Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể theo quy luật thị trường.

{keywords}
Bình Thuận đang thực hiện giải pháp kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn. 

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế tỉnh nhà, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một trong các chính sách sớm tiếp cận và phủ đều đến các doanh nghiệp trên địa bàn là việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh, đã có 741 đơn vị là doanh nghiệp và tổ chức nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế các loại và tiền thuê đất với tổng số tiền đề nghị gia hạn là 312.195 triệu đồng.

Cục Thuế tỉnh đã thực hiện thông báo giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho 6 đơn vị với số tiền giảm là 319 triệu đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho 1.047 xe với số tiền miễn, giảm là 30.810 triệu đồng.

Bên cạnh việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, các gói tín dụng ưu đãi được triển khai trong thời gian qua đã tiếp sức cho doanh nghiệp quay trở lại thị trường. 

Theo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến ngày 25/11/2020, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 936,4 tỷ đồng/3.995 khách hàng; giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 1,17 tỷ đồng.

Cùng với việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi vay, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, triển khai thực hiện các chương trình cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch từ ngày 23/01/2020 đến nay là 12.371 tỷ đồng/4.723 khách hàng.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ đã tạo ra đòn bẩy để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Tình hình dịch bệnh trong nước đã được khống chế, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu lơ là chủ quan. Do đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là 03 trụ cột: Phát triển công nghiệp; du lịch, thể thao biển và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Việc thực hiện tốt “mục tiêu kép” sẽ tạo ra môi trường đầu tư an toàn để doanh nghiệp an tâm quay trở lại thị trường, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Lê Thuý