Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, mới đây FPT và UBND tỉnh Hà Giang đã phối hợp tổ chức khóa bồi dưỡng nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo các cấp của tỉnh. Từ 206 điểm cầu trên toàn tỉnh Hà Giang, gần 4.500 lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành từ cấp tỉnh, thành phố/huyện, xã/phường đã tham gia khóa bồi dưỡng.

Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, đây là dịp để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Hà Giang cập nhật kiến thức, khái niệm, nền tảng căn bản và bức tranh tổng quan về chuyển đổi số. Đồng thời, nhận diện những vấn đề mang tính chiến lược. Từ đó giúp hình thành tầm nhìn dài hạn cho phát triển chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, địa phương. 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, chuyển đổi số cần phải thực hiện theo phương châm “nhận thức phải thông, hành động phải quyết liệt”. Do đó, tỉnh Hà Giang quyết tâm chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Từ đó thay đổi toàn diện cách sống, cách làm việc của người dân, cán bộ công chức trên toàn tỉnh. 

Ông Đặng Quốc Khánh cũng chỉ ra một số mục tiêu trọng điểm trong Chương trình chuyển đổi số của tỉnh như đẩy mạnh cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4; Tiêu thụ quảng bá, sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh trên môi trường số, phát triển thương mại điện tử; Phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng làm việc trên môi trường số và ưu tiên chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tạo nền tảng quan trọng thực hiện mục tiêu đưa Hà Giang trở thành tỉnh chuyển đổi số toàn diện.

{keywords}
 Hà Giang quyết tâm chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tại khoá bồi dưỡng, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã chia sẻ về “Chuyển đổi số và ứng dụng trong cuộc chiến chống Covid-19”. Theo Chủ tịch FPT, cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến sinh tử. Sự kết hợp giữa bài học kinh nghiệm của chiến tranh nhân dân và “vũ khí” công nghệ sẽ tạo ra sức mạnh để Việt Nam chiến thắng Covid-19.

Người đứng đầu FPT nhấn mạnh, công nghệ thông tin, ứng dụng số đã góp phần tích cực trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, ổn định xã hội, duy trì phát triển kinh tế. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang giúp cho công tác điều trị bệnh nhân, quản lý địa bàn, quản lý xã hội hiệu quả; ứng phó an toàn, linh hoạt; kiểm soát hiệu quả công tác chống dịch; duy trì và phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới. 

Lương Bằng