Việc Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép công dân được thực hiện chuyển đổi giới tính, công nhận giới tính sau khi chuyển đổi và tạo điều kiện thuận lợi để người chuyển giới thực hiện thay đổi các vấn đề hộ tịch, nhân thân… được xem là một bước tiến dài nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cho cộng đồng người chuyển giới.
Đã 5 năm, kể từ thời điểm đó, cộng đồng người chuyển giới vẫn đang phải chờ có Luật để thực hiện được các quyền của mình.
Việc Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép công dân được thực hiện chuyển đổi giới tính, công nhận giới tính sau khi chuyển đổi và tạo điều kiện thuận lợi để người chuyển giới thực hiện thay đổi các vấn đề hộ tịch, nhân thân… được xem là một bước tiến dài nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cho cộng đồng người chuyển giới. Ảnh minh họa. |
Theo kế hoạch, dự thảo Luật chuyển đổi giới tính được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020. Tuy nhiên năm 2020 đã sắp kết thúc. Theo quan sát, cho đến nay, dự thảo Luật này vẫn còn một số điểm quan trọng vẫn còn ý kiến khác nhau.
Ví dụ, Điểm 5 Điều 2 dự thảo quy định: "Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh học đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện".
"Quy định này dẫn đến nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng quyền lợi từ dự thảo luật này vì một số lý do sau: về kinh tế không đủ điều kiện chi trả, về sức khỏe một số người không thể sử dụng hormone, bị sốc khi tiêm hormone hoặc tử vong hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật" - ThS Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế phân tích.
Ảnh minh họa |
Hay như Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do ... đạo đức XH, sức khỏe của cộng đồng”.
Khoản 2 Điều 2, Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử; Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, trong đó giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính...
Bộ luật dân sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Tại Điều 37 Bộ luật Dân sự quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”.
Mặc dù từ 01/01/2017, Việt Nam đã cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, tuy nhiên cá nhân nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, quy trình chuyển đổi giới tính như thế nào, thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ hộ tịch… vẫn chưa được quy định cụ thể.....
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.
Chỉ khi có hành lang pháp lý thì những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn và hưởng được hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận. Ảnh minh họa. |
Theo ước tính, hiện nay Việt Nam có khoảng 400.000 người chuyển giới. Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Một nghiên cứu đúc kết từ những người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP.HCM cho thấy 83% cộng đồng người chuyển giới bị chế giễu, 45% cộng đồng người chuyển giới bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới, 23% buộc phải quan hệ tình dục, 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục và 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.
“Chỉ khi có hành lang pháp lý thì những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn và hưởng được hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.
Tương lai ấy phụ thuộc vào cộng đồng, Bộ Y tế - đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo luật. Rào cản tâm lý họ đang, đã và sẽ vượt qua nhưng liệu rào cản pháp lý có nghiêng về phía ủng hộ cho tiếng nói của những người chuyển giới, bảo vệ họ được bình đẳng trong xã hội?" - bà Thủy trăn trở.
Hồ Tú