Sau một tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung cho biết, đến thời điểm hiện tại, cả nước có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách, hàng triệu người lao động được hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt. Đặc biệt vừa qua đã có hàng triệu lao động tự do được hưởng chính sách, thủ tục linh hoạt từ các địa phương.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

 Nhiều tỉnh, thành phố đã có cách làm sáng tạo, chủ động mở rộng đối tượng thụ hưởng.  Trong đó TP.HCM đã triển khai xong gói hỗ trợ lần một có trị giá 886 tỷ đồng và đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Thành phố Hà Nội vừa bổ sung thêm chính sách đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng trong ngày 14/8…

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, vẫn có tình trạng một số địa phương còn chưa quan tâm sâu sát đến vấn đề hỗ trợ người dân. Ông Dung đề nghị đề nghị các địa phương thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 86/NQ-CP thông qua nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả. Việc triển khai hỗ trợ cần nhanh, cụ thể và thiết thực, hiệu quả hơn. Trong đó cần ưu tiên quan tâm đến lực lượng lao động, công nhân bị mất việc, ngừng việc làm.
 
Theo số liệu từ Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội số lao động thất nghiệp đang gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động.
 
Số người thất nghiệp trong quý 2/2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý I là 0,2% và 0,46% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 7/2021 với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.

Số lượng hồ sơ đề nghị nhận bảo hiểm thất nghiệp tại các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, do dịch bệnh, việc giải quyết hồ sơ trực tiếp cho người lao động gặp nhiều trở  ngại, hầu hết các Trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương đã và đang chuyển sang hình thức giải quyết hồ sơ trực tuyến, tăng thêm nhân lực để hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
 
Thuỳ Mi