Lập “luồng xanh” đẩy mạnh lưu thông

Ông Lê Thanh Hoà – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, diện tích rau tại các tỉnh phía Nam lên tới 537 nghìn ha, năng suất gần 200 tạ/ha, sản lượng 10,7 triệu tấn. Bình quân mỗi tháng, vùng ĐBSCL cung cấp cho thị trường 433 nghìn tấn rau, chủ yếu cho tiêu thụ nội địa với khoảng 18 triệu người vùng ĐBSCL và hơn 10 triệu người TP HCM.

Vùng này cũng là vựa nông sản lớn ở nước ta, trong đó có trái cây. Thời điểm này, nhiều loại trái cây đang bước vào chính vụ thu hoạch, sản lượng cung ứng ra thị trường lên tới 170 nghìn tấn/tháng.

Song, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Nông dân đối diện nỗi lo hàng hoá nông sản bị ùn ứ, giá giảm mạnh.

{keywords}
"Luồng xanh" nội tỉnh được lập, nông sản thuận lợi thông thương

Để đẩy mạnh lưu thông hàng hoá tại khu vực này, các tỉnh, thành phố phía Nam cũng đã lập thêm “luồng xanh” đường bộ, đường thủy giải tỏa ách tắc.

Đối với vận tải hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía nam, lái xe, người đi cùng trên xe không cần phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, điều này cũng đã kịp thời giải quyết được vướng mắc, bảo đảm lưu thông hàng hóa. 

Hiện các tỉnh khu vực phía Nam đều cố gắng linh hoạt hơn khi vận hàng “luồng xanh” nội tỉnh để nông sản, hàng hoá thiết yếu được lưu thông tốt hơn.

Đơn cử, Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh cấp giấy nhận diện phương tiện thông qua hệ thống của Tổng cục Đường bộ. Giấy nhận diện phương tiện sẽ ưu tiên các xe đi qua chốt kiểm soát dịch, đặc biệt là xe chở lương thực, thực phẩm. Đối với xe chở lương thực, thực phẩm trong tỉnh thì không cần giấy nhận diện phương tiện.

Hay như Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long cũng đã áp dụng văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ, chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng chống dịch không thực hiện việc kiểm tra giấy nhận diện phương tiện (có mã QR) trên xe đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa là các loại hàng mau hỏng khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16.

Nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản

Hiện, Bộ NN-PTNT đã thành lập và cử Tổ Công tác 970 chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam bị giãn cách xã hội do dịch Covid-19, đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT các địa phương rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính, dự kiến thời gian, sản lượng thu hoạch theo từng tháng đến hết năm 2021; dự báo những vướng mắc trong tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; từ đó đưa ra kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ, giải quyết.

Ngoài ra, Tổ công tác 970 sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của các địa phương thuộc tâm dịch Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.

{keywords}
Các bộ ngành, địa phương đang nỗ lực để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân khu vực phía Nam

Theo báo cáo mới nhất của Tổ Công tác 970, đến ngày 26/7, có tổng 414 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký được hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Trong đó, rau củ có 103 đầu mối, trái cây 107 đầu mối, thủy hải sản 159 đầu mối, lương thực 25 đầu mối, các mặt hàng khác 20 đầu mối.

Tổ Công tác cũng cho biết, nguồn cung nông sản đang dồi dào và có nhiều dấu hiệu dư thừa ở một số ngành hàng. Các tỉnh tháo gỡ, khó khăn về lưu thông tạm ổn nên lượng hàng về các đầu mối tăng. Song, dự báo nguồn cung tiếp tục tăng ở các nhóm sản phẩm: dưa leo, rau ăn lá, khoai lang tím, khóm, nhãn, chanh, cá nước ngọt và tôm nước mặn, thịt gà lông trắng, thịt cút và trứng cút.

Cụ thể, thống kê sản lượng cung ngày 25/7 của 388 đầu mối cần được tiêu thụ gồm: tôm nước mặn 1.983 tấn, nhãn 1.832 tấn, dưa leo 120 tấn/ngày, cá nước ngọt 620 tấn, khoai lang 596 tấn/ngày, chanh 243 tấn, rau ăn lá 185 tấn/ngày.

Ngay trong ngày, Tổ Công tác đã hỗ trợ kết nối trên 28 đơn hàng gồm các sản phẩm: xoài Cát Chu, rau ăn lá, thịt chim cút, cá nước mặn, các sản phẩm khô và mắm.

Theo Tổ Công tác 970, nhiều loại cây ăn trái thu hoạch theo mùa. Vì vậy, UBND các tỉnh cập nhật và tổng hợp tình hình tại các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà vườn tuân thủ quy định, tổ chức thu hoạch nhanh, gọn, kết nối tiêu thụ. Đồng thời phải công bố thời gian, sản lượng, chủng loại thu hoạch để tham gia vào các diễn đàn kết nối cung cầu.

Tương tự, mặt hàng rau quả và thực phẩm, cần kết hợp với thương lái, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích, tổ chức từ thiện,... tại địa phương tiêu thụ nhanh. Riêng vùng nguyên liệu sản lượng lớn cần kết nối qua hệ thống phân phối, ban ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Trong vài ngày tới, Tổ Công tác cũng sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản miền Nam với các tỉnh miền Trung và miền Bắc, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, không để nông sản ùn ứ, ách tắc.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy