Nguyễn Hoàng là một trong những doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phần của những trường đại học tư thục ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu như ĐH Hoa Sen, Gia Định, Bà Rịa - Vũng Tàu... và tham gia nhiều dự án "thành phố giáo dục quốc tế" ở một số tỉnh, thành trên cả nước.
Nghị quyết 19 (NQ19) do của Trung ương Đảng ban hành cuối năm 2017 đã đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp thứ 2 là sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, cụ thể là với giáo dục đại học, NQ19 khẳng định sẽ thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả. Không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học.
Trao đổi với báo chí đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2019 sẽ thúc đẩy giáo dục ngoài công lập phát triển, tạo động lực cho giáo dục đại học cạnh tranh. Sau một thời gian nhất định, chẳng hạn 5 năm, có thể trật tự giáo dục đại học sẽ thay đổi, số trường ít đi.
Cao Thái
"Xã hội hóa" giáo dục: Trường tiền tỷ, trường dăm cân gạo
Cùng nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhưng có trường xã hội hoá được phòng máy tính, sân thể chất, nhà vệ sinh; có trường chỉ có thể vận động gia đình đóng góp vài cân gạo mỗi tháng để bữa cơm của các con có thêm miếng thịt.